Học Bác tinh thần chí thú làm ăn, vươn lên làm giàu
Với sự chăm chỉ, kiên trì, quyết tâm, nhiều người con đồng bào dân tộc thiểu số đã tự vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình.
Họ cũng chính là tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác Hồ ở tinh thần tích cực lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
* Chăm chỉ, sáng tạo
K’Hoàng Thanh Phong (người dân tộc Mạ, ngụ xã Phú An, H.Tân Phú) từng có nhiều năm làm công nhân ở các xí nghiệp trước khi quyết định về quê làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2014, lúc đó Thanh Phong vừa tròn 20 tuổi, luôn trăn trở: “Sao mình lại phải đi làm thuê với đồng lương hạn hẹp, trong khi có nương rẫy lớn lại để thất thu”. Nghĩ vậy, Thanh Phong quyết định nghỉ làm việc tại công ty và về cải tạo, chăm sóc 2ha rẫy sầu riêng thay cha mẹ đã già yếu.
Nhưng để có được vườn sầu riêng cho năng suất cao, chất lượng trái ngon là điều không hề thuận lợi với chàng trai 20 tuổi lúc bấy giờ. Năm đầu tiên, do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, vườn sầu riêng ít ra hoa kết trái, anh thất bại. Không nản lòng, anh lao vào tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ internet đến thực tiễn tại các vườn cây khác. Cứ đến mùa vụ, vừa làm vườn nhà mình, anh vừa đi hái sầu riêng thuê để mắt thấy tai nghe kinh nghiệm từ thực tế.
Anh K’HOÀNG THANH PHONG và anh CHỐNG XÌN SẮM là 2 điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được khen thưởng tại lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai lần thứ II-2022.
Nhờ chịu khó quan sát, học hỏi, anh Thanh Phong nhận ra rằng, đất của các vườn khác chủ yếu là đất đỏ bazan, trong khi đất vườn nhà anh là đất pha cát. Đặc tính khác nhau nên cần phải có điều chỉnh trong các khâu chăm sóc, chứ không phải bê nguyên xi công thức chung. Những phát hiện như vậy mỗi ngày giúp anh đúc rút thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc tốt vườn nhà. Vụ sầu riêng những năm sau đó, ông chủ trẻ đã bội thu.
Điều đáng nể ở chàng trai trẻ này là tất cả các công việc liên quan đến vườn rẫy 2ha như: bón phân, xịt thuốc, hái sầu riêng…, anh đều tự tay làm, không thuê thêm nhân công. Vào mùa vụ thu hoạch sầu riêng, ngày nào anh cũng ở vườn từ sáng sớm đến tận 22 giờ, thậm chí có hôm đến 2 giờ sáng để hái quả, đợi xe vào cân hàng vận chuyển đi…
“Tôi không muốn thuê thêm người vì nghĩ mình còn trẻ, cố gắng thêm một chút là có thể làm được và muốn thử làm bằng tất cả sức trẻ của mình” - anh Thanh Phong bộc bạch.
Trong quá trình làm, K’Hoàng Thanh Phong còn luôn cố gắng sáng tạo, như thay vì mang phân đi bón từng cây, anh khuấy tan phân trong nước rồi bơm thẳng ra đường hệ thống tưới nước. Theo anh Thanh Phong, cách làm này giúp phân được tưới đều hơn mà tiết kiệm được thời gian và công sức.
Từ sự chăm chỉ, chịu khó, sáng tạo, nhiều năm nay, chàng trai trẻ đều có những vườn sầu riêng bội thu, mang về thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. “So với đi làm công nhân như trước đây thì thu nhập cao hơn rất nhiều lần. Và phấn khởi hơn nữa là tôi làm giàu được trên chính nương rẫy của mình” - anh K’Hoàng Thanh Phong bộc bạch.
* Kiên trì, quyết tâm
Nhiều năm về trước, anh Chống Xìn Sắm (dân tộc Hoa, ngụ xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) từng có nhiều năm làm công nhân ở các công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TP.Biên Hòa. Sau khi lập gia đình, năm 2008, anh Sắm quyết định về quê lập nghiệp. Những năm đầu về, anh chọn trồng tiêu nhưng tiêu bị dịch bệnh mà chết. Sau đó, anh trồng chuối cấy mô, nhưng chẳng may bị thua lỗ nặng nề.
Áp lực về kinh tế gia đình, anh lại tìm đến công việc của một phiên dịch viên tiếng Hoa cho một công ty. Từ đây, anh được một người Trung Quốc gợi ý phối hợp mở xưởng thu mua chuối cấy mô tại nơi anh ở để xuất sang nước bạn.
Thấy công việc tốt, lại được phát triển ngay tại chính địa phương mình, anh Sắm phấn khởi đồng ý, rồi về bán 5 sào đất mà anh mua được từ số tiền tích cóp khi đi làm công ty để xây dựng nhà xưởng. Nhưng một lần nữa, may mắn lại không mỉm cười với anh, suốt 1 năm sau đó, xưởng vẫn không thể hoạt động vì người bạn kia không làm như những gì cả hai đã lên kế hoạch ban đầu.
Không chịu thất bại, anh Sắm để lại xưởng cũ cho người bạn kia rồi tự thuê đất lập xưởng mới và chủ động mọi việc. Bằng quyết tâm và nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, lăn lộn tìm kiếm thị trường, mọi việc sau đó đã thuận lợi. Anh kết nối được nhiều khách hàng đặt mua ở nước ngoài, tạo được uy tín với người nông dân để mua được lượng chuối lớn xuất khẩu.
Hiện trung bình mỗi năm, xưởng của anh thu mua xuất khẩu 300-500 container chuối, mỗi container 20 tấn, mang về thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm. 3 năm trở lại đây, anh còn đầu tư thêm mảng cây giống để cung cấp cho người nông dân.
“Để có được cơ sở làm ăn như hôm nay, tôi không nhớ hết số lần mình thất bại, thậm chí thất vọng. Nhưng điều tôi tự hào nhất ở bản thân mình, đó là tôi đã không chán nản mà bỏ cuộc. Phấn khởi nhất là giờ đây, tôi không chỉ giúp cho bản thân, gia đình mình mà còn góp phần giúp thêm được cho nhiều bà con nông dân có đầu ra, thu nhập ổn định. Thất bại là mẹ thành công, chỉ cần mình có ý chí và sự kiên trì thì sẽ thành công” - anh Sắm chia sẻ.