Học cách bắt tay

Trong tôi vẫn vẹn nguyên ký ức về một kỷ niệm từ hơn 5 năm trước. Đó là khoảng 11 giờ ngày 17-3-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm cánh đồng lúa thuộc ấp Tân Phước (Tân Thanh, Giồng Trôm, Bến Tre). Khi xe vừa dừng bánh, Tổng Bí thư bước vội ra phía cánh đồng, trực tiếp kiểm tra tình trạng ngập mặn ở từng thửa ruộng và gặp gỡ, trò chuyện với người dân.

Khi đến ruộng của anh Mai Tấn Minh (ấp Tân Phước), Tổng Bí thư chủ động đưa tay bắt thì nhận thấy sự rụt rè của người nông dân này. Anh Minh khẽ xòe bàn tay dính đầy bùn đất, rồi lễ phép thưa: “Dạ thưa bác, tay cháu đang rất bẩn, cháu xin phép”. “Ui chao, thế này thì vấn đề gì”-Tổng Bí thư vui vẻ nói rồi nắm chặt lấy bàn tay lấm lem của người nông dân.

Cái bắt tay thật lâu khiến những người chứng kiến không khỏi ấn tượng, xúc động. Mọi người đều chung ý nghĩ: Cái bắt tay là bằng chứng cho tình yêu thương nhân dân hết mực của lãnh đạo Đảng; nó giúp kéo gần khoảng cách giữa cán bộ và người dân đến độ gần gũi, thân tình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nông dân trên cánh đồng lúa bị xâm nhập mặn ở xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm. Ảnh minh họa/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nông dân trên cánh đồng lúa bị xâm nhập mặn ở xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm. Ảnh minh họa/TTXVN

Tương tự, trong tất cả mọi chuyến công tác hay cuộc sống đời thường, khi gặp người dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều chủ động bắt tay thăm hỏi từng người. Tổng Bí thư luôn chủ động đỡ lấy tay hoặc vai của người dân, không để họ cúi thấp người hơn mình. Có lần, Tổng Bí thư chia sẻ, dân mình trọng và quý cán bộ nên thể hiện thái độ cầu thị như vậy thì thật đáng mừng; nhưng đó cũng là một nét tâm lý (có mặt tiêu cực) cần sớm được nhận diện, khắc phục. Thậm chí, có những cụ ông, cụ bà tuổi rất cao, nhưng bắt tay với cán bộ trẻ cấp xã, huyện vẫn chủ ý cúi người xuống như kiểu “bề tôi” gặp “quan trên”; nhưng cán bộ vẫn vô tư, hồn nhiên đón nhận cách bắt tay ấy. Đó là một biểu hiện chưa chuẩn và không hay của cán bộ!

Công bằng mà nói, trước hết, những người lớn tuổi này rất cần được góp ý để thay đổi thói quen hành vi, bởi mọi mối quan hệ xã hội, kể cả quan hệ công vụ thì tất yếu phải tuân theo chuẩn mực đạo đức xã hội và giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Có nghĩa, trong mọi tình huống quan hệ, người trẻ (kể cả cán bộ) phải có trách nhiệm thực hiện đạo lý "kính già" đối với các bậc cao niên, lớn tuổi hơn mình. Mặt khác, bản chất của cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải đúng nghĩa là "công bộc" của dân, là người phục vụ dân, nên phải nhận rõ bổn phận phải “cúi người” trước dân, bày tỏ sự trọng thị, yêu mến nhân dân. Cũng bởi thế mà câu chuyện bắt tay theo kiểu “bề trên, bề dưới” giữa cán bộ với nhân dân vẫn còn tồn tại đương nhiên có một phần lỗi rất lớn từ phía cán bộ.

Vậy đấy, chuyện bắt tay-tưởng là rất nhỏ, nhưng nếu không chủ động, quyết liệt giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách nghiêm cách thì âu sẽ khó hình thành nên những phẩm chất cần thiết của phong cách gần dân, sát cơ sở. Do đó, từng cấp ủy, cơ quan, địa phương phải chủ động, tích cực tổ chức rèn luyện tư thế, tác phong quần chúng cho cán bộ, đảng viên trong suốt quá trình công tác và cuộc sống thường nhật. Phải rèn cán bộ từ ý nghĩ, lời nói, hành vi cử chỉ khi ứng xử với dân; mà thể hiện ra bên ngoài trước hết là nụ cười, cái bắt tay, sự cúi đầu, hay thái độ cầu thị nói lời xin lỗi với dân khi trót lỡ rơi vào sai lầm, khuyết điểm.

Đặc biệt, từng cấp ủy, tổ chức, địa phương phải tập trung dẹp bỏ các biểu hiện quan liêu, nhũng nhiễu, xa rời quần chúng; hạn chế từng bước và đi đến chấm dứt tình trạng cả đoàn ô tô sang trọng kéo nhau về cơ sở, kiểm tra theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”; khắc phục triệt để câu chuyện về những cán bộ áo quần bóng lộn, bắt tay hời hợt, thăm hỏi người dân theo lối bóng gió, hình thức... Có vậy thì đội ngũ "công bộc" của Đảng mới thật sự một lòng một dạ vì nước, vì dân!

NGUYỄN TẤN TUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/hoc-cach-bat-tay-663940