Học Bác vượt khó vươn lên

Bằng nghị lực, quyết tâm, nhiệt huyết và sức trẻ, thời gian qua, đã có nhiều tấm gương sáng tiêu biểu học tập và làm theo Bác về tinh thần tự học, vượt khó vươn lên. Nổi bật trong đó phải kể đến tấm gương cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số K'Tâm, đang công tác tại Phòng Dân tộc H.Tân Phú.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường trao đổi với anh K’Tâm (thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II-2020. Ảnh: Hồ Thảo

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường trao đổi với anh K’Tâm (thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II-2020. Ảnh: Hồ Thảo

“Với tôi, sinh ra ở đâu, điểm xuất phát là gì không quan trọng. Điều quan trọng là mình đã làm được gì, hiện tại của mình ra sao, cống hiến được gì cho xã hội, địa phương. Như tấm gương của Bác: từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, Người đều trải qua khó khăn, vất vả, thiếu thốn, song Người luôn là tấm gương sáng cho tinh thần tự học và vươn lên không ngừng nghỉ, dù ở nơi đâu và hoàn cảnh nào” - anh K’Tâm nói.

* Học để thay đổi cuộc sống

Anh K’Tâm sinh ra trong một gia đình người đồng bào dân tộc Mạ tại xã Phú Bình (H.Tân Phú). Những năm tháng đầu đời, anh K’Tâm đã phải ngày đêm theo mẹ lên rẫy, bởi rẫy lúc ấy vừa là nơi canh tác, vừa là nơi ở của cả gia đình. Đến năm lên 5 tuổi, K’Tâm mới được về lại trung tâm xã để đi học mẫu giáo.

Ngày ấy, các bạn đồng trang lứa của anh và cả các lứa đàn anh đi trước, phần lớn chỉ học hết cấp 2 rồi đi làm rẫy, làm thuê, nhưng K’Tâm thì khác. “Lúc đó, tôi chỉ thích đi học, muốn được học và khi lớn hơn, tôi lại càng ý thức rõ chỉ có học mới thay đổi cuộc sống khó khăn của bản thân, của gia đình. Tôi may mắn hơn các bạn mình là cả cha mẹ và 2 anh em còn lại trong gia đình đều có chung suy nghĩ tiến bộ như vậy” - anh K’Tâm nhớ lại.

Cứ thế, anh tốt nghiệp THPT rồi thi đậu vào Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Thời điểm đó, anh trai của K’Tâm đang là sinh viên năm 3 của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, còn em gái K’Tâm đang học THCS. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình khó khăn, 3 tháng đầu nghỉ hè trước khi lên đường nhập học, anh K’Tâm xin đi phụ hồ để kiếm tiền học nhập học.

Lần đầu tiên đi học xa nhà, K’Tâm không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng. “Những ngày đầu lên thành phố, làn da đen, mái tóc xoăn đặc trưng của người dân tộc mình khiến tôi trở nên “khác lạ” trong mắt mọi người. Ở trên trường, về ký túc xá hay ra quán cơm ăn, đi đến đâu cũng có nhiều ánh mắt đổ dồn về phía mình. Ngại ngùng, tự ti, tháng đầu, dường như tôi chỉ lên lớp rồi về phòng ký túc xá luôn, không dám đi đâu” - anh K’Tâm kể.

Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện của tháng đầu nhập học. Ý thức còn có nhiều điều phải lo, nhiều mục tiêu cần phải thực hiện hơn là nghĩ đến chuyện mọi người nhìn vào mình, K’Tâm đã thay đổi và dần hòa nhập tốt ở môi trường mới. Ngày ấy, anh sinh viên dân tộc Mạ K’Tâm vừa nỗ lực học tập trên trường, vừa lăn xả xin đủ việc làm thêm, đặc biệt là còn tự tiết kiệm tiền rồi cùng bạn hùn vốn mở gian hàng bán bánh tráng trộn, hủ tiếu gõ... để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Từ chàng sinh viên người dân tộc thiểu số nhút nhát ngày nào, K’Tâm khiến mọi người cảm phục, quý mến bởi tinh thần vượt khó và sự năng động, nhiệt huyết.

Tốt nghiệp đại học, anh K’Tâm ở lại TP.HCM làm việc. Năm 2017, anh được một cán bộ ở H.Tân Phú liên hệ và gợi ý về công tác tại Phòng Dân tộc của huyện. Có công việc gần nhà, đặc biệt là được thường xuyên gắn bó, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Mạ của mình nên anh cảm thấy rất vui. Anh đồng ý rời mảnh đất thành phố sôi động để về huyện công tác.

Anh K’Tâm thành thật chia sẻ, dù vui khi được tiếp nhận công việc hiện tại, song trong thời gian 2 năm đầu, do mới chỉ được làm nhân viên thực tập, tiền lương lại quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống và phụ thêm gia đình nên anh đã từng nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Thậm chí, đã từng làm 2 bộ hồ sơ để chuẩn bị xin công việc mới.

“Thế nhưng, lý trí đã không cho phép tôi làm điều đó. Tôi tự nhắc nhủ mình, bản thân đã từng nỗ lực vượt khó như thế nào mới đi được đến ngày hôm nay. Chỉ có kiên trì tiếp tục mới có thể thay đổi cuộc đời và mang kiến thức, trình độ để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào mình” - anh chia sẻ. Từ đó, anh tiếp tục an tâm gắn bó, sau đó, tham gia tuyển rồi đậu công chức.

Dù thời gian công tác chưa lâu, song nhờ luôn không ngừng phấn đấu, nỗ lực nên một thời gian sau đó, anh đã được giới thiệu kết nạp Đảng. “Là người đồng bào dân tộc thiểu số được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng, tôi cảm thấy rất tự hào. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa” - anh K’Tâm bộc bạch.

* Tích cực đóng góp cho công tác dân tộc

Anh K’Tâm cho biết, công tác dân tộc được cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện chung tay thực hiện. Với vai trò cán bộ làm công tác dân tộc của huyện, anh luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Công tác tuyên truyền được anh cùng Phòng Dân tộc huyện thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức khác nhau, nhờ vậy đã tạo nên những đổi thay rõ nét trong nhận thức, đời sống của bà con.

Anh K’Tâm phấn khởi cho hay, trước đây nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số thường “chờ” được tỉnh tặng thẻ bảo hiểm y tế từ nguồn quỹ kết dư khám, chữa bệnh hằng năm thì nay bà con chủ động mua thẻ bảo hiểm y tế cho mình. Hay như trước đây bà con chưa hiểu biết đầy đủ, coi nhẹ các quy định về an toàn giao thông như: còn để con em chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, chấp hành chưa nghiêm việc đội mũ bảo hiểm… thì nay bà con đã nhận thức rõ và chấp hành tốt hơn. Bà con chăm chỉ, chịu khó làm ăn, có thu nhập, việc làm ổn định nên đời sống ngày càng khá hơn. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn gương sáng trong đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó làm kinh tế giỏi, nhiều con em đồng bào dân tộc đã có ý thức trong học tập, nâng cao trình độ.

Bà Nguyễn Thị Nhanh, Trưởng phòng Dân tộc H.Tân Phú nhận xét: “Anh K’Tâm là cán bộ trẻ rất năng động, luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Dù là lúc phải ở nhà cách ly do dịch bệnh hay được phân công đi tập huấn…, anh đều mang máy tính theo xử lý tròn trịa phần việc của mình và sẵn sàng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao đột xuất”.

Ngoài thời gian công tác, lúc rảnh rỗi ở nhà, anh K’Tâm còn chịu khó tự học hỏi, nghiên cứu thêm để nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng. Là đồng bào dân tộc thiểu số lại phục vụ cho công tác dân tộc nên anh rất am hiểu, luôn tận dụng ưu điểm ấy để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, K’Tâm còn có các anh chị em là những người có ý thức tự vươn lên, vượt khó học hành, thành đạt, là tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bà Lầu Tài Múi, người uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa tại ấp Phú Thành (xã Phú Bình, H.Tân Phú) bày tỏ sự cảm mến khi được hỏi về người cán bộ trẻ này. Bà Lầu Tài Múi nói: “Lúc nào anh K’Tâm cũng nhiệt tình với bà con. Hướng dẫn, tuyên truyền thì tận tình, chu đáo. Bà con cần gì, thắc mắc điều gì, anh đều giải đáp cụ thể, rõ ràng nên bà con ở đây ai cũng mến”.

Anh K’TÂM từng là đại biểu trẻ tuổi nhất (27 tuổi) của Đoàn đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai tham gia Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2-2020. Cũng trong dịp này, anh được nhận bằng khen thanh niên tiêu biểu toàn quốc của Trung ương Đoàn TNCSHCM. Anh K’Tâm cũng từng nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc năm 2020, cùng nhiều bằng khen của các cấp trong tỉnh.

Hồ Thảo

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202204/hoc-bac-vuot-kho-vuon-len-3110673/