Học Bác, đơn giản là phải thoát nghèo
Dù đã điện thoại hẹn trước, nhưng tôi vẫn phải lùi lịch gặp Má A Thào, đảng viên Chi bộ thôn Má Tra, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) tới 3 lần mới gặp được. Là người có uy tín trong đồng bào, anh Thào luôn bận bịu với các hoạt động công tác xã hội.
Vốn rất thích nghe những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Thào dày công sưu tầm và thu âm tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ vào chiếc điện thoại nhỏ để mang theo mình mỗi khi lên nương hoặc trước khi đi ngủ thì mở nghe. “Tôi thích nhất là những bài nói chuyện về tư tưởng, đạo đức của Bác. Nghe mãi không biết chán, càng nghe, càng thấm để từ đó hoàn thiện mình hơn”, anh Thào chia sẻ.
Những câu chuyện về Bác dường như đã thấm sâu, giúp anh Thào mở rộng thêm hiểu biết trong các lĩnh vực xã hội, trong ứng xử với mọi người. Dù mới 30 tuổi, nhưng anh Thào đã có vốn kiến thức kha khá về kinh tế, luôn là người tiên phong phát triển kinh tế, làm mẫu cho bà con tin tưởng. “Thời gian đầu, nhiều đoàn viên lo ngại vì chưa biết chuyển đổi diện tích cấy lúa 1 vụ sang trồng cây gì cho phù hợp với thời tiết khắc nghiệt tại thôn. Sau khi tham khảo, tôi vận động đoàn viên trồng cây atisô. Tìm được hướng chuyển đổi, nhưng nhiều hộ dân vẫn lo lắng, nếu trồng ồ ạt thì đầu ra liệu có bảo đảm. Để bà con yên tâm, tôi tiên phong mở rộng diện tích trồng cây atisô và rau trái vụ. Đến kỳ thu hoạch, ngoài phần bán cho công ty dược liệu, tôi bán cho các cửa hàng. Giờ thì không cần vận động, bà con cũng tự giác mở rộng diện tích trồng. Cây atisô và rau trái vụ đã giúp đưa tỷ lệ hộ nghèo của Má Tra từ hơn 70% (năm 2010), đến nay không còn hộ nghèo”, anh Thào chia sẻ. Với những thay đổi tích cực, hiện Má Tra đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhiều năm liên tục đạt thôn văn hóa, hơn 80% số hộ trong thôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Rời Má Tra, chúng tôi đến căn nhà gỗ nhỏ nhưng chất kín những bao ngô, bao thóc của gia đình chị Vùi Thị Dương, dân tộc Nùng, thôn Sín Chải, xã Bản Mế. Vợ chồng chị đang soát lại các đơn đặt xát gạo để kịp trả cho người dân. Nghe tôi giới thiệu là nhà báo, muốn tìm hiểu về những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong học và làm theo gương Bác, chị Dương bảo: “Tôi là nông dân, nên học Bác chỉ đơn giản là phải thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”. Chính vì suy nghĩ này, nên vợ chồng chị Dương đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng rừng và mở thêm dịch vụ xay xát. Từ hộ có tên trong danh sách nghèo nhiều năm liên tục, đến năm 2010, gia đình chị đã thoát nghèo và trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện 5 năm qua. Hiện, mỗi năm gia đình chị có nguồn thu gần 200 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt và nấu rượu. Chị Dương tâm sự: “Muốn làm theo Bác, trước hết phải thuần thục từ những việc nhỏ, trước hết gia đình phải văn hóa, con cái học hành đầy đủ, kinh tế không được nghèo”.
Từ những việc vượt khó rất đỗi bình dị, nhưng có chung một điểm đó là lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ xứng đáng là những bông hoa đẹp trong vườn hoa ngàn việc tốt để dâng lên Bác kính yêu.