Học Bác từ phong cách, lối sống thường ngày
Mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác là thời điểm để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự soi rọi lại mình, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện theo di huấn của Người và đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'.
Các văn bản, kế hoạch mỗi cấp đều đã ban hành nhiều, việc học tập, làm theo Bác là tổng thể các nội dung, biện pháp song điều quan trọng và thiết thân thường ngày chính là học Bác về phong cách, lề lối làm việc, về lối sống bình dị, gần gũi, trọng dân, vì dân, chan hòa với quần chúng nhân dân…
Cán bộ làm việc ở vị trí nào cũng cần nêu gương chuẩn mực về lối sống, về đạo đức công vụ và đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên càng giữ chức vụ cao thì phải càng gương mẫu theo đúng nghĩa “càng cao càng phải sáng, phải mẫu mực”.
Đạo đức, lối sống giản dị, chân thành, không quan cách, không xa hoa, phô trương, lãng phí chính là vấn đề được nói nhiều và quy định rõ trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, trong đó bản tự nhận xét, kiểm điểm của cán bộ, đảng viên hằng năm (tại nơi cư trú, nơi làm việc) đều có mục này.
Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, tại điểm 7, điều 2 nêu rõ: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện: Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”.
Sinh thời, Bác Hồ đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hằng ngày. Để tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm...
Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. Bác luôn nghĩ đến người nghèo “lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”. Bác Hồ thường nói rằng: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh.
Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”. Bác đến với các chiến sĩ trên mặt trận, cùng chiến sĩ hành quân; thăm chỗ ở, nhà bếp, nhà vệ sinh của các gia đình, tập thể; trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con về sâu bệnh, về thủy lợi; đến thăm các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; viết thư thăm hỏi người già, trẻ em…
Bác luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu. Giản dị, thanh bạch là đức tính tự nhiên của Bác. Điều đó đã được thể hiện sinh động qua từng cử chỉ, lời nói và việc làm cụ thể của Người, có sức thuyết phục to lớn.
Chị Trần Thị Thu Hà, giảng viên Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi không phải là người theo chủ nghĩa thần tượng. Tôi cũng chưa bao giờ được gặp Bác. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời, Người đã đi xa. Nhưng thông qua những trang sách, những thước phim, những câu chuyện về Người, càng ngày tôi càng khâm phục Bác.
Khi còn bé, trong tôi, Bác Hồ giống như một tiên ông vậy. Tôi ghen tỵ với những em bé được ngồi trong lòng Bác chờ đến lượt mình được phát kẹo và ao ước được đưa bàn tay non nớt vuốt chòm râu bạc phơ của Bác như một cô bé nào đó trong bộ phim tài liệu về Người.
Lớn lên, đọc các tác phẩm Người viết, suy ngẫm về những quyết sách và hành động của Người trên cương vị người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, tôi vẫn không quên những hình dung thơ ấu về vị tiên ông Hồ Chí Minh. Đôi lúc, tôi tự hỏi, phải chăng Bác của chúng ta là một huyền thoại?
Nhưng đã là huyền thoại thì phải ly kỳ và huyền bí chứ? Mà Bác thì vô cùng gần gũi, vô cùng giản dị và có phải vì thế mà hóa vô cùng lớn lao?... Tôi nghĩ rằng vì Bác không phải là một siêu nhân, nên chúng ta hãy học và làm theo Bác những điều bình dị nhất. Không học được tất cả, chúng ta hãy học từng ít một. Không học được ngay một lúc, hãy cứ học từ từ” – chị nêu quan điểm.
Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Giang, cán bộ Viện Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an cho rằng, lời dạy của Bác rất mộc mạc, đơn giản nhưng có ý nghĩa sâu sắc, giúp chị vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, dù nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ mang tính đặc thù, luôn đòi hỏi tâm huyết, trách nhiệm và càng khó khăn đối với phụ nữ.
Do có sự quyết tâm cao nên trong cái "khó" đã "ló cái khôn", thời điểm bùng phát dịch COVID-19, chị đã cùng đồng đội tập trung nghiên cứu chế phẩm Nanobody ứng dụng trong phòng ngừa và điều trị COVID-19 trên quy mô phòng thí nghiệm và nghiên cứu thành công một số chế phẩm Nanobody cho kết quả ức chế tốt trên biến thể Vũ Hán và Delta của SARS-CoV-2, kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng…
Gốc rễ của đạo đức, phong cách bình dị, liêm chính chính là tấm lòng vì nước vì dân, vì lợi ích quốc gia, tập thể của Bác. Trong đời sống, chỉ những ai có được đức tính đó, không mưu cầu, vụ lợi cá nhân mới có thể làm được, mới hành động một cách “tự nhiên hương” chứ không phải là sự khiên cưỡng, giả tạo.
Bất cứ ai để chủ nghĩa cá nhân chi phối, để chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, tất không thể làm được. Bác Hồ chỉ rõ, trong Đảng vẫn còn một số cán bộ, đảng viên đạo đức, phẩm chất thấp kém.
Những người này “mang nặngchủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Chủ nghĩa cá nhân thực sự là kẻ địch nguy hiểm của đạo đức cách mạng, đồng thời cũng là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là một kẻ địch hung ác của CNXH.
Nếu không thể bình dị theo đúng cốt cách, bản chất thì người cán bộ, đảng viên phải biết tu dưỡng, luyện rèn đức tính, lối sống bình dị. Đây chính là ý thức, là sự học hỏi, noi theo để hoàn thiện mình hơn, khắc phục các điểm yếu.
Ngày nay, không ít cán bộ chưa làm to đã lộ tính hách dịch, xa dân, lối sống hưởng thụ sa đọa. Đọc lại những mẩu chuyện về phong cách, đạo đức, lối sống của Bác để ngẫm và hành động, thực thiết thân vô cùng.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị và tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 04 của Bộ Công an về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (tổ chức sáng 18/5), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy đã đi vào thực chất, có chiều sâu hơn, chuyển mạnh từ "học tập" sang "làm theo" bằng những việc làm rất thiết thực, cụ thể hằng ngày trong công tác, chiến đấu, phục vụ nhân dân của CBCS.
Nhấn mạnh lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, việc học tập, làm theo Bác phải tiến hành thường xuyên, bằng những việc thiết thực hằng ngày tại các địa phương, đơn vị.
“Tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa Sáu điều Bác Hồ dạy thành các chuẩn mực đạo đức cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá, phù hợp với từng cấp ủy, đơn vị, cá nhân để việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hằng ngày, thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng đảng viên, CBCS trong đơn vị, hình thành nên chuẩn mực về "Tư cách người Công an cách mệnh” – Bộ trưởng nhấn mạnh.