Học, chơi thời Covid-19

Sau thời gian dài nghỉ học phòng dịch bệnh, hơn 28 nghìn học sinh THPT và THCS trong tỉnh Nghệ An bắt đầu đi học trở lại nhưng với giãn cách bắt buộc trong việc học, chơi thời Covid-19. Đây được xem là bước thực hành tốt trong việc tạo ý thức cho đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh với công tác phòng chống, dịch bệnh.

NDĐT - Sau thời gian dài nghỉ học phòng dịch bệnh, hơn 28 nghìn học sinh THPT và THCS trong tỉnh Nghệ An bắt đầu đi học trở lại nhưng với giãn cách bắt buộc trong việc học, chơi thời Covid-19. Đây được xem là bước thực hành tốt trong việc tạo ý thức cho đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh với công tác phòng chống, dịch bệnh.

Sân trường vắng lặng

Sau nhiều tuần phải nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, sáng 27-4, em Đặng Nguyên Linh Nhi, học sinh lớp 12 A5, (Trường THPT Hà Huy Tập) vui mừng được trở lại trường đi học. Trước đây, sau những đợt nghỉ học dài ngày, bạn bè trong lớp, trong trường gặp lại nhau là tụm năm, tụm bảy vui vẻ “buôn” chuyện thì nay ngược lại. Tuy vẫn chuyện trò thăm hỏi nhưng Nhi và các bạn vẫn cố giữ khoảng cách với nhau. Nhi cho biết, qua đài báo, mạng xã hội cập nhật hằng ngày, rồi bố mẹ, thầy cô căn dặn nên bọn em biết sự lây lan nguy hiểm của virus SARS- CoV-2 nếu tiếp xúc gần. Không chỉ có vậy, Nhi và các bạn trong lớp, trong trường đều phải thường trực đeo khẩu trang che kín mũi miệng; trong túi luôn có chai cồn khô để thường xuyên rửa tay, diệt khuẩn. Theo Nhi, việc đeo khẩu trang trong suốt quá trình ngồi học, ban đầu cũng hơi khó chịu, nhất là các bạn trai. Nhờ cô giáo, các bạn nhắc nhở mọi người cũng quen dần. Tất cả học sinh đến lớp đều được đo thân nhiệt...

Để giữ khoảng cách ngồi học mỗi em cách nhau tối thiểu một mét, các lớp học đã tổ chức kê thêm bàn ghế. Tận dụng các khoảng không phía trước, phía sau, lối đi để kê bàn ghế giãn ra tối đa. Trong mỗi lớp đều có bình cồn khô rửa tay và nước sát trùng để cuối buổi học tẩy trùng bàn ghế…

Giờ ra chơi, nhà trường động viên các em nghỉ tại chỗ, khuyến cáo học sinh có việc cần thiết, như vệ sinh cá nhân thì mới ra ngoài. Trường còn thành lập đội nề nếp, thường xuyên tổ chức kiểm tra trong giờ ra chơi để nhắc nhở các em nghỉ tại chỗ, vẫn phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang đúng quy định. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù đang giờ ra chơi nhưng cả sân trường THPT Hà Huy Tập vắng lặng do đa số học sinh ngồi nghỉ trong lớp; khác hẳn sự náo nhiệt thường ngày với hơn một nghìn em nô đùa trong giờ ra chơi như trước đây.

Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập, Hoàng Minh Lương cho biết: trước khi đón các em đi học lại, nhà trường đã tiến hành phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khuôn viên trường học, từng lớp học; tiến hành lắp hàng chục chậu rửa tay. Trên cơ sở Chỉ thị 16 TTg-CP và các công văn, quyết định của ngành về trường học an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường đã cụ thể hóa thành các vấn đề cần làm đối với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và với học sinh. Các vấn đề này được giáo viên chủ nhiệm phổ biến đến từng học sinh ngay giờ đầu tiên của buổi đầu đến lớp. Để tạo sự giãn cách cần thiết, trường còn phân chia học hai ca sáng, chiều thay vì chỉ buổi sáng như trước đây. Các khối ra về lệch nhau 10 phút.

Đến Trường THCS Quang Trang (TP Vinh) đúng giờ ra chơi, nhưng sân trường cũng vắng lặng khi các em ngôì̀ nghỉ và ôn bài trong lớp. Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, Nguyễn Hồng Hải cho biết, do các lớp học khá rộng, sĩ số lớp học vừa phải nên chỉ cần nới bàn ghế ra, các em ngồi đúng giãn cách theo quy định. Tránh việc các cháu tụm lại nói chuyện hay chơi đùa trong giờ ra chơi, sau khi dạy hết tiếp học, giáo viên phải nán lại để duy trì việc giải lao tại chỗ của các em như hướng dẫn bài tập về nhà, phụ đạo học sinh yếu. Sau đó, bàn giao lại cho giáo viên dạy môn tiếp theo. Đầu buổi học, nhà trường đã bố trí thêm giáo viên cùng nhân viên y tế đo thân nhiệt học sinh trước cổng trường. Trong sáng 27-4, phát hiện một học sinh có thân nhiệt cao, trường đã cho nghỉ học, bàn giao cho phụ huynh theo dõi. Nhà trường còn liên hệ với phụ huynh, trang bị cho mỗi cháu một lọ cồn khô rửa tay, một cốc uống nước riêng và đón các cháu ra về cũng bảo đảm giãn cách.

Nỗ lực gấp đôi

Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, Thái Văn Thành cho biết, trước khi đón học sinh đến trường học thời dịch bệnh, sở đã chỉ đạo các trường học phải nỗ lực trong công tác bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên đến lớp, cũng như tăng cường công tác chuyên môn. Đó là việc tổng vệ sinh, phun độc, khử trùng khuôn viên trường, lớp học, bàn ghế; lắp thêm các chậu rửa tay; hằng ngày, tiến hành đo thân nhiệt từng học sinh trước lúc vào lớp... Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện giãn cách, yêu cầu các trường sắp xếp bố trí lại vị trí ngồi học của học sinh phù hợp quy định giãn cách tối thiểu cách nhau một mét. Tùy hoàn cảnh của từng trường để có cách bố trí hợp lý nhất. Ngoài việc bố trí học sinh các khối học lệch buổi, nhà trường đã bố trí thêm bàn ghế cho từng phòng học. Những lớp học sinh quá đông có thể chia lớp làm hai hay sử dụng các phòng họp hội đồng, phòng thực hành, phòng đa chức năng để làm phòng học…

Do đặc thù của các trường thành phố, lớp đông học sinh, khuôn viên nhà trường chật, việc thực hiện giãn cách khá phức tạp, nên trước khi vào học, Phòng GD-ĐT TP Vinh đã yêu cầu tất cả các trường xây dựng nội quy và phổ biến đến tận giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Cùng với đó, Sở GD-ĐT Nghệ An chỉ đạo các trường phải quan tâm chất lượng dạy học. Theo Trưởng phòng GD-ĐT TP Vinh Hoàng Phương Thảo, phòng đã chỉ đạo các trường, động viên giáo viên bố trí thời gian hợp lý, tranh thủ vừa dạy trực tiếp tại lớp vừa dạy trực tuyến (online) hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức bị thiếu hụt do các em phải học online ở nhà trong suốt thời gian dài nghỉ học bởi dịch bệnh.

Cô giáo Bùi Thị Thi Thơ, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 D1 (Trường THPT Hà Huy Tập) cho biết, do phải đeo khẩu trang trong quá trình lên lớp, tránh tiếp tục gần nên phương pháp dạy hiện đại như thảo luận nhóm, thuyết trình… khó được thực hiện. Giáo viên đeo khẩu trang trong lúc dạy, khiến việc thở gặp khó khăn, lại phải cố gắng nói to hơn, rõ hơn so với trước đây. Giáo viên vừa ôn tập lại chương trình học online, vừa triển khai học bài mới cho kịp tiến độ; rồi phải căng mình tổ chức dạy, ôn thi cuối cấp sao cho có chất lượng. Chưa kể, thường xuyên nhắc nhở học sinh ngồi đúng giãn cách, quản giờ ra chơi nghỉ tại chỗ cùng công tác bảo đảm an toàn khác cho học sinh khiến chúng tôi phải nỗ lực gấp đôi so trước khi có dịch.

Để bảo đảm giãn cách trong lớp học tối thiểu một mét mà Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều giải pháp cũng đã được các nhà trường triển khai khá đồng bộ. Tuy nhiên, còn quá nhiều khó khăn để thực hiện hiệu quả và lâu dài. Nhiều trường, phòng học không được rộng, do đó việc giãn cách bàn ghế trên sĩ số học sinh/lớp gặp nhiều khó khăn, buộc phải chia lớp, nhất là lớp có sĩ số học sinh đông. Với phương án này, ngoài việc bổ sung sổ sách liên quan, việc bố trí giáo viên tăng tiết, thừa tiết sẽ gặp nhiều khó khăn trong chi trả chế độ. Theo tính toán của ngành giáo dục, phương án tách lớp để học và kéo dài giữa tháng 7 thì cần hàng chục tỷ đồng để chi trả nội bộ cho việc tăng tiết dạy cho việc tách lớp. Với điều kiện khó khăn hiện nay của Nhà nước thì chưa có kinh phí để cấp bù. Đối với việc tách lớp, Sở GD-ĐT Nghệ An cũng lưu ý, các trường học, khi tách học sinh để thành lập lớp mới, cần rà soát lại tiến độ bài học của từng lớp, vì sẽ có sự vênh nhau nhất định. Đồng thời, ưu tiên bố trí giáo viên chuyên môn vững, có kinh nghiệm, tận tâm phụ trách các lớp này để tạo sự yên tâm cho phụ huynh và học sinh.

Một khó khăn nữa mà các cấp quản lý và giáo viên không khỏi lo lắng là ngày 4-5 tới đây, học sinh bậc tiểu học và mầm non đi học trở lại thì việc bảo đảm giữ khoảng cách cho các cháu là vô cùng khó. Nhất là việc giãn cách với học sinh mầm non, khi các cháu còn quá nhỏ, chưa ý thức được việc phòng, chống dịch bệnh. Quá trình học và ra chơi, với độ tuổi các cháu không tránh được việc “ôm vai bá cổ”, chơi cùng nhau. Hay như việc ăn, ngủ bán trú, để giãn cách cho trẻ rất khó. Tuy lớn tuổi hơn nhưng các cháu cấp tiểu học và THCS vẫn đang ở lứa tuổi hiếu động, ý thức tự giác chấp hành phòng, chống dịch cần có thời gian mới có thể đi vào nề nếp.

Dịch Covid-19 chưa biết đến khi nào kết thúc nên việc dạy và học thời gian này cũng phải được các trường duy trì một cách kéo dài và đi vào nề nếp. Đây được xem là bước thực hành tốt trong việc tạo ý thức cho giáo viên, học sinh, phụ huynh với công tác phòng, chống dịch bệnh. Điều quan trọng nữa, mà theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An Thái Văn Thành: “Hiện, chúng tôi đang kêu gọi toàn ngành, trong thời điểm chống dịch, “mỗi người phải làm việc bằng hai”, trên tinh thần vì cộng đồng”.

Các trường ở Nghệ An đều lắp thêm hàng chục chậu rửa tay phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các trường ở Nghệ An đều lắp thêm hàng chục chậu rửa tay phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thành Châu – Từ Thành

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/44307902-hoc-choi-thoi-covid-19.html