Học cách làm điều nhỏ với một tình yêu lớn

Với cô giáo trẻ Hồ Nguyễn Kim Ngân, mỗi danh hiệu chỉ có ý nghĩa khi được xây từ lòng tận tụy, từ từng bước chân lặng thầm, và từ lý tưởng cao đẹp mà Đảng và Bác đã gieo vào trái tim mình. Có Bác trong tim như có ngọn hải đăng soi đường, chỉ lối, giúp chị học cách làm điều nhỏ với một tình yêu lớn.

Giây phút giơ tay tuyên thệ trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Bác Hồ, chị Hồ Nguyễn Kim Ngân - giáo viên Trường THCS Hùng Vương, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai thấy trái tim mình đập mạnh lên. Không hẳn vì hồi hộp, mà vì cảm nhận rõ ràng rằng, từ đây chị không còn sống cho riêng mình nữa.

Khoảnh khắc đó với cô giáo trẻ tưởng như chỉ kéo dài vài phút, nhưng đó là đoạn phim quay chậm trong tâm trí suốt đời. Chị không chỉ được đứng trong hàng ngũ của Đảng, mà còn đứng trước một ngưỡng cửa mới, từ sống theo lý tưởng, đến sống vì lý tưởng.

Chị Ngân cảm nhận, bản thân không còn là một cá thể đơn lẻ, mà là một mắt xích trong dòng chảy lớn lao của dân tộc, phải sống có trách nhiệm, có chiều sâu, có điểm tựa tinh thần.

 Chị Hồ Nguyễn Kim Ngân - giáo viên Trường THCS Hùng Vương, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Chị Hồ Nguyễn Kim Ngân - giáo viên Trường THCS Hùng Vương, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

“Tôi nhớ ánh mắt Bác trong bức ảnh treo tại lễ kết nạp, ánh nhìn vừa hiền từ, vừa nghiêm nghị như đang dõi theo từng lời hứa thầm lặng của những người trẻ đứng vào hàng ngũ Đảng. Chính ánh mắt ấy khiến tôi hiểu lý tưởng không phải là điều cao xa, mà là kim chỉ nam cho từng hành động mỗi ngày. Và từ ngày đó, tôi luôn tự hỏi: "Việc mình làm có thật sự vì học trò chưa? Có xứng đáng với vai trò người Đảng viên không?", chị Ngân bộc bạch.

Từ ngày được kết nạp vào Đảng, chị Ngân như có thêm một la bàn định hướng đời mình. Có Bác trong tim như có ngọn hải đăng soi đường, chỉ lối, chị học cách làm điều nhỏ với một tình yêu lớn.

Có những buổi tối nhìn lại hành trình đã đi qua, dù chỉ là một mảnh vườn học sinh tự vun trồng, một bài giảng được cải tiến, một học trò từng rụt rè giờ tự tin hùng biện, khiến cô giáo trẻ dâng lên cảm xúc về lòng biết ơn.

Từ cô sinh viên tập sự năm nào, chị đã nỗ lực để trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền; giáo viên hướng dẫn học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật và sáng tạo trẻ.

Chị đã có vinh dự nhận bằng khen "Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai", và đặc biệt là danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” cấp tỉnh và toàn quốc.

“Mỗi danh hiệu chỉ có ý nghĩa khi nó được xây từ lòng tận tụy, từ từng bước chân lặng thầm, và từ lý tưởng cao đẹp mà Đảng và Bác đã gieo vào trái tim mình”, chị Ngân nói.

 Chị Ngân cùng các đại biểu đạt danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc" năm 2025.

Chị Ngân cùng các đại biểu đạt danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc" năm 2025.

Trong mỗi bài giảng, chị Ngân luôn học cách đặt câu hỏi trước khi bắt tay vào điều gì: Việc này có ích gì cho học sinh? Có đúng đạo lý không? Có thật sự vì cộng đồng không?

Ý tưởng chị Ngân ấp ủ lâu nhất chính là việc đưa tư duy bền vững vào lớp học, để học sinh không chỉ học kiến thức, mà biết yêu thiên nhiên, quý trọng tài nguyên và có trách nhiệm với cộng đồng. Dự án “Giấy nảy mầm từ phụ phẩm nông nghiệp” là kết tinh của ước mơ đó.

 Theo chị Ngân, dạy kiến thức thì dễ, dạy niềm tin mới là thử thách lớn nhất của người thầy.

Theo chị Ngân, dạy kiến thức thì dễ, dạy niềm tin mới là thử thách lớn nhất của người thầy.

“Khó khăn lớn nhất không phải ở kỹ thuật, mà là thay đổi tư duy: làm sao để học sinh tin rằng, từ một tờ giấy bỏ đi, mình có thể gieo nên cả một mầm xanh tương lai. Dạy kiến thức thì dễ, dạy niềm tin mới là thử thách lớn nhất của người thầy”, chị Ngân nói.

Sáng kiến “Giấy nảy mầm từ phụ phẩm nông nghiệp” bắt đầu từ một buổi học ngoài trời, khi chị Ngân cùng học sinh quan sát lá mục trong vườn trường.

Chị kể, có một em hỏi: “Cô ơi, rác có sống lại được không?” Câu hỏi ấy gợi mở một hành trình. Và chị nghĩ rằng, nếu phụ phẩm nông nghiệp, thứ thường bị bỏ đi lại có thể tái sinh thành giấy, và giấy ấy mang theo hạt giống, thì mỗi lần viết là một lần gieo.

“Tôi tin yếu tố cốt lõi là tính thực học, thực tiễn và thực lòng. Thực học là sản phẩm phải xuất phát từ nhu cầu thật trong dạy và học. Thực tiễn là sáng kiến phải áp dụng được, không chỉ trên giấy. Và thực lòng là người làm phải thật sự tin và sống với sáng kiến ấy, chứ không làm vì hình thức hay thành tích. Khi mình sống thật với điều mình làm, sáng kiến tự khắc sẽ tìm được đường đi vào trái tim người khác”, chị Ngân chia sẻ.

 Chị Ngân đã dẫn dắt sinh viên thực hiện nhiều sáng kiến đạt thành tích cao.

Chị Ngân đã dẫn dắt sinh viên thực hiện nhiều sáng kiến đạt thành tích cao.

Nhìn từ cuộc đời hoạt động của Bác, chị Ngân học được sự bền bỉ, không ồn ào, không hào nhoáng, nhưng sâu sắc và bền lâu như dòng sông lặng.

Một câu của Bác chị luôn ghi nhớ: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Trong nghề dạy học - điều ấy lại càng đúng. Muốn học sinh sống tốt, người thầy phải sống tử tế trước đã.

Bác từng nói: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, chị Ngân đã chọn bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng làm bằng cả sự chân thành. Chị đã cùng học trò làm những tủ sách yêu thương, những "phiên chợ 0 đồng", dạy học miễn phí cho trẻ khó khăn.

Mỗi lần nhìn ánh mắt biết ơn của người nhận, chị hiểu, giúp người khác không phải là cho đi, mà là cơ hội để ta hoàn thiện mình. Đó là cách chị học Bác - làm điều tử tế không cần ai biết, chỉ cần lương tâm mình cảm thấy ấm.

“Tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ, đặc biệt là các thầy cô giáo trẻ đang phấn đấu trở thành đảng viên. Đừng xem Đảng là đích đến, hãy xem đó là điểm khởi đầu cho một hành trình sống đẹp. Đừng chỉ nói lời hay, hãy sống sao cho tử tế. Bởi Đảng không chỉ nhìn vào hồ sơ, Đảng nhìn vào hành trình bạn sống, cống hiến và giữ gìn phẩm chất mỗi ngày”, chị Ngân gửi gắm.

Được trở thành Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2025, là niềm vinh dự lớn, nhưng với chị, vinh dự ấy là lời nhắc nhở: Phải sống xứng đáng hơn nữa với tuổi trẻ, với niềm tin của Đảng, và với ánh mắt Bác Hồ vẫn luôn dõi theo trong tim mình.

Những thành tích, danh hiệu của chị Ngân:

Danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc" năm 2025;

Danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" tỉnh Đồng Nai năm 2025;

Bằng khen Bí thư Chi Đoàn xuất sắc tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2024;

Giấy khen Bí thư Chi Đoàn tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2023;

Bằng khen giáo viên có thành tích xuất sắc từ năm học 2022 - 2024 tỉnh Đồng Nai;

Bằng khen “Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023”...

Nội dung: Châu Linh | Đồ họa: Kiều Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoc-cach-lam-dieu-nho-voi-mot-tinh-yeu-lon-post1743565.tpo