Hóc dị vật đường thở ở trẻ và cách xử trí

Việc hóc các loại dị vật như vật dụng, đồ chơi, đồng xu, pin hoặc các vật sắc nhọn...ở trẻ nhỏ rất thường gặp. Điều này rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến các biến chứng như không ăn uống được, áp xe thành sau họng, áp xe cổ, áp xe – thủng thực quản, tổn thương mạch máu

Lứa tuổi từ 1 đến 3 tuổi dễ bị mắc dị vật đường thở nhất. Khi thấy trẻ đang ăn, chơi đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái, sau đó thở khó, ngưng thở do tắc nghẽn đường thở cấp là có dấu hiệu bị dị vật đường thở. Nếu dị vật bít một phần đường thở, trẻ sẽ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay. Cơn ho này kéo dài sau đó dịu đi, chỉ còn những tiếng ho rải rác. Khi thấy trẻ có dấu hiệu trên phải nghĩ ngay đến trẻ bị hóc dị vật và cho bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Mới đây một em bé ở Đà Nẵng đã được gia đình đưa vào một Bv tư nhân trên địa bàn cấp cứu vì nuốt viên bi sắt.

Theo thông tin người nhà chia sẻ, bé vui chơi ở nhà, ngậm viên bi sắt và nuốt ngay, sau đó trẻ có cảm giác khó chịu và lo lắng nhiều. Khi đến khám tại bệnh viện, các Bác sĩ đã thực hiện nội soi thực quản dạ dày ống mềm và tiến hành lấy dị vật bằng rọ, phát hiện dị vật là viên bi sắt kích thước 5mm.

Đây là một trong rất nhiều ca bệnh nội soi mà hàng ngày các bác sĩ phải xử trí. Vậy làm thế nào để phát hiện trẻ hóc dị vật và cách xử trí khi trẻ hóc dị vật.

Nội soi gắp viên bị sắt cho bệnh nhi

Nội soi gắp viên bị sắt cho bệnh nhi

Cách xử lý khi trẻ hóc dị vật đường thở

ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, nếu chẳng may có dị vật lọt vào mũi, họng của trẻ thì cần thực hiện:

Các dị vật như pin điện tử cần lấy ngay trong vòng 4-6 giờ để tránh nguy cơ chảy máu, loét niêm mạc, thủng vách ngăn mũi do axit từ pin rỉ ra.

Khi phát hiện có dị vật trong mũi trẻ, người lớn cần nhẹ nhàng trấn an và hướng dẫn trẻ đẩy dị vật ra ngoài. Hãy bịt một bên mũi không có dị vật và hướng dẫn trẻ xì mạnh bên có dị vật. Tuyệt đối không dùng ngón tay hoặc các vật dụng để cố lấy dị vật ra ngoài vì cách này càng làm cho dị vật bị đẩy sâu vào bên trong. Nếu trẻ không thể xì ra dị vật, tốt nhất ba mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ tai mũi họng gắp dị vật ra cho trẻ.

Trường hợp trẻ hóc xương cá thì cần trấn an trẻ vì hóc xương cá rất đau. Ba mẹ nhẹ nhàng hướng dẫn con há miệng, sau đó dùng đèn pin soi vào cổ họng để tìm xương cá. Khi phát hiện thấy xương cá ở vị trí dễ thấy dễ lấy, cha mẹ có thể dùng kẹp y tế để gắp xương ra. Khi gắp cần khéo léo, nhẹ nhàng để không làm tổn thương họng của bé. Sau khi gắp xong hãy cho bé uống nước. Nếu bé không còn cảm thấy vướng, khó chịu tức là cổ họng đã sạch xương.

Trường hợp không thể gắp xương ra cho bé, ba mẹ nên đưa ngay con tới bệnh viện để bác sĩ tai mũi họng gắp xương ra sớm cho trẻ.

Mời bạn đọc xem Video:

Hồng Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-hoc-cac-di-vat-duong-tho-va-cach-xu-tri-169230216143354538.htm