Hóc búa bài toán phục hồi của EU
Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất ngân sách dài hạn cho giai đoạn 2021-2027 kèm theo kế hoạch phục hồi nhằm hạn chế sự tàn phá của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vốn được coi là cuộc khủng hoảng chưa từng thấy đối với Liên minh châu Âu (EU) kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Đối mặt với sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên, cả về phương tiện và phương pháp để phục hồi, EC phải đưa ra lời giải cho một số câu hỏi đã gây chia rẽ các quốc gia châu Âu trong những tuần qua.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đề xuất một gói kích thích "khổng lồ" lên tới 750 tỷ euro (826 tỷ USD), trong đó 500 tỷ euro (551 tỷ USD) dành cho tài trợ và 250 tỷ euro (275 tỷ USD) là để cho vay, với mục đích giúp "lục địa già" hồi phục từ cuộc suy thoái chưa từng thấy do COVID-19 gây ra.
Số tiền 500 tỷ euro sẽ được EC huy động trên thị trường, sau đó sẽ chuyển thông qua ngân sách châu Âu cho các quốc gia thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19. Để hưởng lợi từ chương trình, các nước sẽ phải xây dựng một kế hoạch đầu tư và cải cách phù hợp với những ưu tiên chính trị của EC, cụ thể là "thỏa thuận xanh", chuyển đổi sinh thái và tăng cường chủ quyền của châu Âu. Các nước này cũng sẽ phải tính đến những khuyến nghị được EC đưa ra hằng năm cho mỗi nước trong số 27 quốc gia thành viên.
Đây là một cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử bởi EC chưa từng đề xuất vấn đề nợ chung quy mô lớn như vậy ở châu Âu, trong bối cảnh các nước phía Bắc mạnh mẽ phản đối. Đức đã tìm mọi cách để biến đề xuất thành hiện thực, trong khi 4 nước Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch không che giấu sự dè dặt đối với kế hoạch.
Trong hoàn cảnh đó, trước tiên, bà Ursula von der Leyen sẽ phải tìm ra được một sự thỏa hiệp giữa ý tưởng chia sẻ nợ trên bình diện châu Âu do Pháp và Đức khởi xướng, và lập trường của một số quốc gia giàu có như Hà Lan, Áo, Thụy Điển hay Đan Mạch chỉ muốn cho vay đơn thuần. Bốn quốc gia này cho rằng "tất cả tiền vay phải do các nước được thụ hưởng trả" và khẳng định sẽ không chấp nhận gánh vác nợ nần của các nước thành viên khác.
Nhiều thành tố trong gói kích thích do bà Ursula von der Leyen công bố sẽ là chủ đề của các cuộc thảo luận phức tạp và khó khăn giữa 27 nước thành viên. Đặc biệt, kế hoạch phục hồi này yêu cầu các quốc gia đồng thuận với ngân sách châu Âu giai đoạn 2021-2027, nhưng đây là điều hiện còn chưa rõ ràng. Trong khi các nước giàu có phương Bắc muốn giảm khoản chi cho nông nghiệp và quỹ gắn kết, các quốc gia Nam Âu muốn nhiều tiền hơn để đối phó với suy thoái kinh tế, thì các nước phía Đông, cũng ủng hộ khu vực Nam Âu, nhưng đồng thời cũng rất cảnh giác với khả năng các quỹ liên kết bị cắt giảm. Thực trạng trên báo trước về những cuộc tranh luận gay gắt giữa các thành viên EU.
Trong đề xuất ngân sách mới cho giai đoạn 2021-2027 với số tiền lên đến 1.100 tỷ euro (1.212 tỷ USD), EC đặt mục tiêu tăng cường sức mạnh, củng cố chương trình chính trị, đặc biệt là Hiệp ước xanh và số hóa nền kinh tế xã hội. Có thể thấy, EC đã không "bỏ rơi" tham vọng đưa châu Âu đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với mục tiêu là trung lập carbon vào năm 2050. Tuần trước EC đã công bố một chiến lược để ngăn chặn "cuộc thảm sát đa dạng sinh học" và tập trung sản xuất lương thực nhiều hơn ở châu Âu - phần quan trọng của "Thỏa thuận xanh" châu Âu, dự án được xem như một tiêu chuẩn cho EU mà bà Ursula von der Leyen đề xuất trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Những người đề xuất kế hoạch chuyển đổi này lập luận đầu tư vào kinh tế "xanh" là có lợi và thậm chí đó là con đường phải theo để tăng trưởng trở lại; ngược lại sẽ không thể tránh một thảm họa tàn khốc khác do sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, khi Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của EU ước tính giảm hơn 7% trong năm nay, việc đầu tư đủ mức cho công cuộc chuyển đổi sang kinh tế "xanh" là vô cùng nan giải. Bài học của cuộc chấn hưng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 là một ví dụ: các nước vội vàng trở lại với phương thức kinh tế cũ bám chặt lấy các năng lượng hóa thạch (đặc biệt là dầu mỏ và than), khiến lượng khí thải tăng vọt sau một thời gian sụt giảm do khủng hoảng.
Khôi phục đi lại tự do cũng là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phục hồi hậu COVID-19. Trên thực tế, biên giới nội bộ của EU là vấn đề thuộc thẩm quyền của các quốc gia thành viên, bởi vậy các nước gần như đã tự mình quyết định hành động trong vấn đề này. Tuy nhiên, các nước vẫn phải tuân theo các quy tắc nhất định để đóng cửa biên giới với các nước láng giềng châu Âu. Bên cạnh việc đưa ra các khuyến nghị về phối hợp mở lại biên giới nội bộ của EU, EC cũng đang thực hiện một dự án dài hạn để củng cố khu vực Schengen.
Cuộc khủng hoảng lần này cũng cho thấy rõ lĩnh vực y tế không thuộc thẩm quyền của EU, do đó, đã đến lúc tạo ra một "châu Âu của y tế", bên cạnh các thẩm quyền quốc gia rộng lớn. Ý tưởng được đưa ra là tăng cường các hệ thống y tế quốc gia để có thể cùng nhau chuẩn bị đối phó với các thảm họa y tế tương tự COVID-19. EC cam kết thúc đẩy một cơ chế khuyến khích đầu tư vào chuỗi giá trị cần thiết cho khả năng phục hồi và tự chủ chiến lược trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm. Bộ đôi Pháp-Đức cũng đề nghị tạo ra "kho dự trữ chiến lược chung" về các sản phẩm dược phẩm và y tế, và "thị trường chung" cho các loại vaccine và phương pháp điều trị trong tương lai.
EU cũng tập trung vực dậy nền công nghiệp, khi mà cuộc khủng hoảng COVID-19 đã bộc lộ "điểm yếu" của ngành công nghiệp châu Âu: phụ thuộc rất nhiều vào các liên kết bên ngoài. Gần 20 đề xuất dự kiến sẽ được đệ trình trong những ngày tới, liên quan đến tăng cường các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất như du lịch, sản xuất ô tô và đầu tư vào các chuỗi giá trị.
Điều quan trọng là tiến trình phục hồi kinh tế phải được thống nhất trên cơ sở đảm bảo tôn trọng các giá trị xã hội, với sự hội tụ cả về kinh tế, tài khóa và ngân sách của các quốc gia thành viên EU, và cuối cùng là phá bỏ các chính sách "thắt lưng buộc bụng". EU có thể đối phó với những thách thức đặt ra cho quá trình phục hồi bằng cách quan tâm hơn nữa đến các khía cạnh xã hội, tính toán lại về mô hình sản xuất và củng cố vị thế với tư cách một đối tác toàn cầu hướng tới mô hình kinh tế bền vững hơn.
EU có thể tạo ra sự khác biệt gì khi vượt qua một cuộc khủng hoảng lịch sử này? "Quả bóng" hiện đang trong sân của các quốc gia thành viên, tới nay vẫn chưa thống nhất được về ngân sách tương lai của EU sau hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ngày 20-21/2. Dự kiến cuộc họp diễn ra ngày 18-19/6 tới cũng khó đạt được kết quả khả quan về vấn đề ngân sách và đó sẽ là phép thử cho khả năng "đoàn kết tài chính" của EU.
Phải đối mặt với sức tàn phá kinh tế-xã hội do đại dịch, "mô hình châu Âu" cần tự chứng minh, trên bình diện toàn cầu, về một hình thức "nhà nước phúc lợi" với mạng lưới an sinh xã hội lớn mạnh. Để đảm bảo vai trò này trong bối cảnh quốc tế đang bất ổn như hiện nay, EU trước tiên cần phải sống sót được qua cuộc khủng hoảng, vốn có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của khối. Muốn thực hiện được điều đó, 27 nước sẽ phải nỗ lực thu hẹp bất đồng, hạn chế các nguy cơ gây chia rẽ và nhất là phải thỏa hiệp được với nhau để cùng vượt qua thử thách.