Học chữ ở vùng cao Chiềng Công
Trước khi đến xã vùng cao Chiềng Công của huyện Mường La, chúng tôi đã được nghe kể nhiều về vùng đất còn nhiều khó khăn này. Ở đây, nhiều học sinh đồng bào dân tộc Mông nhà nghèo, nhưng lại có tinh thần hiếu học. Cùng với đó là sự nhiệt huyết, tận tâm của những giáo viên ngày đêm bám trụ nơi vùng cao, 'gieo chữ', vun đắp những ước mơ đến trường.
Mùa này ở Chiềng Công, trời đã lạnh. Sáng sớm, thấp thoáng trong làn sương mù dày đặc, chúng tôi gặp mấy nhóm học sinh tiểu học quần sắn ngang đầu gối, hối hả đến trường. Cơn mưa sáng chưa kịp tạnh khiến con đường trở nên lầy lội, trơn trượt, chiếc ô nhỏ không đủ che chung làm ướt vai áo, còn những chiếc áo mưa cũ được các em dành để bọc cặp sách. Tranh thủ hỏi chuyện được biết, các em ở bản Co Sủ dưới, cách trường 5 km, nên mỗi ngày phải đi bộ mất gần một tiếng, những ngày trời mưa, đường trơn thì phải dậy sớm hơn.
Chúng tôi đến cổng Trường Tiểu học Chiềng Công, đúng lúc tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp vang lên. Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo, Hiệu trưởng Đỗ Đức Tĩnh thông tin: Năm học 2019 - 2020, nhà trường có 822 học sinh, trong đó có 409 học sinh trong chế độ bán trú. Cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo, đáp ứng công tác dạy và học. Hiện, toàn trường có 43 phòng học, trong đó 69,8% phòng học kiên cố, bán kiên cố; 30% phòng học tạm; 8 phòng bán trú cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, giáo viên. Trường hiện có 1 điểm chính ở trung tâm xã và 14 điểm trường lẻ. Tại các điểm lẻ chỉ có lớp học ghép của khối 1, 2, còn từ lớp 3 trở lên, các em chuyển về học ở trung tâm. Học sinh ở đây đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đa số thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, các em đều tự đi bộ tới lớp. Những em không thuộc diện hưởng chế độ ăn bán trú thì về trong ngày, còn học sinh bán trú tới trường từ chiều chủ nhật và về nhà vào chiều thứ 6 hàng tuần. Có nhiều em nhà cách trường 20 đến 30 km, đi bộ nửa ngày mới tới nơi. Mặc dù các em tuổi còn nhỏ, nhưng rất chịu khó và có ý thức học tập.
Tan giờ học, chúng tôi tới thăm gia đình em Giàng Thị May, bản Đin Lanh, một trong những gương học sinh nghèo vượt khó tiêu biểu. Trong căn nhà nhỏ, đồ đạc đơn sơ: 2 chiếc giường cũ kỹ, bếp củi đặt giữa nhà, trong góc tường xếp mấy bao thóc, ngô. Góc học tập của May cũng chính là chiếc giường của em, những tập sách, vở, bút viết được May xếp gọn gàng ở đầu giường. Bên bếp lửa, May chia sẻ: “Bố, mẹ em đã ly thân từ lâu, em và em gái 7 tuổi sống với bố và ông nội. Để mưu sinh, bố em phải đi làm xa nhà, còn ông nội tuổi đã ngoài 60 vẫn phải làm nương”. Do vậy, cô học trò 10 tuổi này đã rèn luyện cho mình tính tự lập từ rất sớm. Hằng ngày, May dậy sớm, dẫn em cùng đến lớp. Tan trường, May về giúp ông mọi việc trong nhà và chăm sóc, bảo em học bài. Dù khó khăn, thiếu thốn cả vật chất, tinh thần, nhưng May luôn lạc quan, chăm chỉ và quyết tâm phấn đấu, nhiều năm liền được xếp loại học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Giàng A Hụ, ông nội May bảo: Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi cố gắng lo cho các cháu được đến trường.
Sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh của em May, cũng như nhiều em ở xã vùng cao Chiềng Công được hun đúc, “truyền lửa” của các thế hệ giáo viên gắn bó, yêu nghề, tận tâm, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Thầy giáo Đinh Văn Thiểu, chủ nhiệm lớp 5D nói: Gần 10 năm gắn bó với các thế hệ học trò của trường, tôi luôn cố gắng gần gũi, trở thành người bạn, người cha để trò chuyện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Lớp tôi chủ nhiệm có 35 học sinh đều là dân tộc Mông, không phải em nào cũng mạnh dạn chia sẻ, nên quản lý lớp theo cách chia học sinh thành các nhóm học tập và nhóm “cùng bản”. Các nhóm chủ động theo dõi các hoạt động trên lớp và ngoài giờ của thành viên, bảo ban, nhắc nhở cùng nhau đến trường, khi có bạn nghỉ học hay có khó khăn sẽ báo với giáo viên. Đây cũng là cách để giúp học trò rèn luyện tính tự giác, tự quản, chủ động giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, trong cuộc sống. Tôi thường xuyên tới tận bản, đến từng nhà để thăm hỏi, nắm tình hình hoàn cảnh gia đình và tâm lý của các em. Từ sự quan tâm, bám lớp của mỗi thầy, cô giáo đã giúp nhà trường thường xuyên nắm được tình hình học tập, kịp thời giúp đỡ, thăm hỏi, động viên học sinh và gia đình.
Tìm hiểu được biết, ngoài các môn học chính khóa, Trường còn thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh, tổ chức ôn tập, bổ trợ kiến thức, phụ đạo cho học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu; kịp thời tuyên dương, khen thưởng học sinh nghèo vượt khó, học sinh chuyên cần, có thành tích tốt trong học tập, để khích lệ, động viên các em phấn đấu, thi đua học tập. Ngoài ra, còn tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian, trải nghiệm, các cuộc thi sáng tạo để học sinh phát triển toàn diện. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ bán trú cho học sinh, tổ chức nấu ăn đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm; phân công giáo viên trực, đảm bảo an ninh, trật tự khu bán trú... Đồng hành với thày và trò nhà trường, chính quyền địa phương, các tổ chức tình nguyện, các nhà hảo tâm luôn quan tâm, giúp đỡ, quyên góp, ủng hộ sách, vở, đồ dùng học tập, quần áo. Đặc biệt, Công ty Điện lực Sơn La đầu tư toàn bộ trang thiết bị khu nhà ăn bán trú trị giá gần 1 tỷ đồng; Công ty Nutifood và Báo Dân trí hỗ trợ xây dựng phòng học lắp ghép điểm trường bản Mới; các tổ chức tình nguyện xây dựng mô hình “ngôi trường ước mơ” tại 4 điểm trường lẻ xa trung tâm.
Với những cố gắng của thầy và trò nhà trường, năm học 2018 - 2019, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học (lên lớp 6); 98,2% học sinh hoàn thành chương trình lớp học, trong đó có 159 em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 50 học sinh được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong năm học. Nhà trường có 43 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, 89,5% giáo viên đạt loại khá trở lên, 30 giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến, 1 chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
Chia tay thầy và trò Trường Tiểu học Chiềng Công, tinh thần hiếu học, những ước mơ giản dị học tập tốt để lớn lên trở thành người có ích cho xã hội, góp sức xây dựng quê hương của các em đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc. Các em chính là những “bông hoa học tập tốt” ở xã vùng cao này.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hoc-chu-o-vung-cao-chieng-cong-26740