Học Bác phát huy truyền thống nghĩa tình

Trong Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, một lần nữa Đảng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải: 'Sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ'. Học Bác, khắc ghi những lời Bác dạy là một trong những phương thức đơn giản để mỗi cán bộ, đảng viên luôn phát huy lòng nhân ái, nghĩa tình, yêu thương lẫn nhau, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân.

Người dân ấp 4, xã Hưng Phước, huyện Bù Ðốp cùng cán bộ Ðồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu lau dọn cột mốc - Ảnh: T.L

Người dân ấp 4, xã Hưng Phước, huyện Bù Ðốp cùng cán bộ Ðồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu lau dọn cột mốc - Ảnh: T.L

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ, đảng viên phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau. Sống nghĩa tình, thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng đội không phải là yêu cầu mới. Đây là truyền thống quý báu được đúc kết, truyền lại từ chính thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ông cha bao đời nay. Nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, không khó để thấy, so với các thế lực thù địch, ngoại bang xâm lược, chúng ta thường yếu thế hơn nhiều về vũ khí, trang thiết bị. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm, sự đoàn kết, nhất trí “muôn người như một”, chúng ta đã chiến thắng mọi kẻ địch.

Nhắc về công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra: “Đảng ta là một đoàn thể đấu tranh. Trong cuộc tranh đấu thường hao tổn một số cán bộ quý báu. Vì vậy, chúng ta càng phải quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới”. Mặt khác, Bác cũng nhấn mạnh: “Nếu thuộc bao nhiêu sách về chủ nghĩa Mác - Lênin mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì không thể hiểu được chủ nghĩa Mác - Lênin”. Bản chất của Đảng ta là nhân ái, nghĩa tình, coi trọng phẩm giá con người. Bởi vậy, nếu mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng không giữ được những phẩm chất này thì cũng đồng nghĩa với việc Đảng sẽ suy yếu từ bên trong, xa rời bản chất, lý tưởng ban đầu. Hiện nay, chúng ta đang “bắc những chiếc cầu nhỏ” để từng bước hiện thực hóa mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đây là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, phải đối diện với hàng loạt âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Do vậy, việc phát huy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau là “chìa khóa” quan trọng để Đảng ta vững bước trên con đường đã chọn.

Yêu thương, giúp đỡ đồng chí, đồng đội nghĩa là chúng ta phải quan tâm một cách thực lòng, “chia ngọt, sẻ bùi”, gắn kết chặt chẽ, đối xử với nhau như người thân trong một gia đình. Thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau phải dựa trên sự chân thành, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ chứ không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc, nịnh nọt người khác. Như Bác dạy, trong công việc phải chú ý giúp đỡ nhau kiểm đếm lại chất lượng, hiệu quả công tác để cùng nhau tiến bộ, “hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói quen có gan phụ trách, có gan làm việc”. Thương yêu còn là sự quan tâm về hoàn cảnh, đời sống của đồng chí, đồng đội, kịp thời giúp đỡ, động viên nhau vượt qua những khó khăn, thăng trầm của cuộc sống.

Đối lập với nhân ái, nghĩa tình, yêu thương đồng chí, đồng đội, Bác Hồ cũng đã chỉ ra hàng loạt “căn bệnh” nguy hiểm làm tha hóa cán bộ và gây mất đoàn kết nội bộ. Đó là căn bệnh kèn cựa, suy bì đãi ngộ và địa vị, “chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể”, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Đó là óc bè phái hẹp hòi, “ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình; ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng”. Đó là thói a dua, xu nịnh, bằng mặt nhưng không bằng lòng, “trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu; thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”. Đó là sự vô cảm, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ… Đặc biệt, đó là bệnh kéo bè kéo cánh, nghĩa tình giả tạo, lợi dụng vỏ bọc yêu thương, đoàn kết để phân chia bè phái, “ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ cho nhau; ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”.

Thực tế, trong những năm qua, bên cạnh việc đại đa số cán bộ, đảng viên luôn giữ vững lý tưởng cộng sản, gắn bó chặt chẽ, yêu thương đồng chí, đồng đội thì cũng xuất hiện không hiếm trường hợp hục hặc với tổ chức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; lợi dụng phê bình để vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của quần chúng; gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân… Đây là những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Đảng ta nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Tất cả hành vi lệch lạc nêu trên đã làm xói mòn các giá trị đạo đức của người cách mạng, khiến cho khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bị rạn nứt, đe dọa trực tiếp vai trò cầm quyền của Đảng.

Với vai trò là đảng cầm quyền, mang trên mình sứ mệnh lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng tiến lên xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của Đảng ta là hết sức vinh quang nhưng cũng vô cùng nặng nề. Để không phụ sự kỳ vọng của quần chúng nhân dân, để xứng đáng với những hy sinh, cố gắng của các thế hệ đi trước, Đảng ta phải luôn luôn đoàn kết, gắn bó chặt chẽ. Để làm được điều này, không còn cách nào khác là từng cán bộ, đảng viên phải luôn ý thức rõ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của cá nhân, phải giữ vững phẩm chất đạo đức của người đảng viên.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/160986/hoc-bac-phat-huy-truyen-thong-nghia-tinh