Học ăn, học nói, học gói, học mở
Một thống kê đáng chú ý: thành ngữ, tục ngữ của người Việt có động từ 'ăn' đứng ở vị trí đầu câu có số lượng tới 400 câu...
Ví như nhắc nhở con người phải biết ơn người đi trước thì: “Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi”. Dạy người ta cư xử điềm đạm, từ tốn, vừa phải, chừng mực: “Ăn bớt bát, nói bớt lời”. Phê phán những kẻ bội nghĩa, bạc tình: “Ăn cháo đái bát”. Chê những kẻ thô lỗ: “Ăn bốc đái đứng”. Nói về tình trạng cuộc sống bấp bênh: “Ăn bữa sáng, lo bữa tối”; về lối sống tạm bợ: “Ăn đường ngủ chợ”...
Đấy là chưa kể tới những từ đồng nghĩa Hán Việt, như: “Thực bất tri kỳ vị” (Ăn mà chẳng biết mùi vị gì) chê những người thông tục, nông cạn. Cũng là chưa kể những từ “ăn” là tính từ như “Ăn ảnh” chỉ những người được chụp ảnh có thần thái tươi tắn, sắc nét (Cô ấy rất ăn ảnh!)...
Từ “ăn” này phong phú bậc nhất về nghĩa so với các từ đồng nghĩa ở các ngôn ngữ khác trên thế giới.
Trở lại với tiêu đề bài viết thì dễ thấy dân gian rất coi trọng hành vi ăn uống nên mới đặt nhiệm vụ việc học đầu tiên là “học ăn”. Cũng phù hợp với quy luật sinh trưởng của đứa trẻ bắt đầu là “ăn” sau là “nói”. Nhưng tại sao là “học gói” trước, “học mở” sau? Là vì “học gói” tức khoảng thời điểm kết thúc công việc (đóng gói thóc lúa rạ rơm rồi xem cái nào để giống, cái nào nộp thuế, cái nào ăn...) tức phải coi trọng tính mục tiêu, tính hiệu quả. Chính điều này lại chi phối quá trình “mở” là bắt đầu...
Từ “ăn” luôn có nét nghĩa hưởng thụ thành quả. Cụ Nguyễn Trãi có câu cực hay giáo dục lòng biết ơn nông dân “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Người Việt rất coi trọng miếng ăn, bữa ăn: “Trời đánh tránh miếng ăn”, vì quan niệm không phải là “sống để ăn” chỉ biết hưởng thụ mà là “ăn để sống” tức ăn để lấy sức làm việc. Chỉ đến bữa ăn gia đình mới tập trung đông đủ để chia sẻ, góp ý, phân công, nhắc nhở. Quan trọng nhất là cả nhà cùng nhau thưởng thức thành quả lao động chung.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã rất Việt Nam khi để nhân vật người mẹ trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” nổi tiếng, nói chỉ cần nhìn thấy các con ăn đã là hạnh phúc, dù để có cái ăn ấy phải trả bằng sự vất vả, thậm chí khổ đau.
Trong lúc ăn sẽ thể hiện rõ nhất con người văn hóa. Có người “ăn như hùm đổ đó”, “ăn sống ăn chết”, “ăn như thằng chết đói” vội vã, nhồm nhoàm thô tục. Có kẻ cảnh vẻ kén chọn, ra vẻ ta đây “kén ăn”. Có người chăm chăm chọn miếng ngon cho mình. Có người làm cơm rơi thịt vãi mà không có ý thu vén, nhặt nhạnh. Có kẻ vừa ăn vừa nói...Thế nên ngày trước các cụ ta chọn người (kén rể) thì thường là mời cơm. Chỉ hai ba người ăn cơm nhưng có tới hàng chục đôi mắt kín đáo, ý tứ săm soi...
Nếu là chọn rể thì “cô dâu” thường được bố trí ngồi buồng trong nhưng quan sát, nghe ngóng được rõ nhất (qua khe cửa). Người ăn biết ngồi đúng chỗ, biết mời người trên, hành vi từ tốn, ý tứ, biết quan tâm, nhường nhịn, trân trọng miếng ăn, vừa ăn vừa biết thưởng thức, biết dừng đúng lúc... hẳn nhiên là người được chọn!
Ngày xưa, trong các sách nói về chọn quân sư hay đi sứ hoặc tướng tiên phong... còn khắt khe hơn nhiều. Về chuyện này thì các sách Tàu cổ rất phong phú, chỉ xin dẫn một câu của Khổng Tử trong sách “Luận ngữ”: “Người quân tử không làm trái đức nhân dù chỉ trong khoảng một bữa ăn”.
Thế giới từng tổ chức những giải về ăn nghe có vẻ lạ nhưng rất thực. Vì người ăn nhiều cũng phải hơn người, xuất chúng. Như Giải vô địch ăn kim chi thế giới (Mỹ) được tổ chức ở Chicaho (2010) trong một lễ hội Hàn Quốc. Người tham dự ăn nhiều kim chi nhất có thể trong khoảng thời gian tối đa 8 phút. Giải thưởng năm đó trao cho người ăn được 3,8 kg trong 6 phút. Rồi thi ăn tỏi sống thế giới ở Dorset (Anh - 2013), phải ăn nhiều tỏi nhất trong vòng 1 phút. Người giữ kỷ lục là anh Deepak Sharma Bajagain (Nepal) ăn được 34 nhánh tỏi.
Lại có cuộc thi ăn cánh gà (thành phố Philadelphia - Mỹ, 2009), người nhai nuốt nhiều nhất được 203 chiếc cánh trong vòng 20 phút…Phổ biến hơn cả là thi ăn xúc xích. Có người ăn được tới 69 chiếc trong 10 phút. Những cuộc thi này thực ra mang tính quảng bá và “vui vẻ”, chứ thực ra nó phản khoa học, và có người đã chết...no!
Ăn thế đã là nhiều nhưng chưa thể so sánh với Thánh Gióng của thần thoại Việt Nam: ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, uống cạn một khúc sông. Chi tiết này ít nhất có mấy ý nghĩa: khẳng định sự phi phàm của nhân vật (Gióng); Ăn càng nhiều thì càng khỏe (Nhân vật chàng Khỏe trong cổ tích luôn ăn cũng rất...khỏe); Sự tốn kém về mặt hậu cần trong chiến tranh (chỉ một mình Gióng đánh giặc, trong khi đó thực tế thì phải có nhiều người như thế cùng đuổi giặc)...
Với quan niệm “Chứa vào càng khỏe, phát ra càng to”, những câu chuyện Trạng Ăn của người Việt đều miêu tả Trạng ăn rất khỏe, làm việc rất giỏi. Trong sách “Công dư tiệp ký” ghi truyện Lê Nại (Mộ Trạch, Hải Dương) sức ăn khỏe khác người. Nhà Nại nghèo được quan Thượng thư Vũ Quỳnh gả con gái. Thời kỳ ở rể, Nại hết ăn lại nằm không chịu học hành gì. Cha Nại bèn nói với thông gia Nại chỉ chịu học khi được ăn no.
Quan Thượng bảo người nhà mỗi bữa thổi nồi năm cơm (khoảng 3-4 kg). Nại ăn hết rồi chí thú học hành. Cuối cùng thi đậu Trạng cùng làm đến Thượng thư như bố vợ. Cụ Thượng bèn làm thơ rằng: “Tiên sinh Mộ Trạch, ăn khỏe nổi danh/ Mười tám bát cơm, mười hai bát canh/ Đi thi đỗ Trạng, tên trùm làng Nho/ Chứa vào càng khỏe, phát ra càng to”. Có thể truyện ăn này chỉ là giai thoại nhưng trong lịch sử thì có Lê Nại bằng xương bằng thịt. Ông làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Hộ, tác phẩm để lại có“Việt sử thông giám”.
Cùng môtip truyện Lê Nại là truyện về Lê Như Hổ (Tiên Châu, Hưng Yên) là một anh học trò to cao, ăn khỏe như hổ, nên gọi là Như Hổ. Hơn cả Lê Nại, Như Hổ ăn hết một nồi bảy cơm (khoảng 5-6 kg). Hổ rất khỏe, phát cỏ nhanh đến nỗi cá chạy không kịp, chết nổi đầy đồng. Lúa chín Hổ gặt nửa ngày xong hai mẫu...Hổ học giỏi, không bao lâu thi đậu ông nghè.
Như vậy chùm truyện Trạng Ăn này đều ca ngợi các học trò ăn khỏe, làm khỏe, học giỏi, đỗ cao. Đúng là mơ ước của bất kỳ ai. Điều này là sự minh họa cho một phương ngôn Nho gia: “Dĩ thực vi tiên” (Lấy cái ăn làm đầu). Khi cả hai Trạng ăn chưa đủ nên làm việc chưa ra gì, học hành bê trễ nhưng ăn no thì khác hẳn. Ý nghĩa phổ quát của nó nhắc nhở mọi người muốn con mình khỏe mạnh, học giỏi để thành tài thì trước hết phải lo đủ cái ăn! Đồng thời cũng có bóng dáng của thành ngữ Hán Việt: “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu” (Trai ăn khỏe, nhanh như hổ, gái ăn ít, nhỏ nhẻ như mèo). Là sự “chọi” lại với thành ngữ châm biếm: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” giễu những kẻ ăn nhiều, nói giỏi mà làm chẳng ra gì...
Người Pháp cũng có những truyện tương tự như truyện Trạng Ăn của ta nhưng không nằm trong văn hóa thi đỗ làm quan nên chỉ là thiếu niên nghèo và thêm cái humua rất Pháp là “chơi khăm nhà giàu”. Truyện kể khi cậu bé nọ đến làm thuê ra điều kiện với chủ: Không dậy trước 5 giờ sáng; Ăn đủ no; Cuối năm trả thóc vừa đủ sức mình mang. Chủ trại chấp nhận. Chủ cho dọn một bát súp nhỏ, cậu ta đòi “Phải một nồi súp và 3 ổ bánh to”. Chủ cho ăn đủ. Khi lấy củi về cậu còn nhổ 4 cây to chất lên xe, ngựa không kéo nổi. Cậu ta tự tay kéo, còn về trước cả mọi người. Khi đòi tiền công. Chủ đưa hai bao thóc, cậu không lấy; đưa 8 bao, cậu chỉ nhấc bằng một ngón tay; đưa 32 bao nhấc bằng 2 ngón. Cuối cùng chủ phải đưa 100 bao.
Các truyện của Đức do Grim sưu tầm hay của Hy Lạp cũng có nhiều truyện tương tự...Điều đó cho thấy khát vọng ăn khỏe, làm khỏe và được trả công tương xứng như là một mẫu số chung của văn hóa nhân loại.
Lấy cái ăn để giáo dục cả vua thì chỉ thấy ở ta với truyện “Mầm đá” gắn với nhân vật Trạng Quỳnh. Thấy Chúa Trịnh quanh năm ăn toàn sơn hào, hải vị, chả thiếu thức gì, mà vẫn kêu không thấy ngon miệng. Quỳnh nghĩ kế ra “món ăn mầm đá”. Chúa đã đói lả mà chưa có “mầm đá” Quỳnh bèn dâng cơm rau dưa mời Chúa ngự tạm. Chúa khen ngon. Quỳnh tâu: Món “Mầm đá” đấy ạ!
Chúa mắc lỡm còn mọi người vừa được cười vừa được thêm một triết lý: cứ bình dân mà sống mới thấy đủ cái hương vị cuộc đời. Là vua quan ăn sung mặc sướng mãi cũng chẳng hạnh phúc gì!
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hoc-an-hoc-noi-hoc-goi-hoc-mo-597015/