Hóc dị vật, tưởng bình thường mà nguy hiểm khôn lường

Hóc dị vật đường ăn hay đường thở đều là những tai nạn nguy hiểm tính mạng nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Vừa qua, điều phối viên tổng đài 115 TP.HCM đã tiếp nhận, điều phối và kịp thời hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại cho nạn nhân bị hóc dị vật đường thở.

Liên tiếp ca sặc thức ăn, hóc xương cá

Bệnh nhân là nam (85 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) đang ăn thì đột nhiên sặc, khó thở, sau đó tím tái, bất tỉnh. Người nhà phát hiện liền móc họng cho nạn nhân nhưng không được, nạn nhân ngưng thở sau đó.

Người nhà gọi cấp cứu 115 và được điều phối viên tổng đài 115 hướng dẫn ép ngực, đồng thời nhanh chóng điều xe cấp cứu đến hiện trường. Nhờ được sơ cứu kịp thời, khi ê-kíp cấp cứu đến, nạn nhân tự thở được, mạch rõ, môi hồng, chi ấm và được chuyển vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

 Hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại là công việc thường quy trong mỗi ca cấp cứu gọi về 115.Ảnh: TTCC115

Hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại là công việc thường quy trong mỗi ca cấp cứu gọi về 115.Ảnh: TTCC115

Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cũng vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nam NVN (40 tuổi) nhập viện vì nuốt vướng sau khi hóc xương cá hơn 6 tháng. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) vùng cổ và ghi nhận dị vật là xương dài khoảng 28 mm ở vùng thanh quản - xoang lê trái, dưới niêm mạc, nằm giữa - song song với dây thanh và sụn giáp.

Bệnh nhân được soi treo thanh quản kiểm tra, quan sát thấy vùng xoang lê trái có giả mạc. Bác sĩ hút sạch giả mạc, thấy lộ ra đầu xương dưới niêm mạc, gắp được xương cá dài khoảng 3 cm. Sau điều trị, bệnh nhân hết nuốt đau, ăn uống bình thường và được xuất viện hai ngày sau phẫu thuật.

Một bệnh nhân khác là nam (6 tuổi) cũng nhập Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM vì hóc dị vật là xương cá. Kết quả chụp CT-scan ghi nhận dị vật là xương dài 17 mm ở thực quản cổ, thủng thành thực quản hai bên.

 Bệnh nhân bị hóc dị vật điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhân bị hóc dị vật điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhi được soi thực quản kiểm tra thấy lòng thực quản có giả mạc, hút ra khoảng 0.5 ml mủ. Bác sĩ tiếp tục soi treo thanh quản kiểm tra qua miệng thực quản thấy xương lồi vào lòng thực quản, dùng kẹp vi phẫu gắp được xương dài khoảng 20 mm.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị kháng sinh tích cực. Bệnh nhân hết nuốt đau, ăn uống được và xuất viện sau một tuần điều trị.

Hóc dị vật, tai nạn nguy hiểm tính mạng

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết hóc dị vật đường ăn là một cấp cứu trong tai mũi họng, là tai nạn nguy hiểm tới tính mạng nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Tỉ lệ hóc dị vật đường ăn ước tính khoảng 120 trường hợp trên mỗi triệu dân và khoảng 1.500 trường hợp tử vong mỗi năm trên toàn nước Mỹ.

Trong nước, tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, từ 1991 đến 1997 có hơn 3.200 trường hợp hóc dị vật đường ăn đến khám và điều trị. Trong vòng 1 năm, tại bệnh viện này có 153 trường hợp dị vật đường ăn được lấy bằng nội soi ống cứng.

 Hầu hết các dị vật là các xương như xương cá, gà, vịt, chó, heo... Ảnh: BVCC

Hầu hết các dị vật là các xương như xương cá, gà, vịt, chó, heo... Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Thúy, hóc dị vật đường ăn có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Hầu hết các dị vật là các xương như xương cá, gà, vịt, chó, heo... những dị vật như đồng xu, khuy áo chỉ thấy ở trẻ em. Ngoài ra còn có một số dị vật đặc biệt như hạt trái cây, đinh, cọng kẽm, răng giả, gần đây còn có một loại dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ.

Hầu hết các dị vật đi qua thực quản một cách tự nhiên mà không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào. Một số dị vật sắc nhọn như xương cá cần can thiệp. Khoảng 10-20% trường hợp dị vật đường ăn cần nội soi lấy dị vật, và chỉ ít hơn 1% cần phẫu thuật.

Biến chứng của hóc dị vật thường là thủng thực quản, dị vật sắc nhọn như xương cá dễ gây thủng hơn. Các biến chứng khác bao gồm viêm trung thất, áp xe cạnh thực quản, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi, rò động mạch chủ.

“Các trường hợp soi thực quản lấy dị vật thất bại hiện nay vẫn còn là một thách thức. Để khắc phục vấn đề này cũng như tăng tỉ lệ thành công lấy dị vật, chúng tôi đã thử áp dụng phương pháp sử dụng nội soi phối hợp soi treo thanh quản trong lấy dị vật hạ họng - miệng thực quản - thanh quản” - bác sĩ Thúy nói.

Tại khoa Nhi tổng hợp của bệnh viện, việc tìm dị vật ở hạ họng, miệng thực quản bằng ống soi thực quản cứng có một số hạn chế như khó phát hiện được các dị vật nhỏ, ghim sâu vào niêm mạc hay dưới niêm mạc. Ống soi dài có thể gây khó khăn trong quá trình thao tác; có thể gây tổn thương các cấu trúc xung quanh trong quá trình lấy dị vật.

 Nghiệm pháp Heimlich trong cấp cứu dị vật đường thở ở người lớn. Ảnh: TTCC115

Nghiệm pháp Heimlich trong cấp cứu dị vật đường thở ở người lớn. Ảnh: TTCC115

Sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết hóc dị vật đường thở là thuật ngữ chỉ vật lạ rơi vào và cản trở đường hô hấp. Tắc nghẽn đường thở có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng do thiếu hụt ô-xy, đặc biệt là ảnh hưởng đến não bộ.

Ước tính mỗi năm có khoảng 3.000 bệnh nhân tử vong vì những biến chứng của hóc dị vật đường thở, tỉ lệ đặc biệt cao ở trẻ em từ 1-6 tuổi.

Trong trường hợp hóc dị vật gây tắc đường thở, nạn nhân phải nhanh chóng được sơ cứu. Vai trò sơ cứu của những người xung quanh khi phát hiện nạn nhân cực kỳ quan trọng, có thể là yếu tố quyết định sự sống còn bởi từng giây, từng phút nạn nhân ngưng thở có thể gây tổn thương não nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

“Việc tăng cường kiến thức về sơ cứu trong cộng đồng không chỉ giúp giảm tỉ lệ tử vong cho nạn nhân mà còn là nền tảng để mỗi người có thể chủ động trong việc ứng phó với những tình huống khẩn cấp đáng tiếc như vậy. Nếu người xung quanh được trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu, có thể nhanh chóng cứu sống nạn nhân” - bác sĩ Long nhấn mạnh.

Theo đó, trường hợp không biết cách sơ cứu, người xung quanh cần gọi ngay tổng đài cấp cứu 115 và thực hiện theo các hướng dẫn sơ cứu từ bộ phận tổng đài như cấp cứu dị vật đường thở, kỹ thuật ép tim,… để có thể giúp duy trì sự sống cho nạn nhân đến khi đội cấp cứu đến.

Nội soi là phương pháp hiệu quả trong lấy dị vật

Nội soi là lựa chọn đầu tiên trong điều trị hóc dị vật thực quản vì khá an toàn và hiệu quả. Trong 10 năm qua, nội soi thực quản ống mềm dần trở nên phổ biến nhờ tính an toàn của nó.

Tuy nhiên, ống nội soi cứng cũng có độ an toàn và hiệu quả tương đương khi được thực hiện bởi phẫu thuật viên có kinh nghiệm. Hiện nội soi thực quản ống cứng vẫn là phương pháp lấy dị vật thực quản được ưa chuộng trên thế giới với tỉ lệ thành công từ 94 - 100%.

Phương pháp lấy dị vật thực quản phổ biến nhất tại Bệnh viện Tai Mũi Họng là nội soi thực quản ống cứng. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm có hơn 200 trường hợp lấy dị vật đường ăn bằng phương pháp nội soi thực quản ống cứng với tỉ lệ thành công cao, ít biến chứng.

ThS.BS LÊ DANH NGỌC, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoc-di-vat-tuong-binh-thuong-ma-nguy-hiem-khon-luong-post829889.html