Học chưa bao giờ là muộn
Câu chuyện về bà Phạm Kim Hoàng, 70 tuổi, cựu giáo viên dạy Văn, quê ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Văn Hiến, đã lan tỏa một thông điệp về tinh thần 'Học chưa bao giờ là muộn'.
Điều đáng quý trọng hơn ở người học viên tuổi “thất thập cổ lai hy” này là trong 4 năm qua, mỗi lần đến trường bà phải đi khoảng 200km từ Tiền Giang lên TP Hồ Chí Minh qua 6 chuyến xe buýt. Vượt qua khó khăn của tuổi tác, bà vừa chịu khó học hỏi, cập nhật kiến thức mới, vừa thu thập thông tin, tư liệu, số liệu để thực hiện đề tài luận văn “Sự hài lòng của du khách nội địa đến làng cổ Đông Hòa Hiệp tỉnh Tiền Giang”, qua đó muốn người dân địa phương và du khách gần xa hiểu biết sâu sắc hơn về địa điểm làng cổ trên quê hương mình.
Không riêng bà Phạm Kim Hoàng, năm 2019, Trường Đại học Văn Hiến cũng đón nhận hai học viên cao tuổi nhập học. Đó là học viên Phan Thanh Khiết, 64 tuổi, theo học đại học ngành Tâm lý học và học viên Đào Thị Thư, 63 tuổi, theo học đại học chuyên ngành Piano.
Vào tháng 1-2021, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tân học viên Nguyễn Văn Tấn, 71 tuổi, đăng ký theo học trực tuyến chương trình cử nhân Luật. Ông Tấn cho biết, sau khi hoàn thành chương trình cử nhân, ông sẽ tiếp tục đăng ký học cao học để thỏa thích niềm đam mê học tập suốt đời của mình.
Thông thường, tuổi càng cao thì sức khỏe có hạn, việc tiếp nhận kiến thức bài giảng trực tiếp hay trực tuyến của người ở độ tuổi 60, 70 cũng khó có thể nhanh nhạy như người học ở lứa tuổi đôi mươi. Đấy là chưa kể việc đi lại của học viên cao niên cũng gặp khó khăn, quá trình ngồi học dễ bị đau lưng mỏi cổ. Nói chung, phải là người thật sự có ý chí kiên trì, bền bỉ, ham học hỏi, cầu thị thì mới có thể vượt qua những rào cản từ tuổi tác, sức khỏe để theo học những lớp như vậy.
Do vậy, không quá lời khi khẳng định rằng, tinh thần học tập suốt đời của bà Hoàng, bà Thư, ông Tấn, ông Khiết là những tấm gương "tuổi cao chí càng cao" rất đáng để mọi người, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo. Bởi vì, chỉ có học tập suốt đời, con người không chỉ tự giúp bản thân có cơ hội tiến bộ, trưởng thành, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào xã hội học tập phát triển sâu rộng khắp nơi.
Sinh thời, lãnh tụ Lê-nin đã đề ra câu khẩu hiệu nổi tiếng “Học, học nữa, học mãi!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đường đời là một chiếc thang không nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”. Đó là tư duy, tầm nhìn vượt thời đại của các bậc vĩ nhân khi nói về ý nghĩa của việc học suốt đời. Điều này cũng được tổ chức UNESCO nhấn mạnh, học tập suốt đời như là một chìa khóa để mỗi cá nhân thích ứng với những thách thức của thế kỷ 21. Do vậy, trong khoảng hai thập niên gần đây, UNESCO luôn khuyến khích, cổ vũ mọi người dân trên thế giới tích cực hưởng ứng phong trào học tập suốt đời. Bởi trong thời đại ngày nay, chu kỳ thay đổi về khoa học-công nghệ ngày càng rút ngắn và tuổi thọ ngày càng cao thì học tập suốt đời là hoạt động tất yếu của mọi người. Học tập suốt đời là học tập có chủ đích xuyên suốt của một cá nhân từ khi chào đời đến lúc xa rời cuộc sống, theo các hình thức giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy, qua đó để người học tự cải thiện cuộc sống bản thân, làm giàu cho gia đình và cho cộng đồng, đóng góp xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/hoc-chua-bao-gio-la-muon-660448