Học giả Mỹ: Không thể xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung vì Bắc Kinh có vũ khí cực kỳ lợi hại
Tờ Asia Times (Hong Kong) ngày 24/8 đã đăng một bài viết của chuyên gia Mỹ David P. Goldman với tiêu đề 'Tại sao giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không xảy ra chiến tranh?'.
TQ đầu tư nhiều vào hệ thống phòng thủ
Ông Goldman nhận định, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực vũ khí "chống tiếp cận/chống thâm nhập" (A2/AD), điều này sẽ khiến Mỹ khó xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.
Ông này lấy ví dụ về trận đấu giữa nhà vô địch quyền anh hạng nặng thế giới Muhammad Ali và võ sư Karate Nhật Bản Antonio Inoki vào năm 1976. Trong phần lớn thời gian của trận đấu, Inoki nằm trên mặt đất, dùng chân đá vào bắp đùi Ali. Theo ghi chép, Ali chỉ tung được vài cú đấm vào đối thủ, trong khi những cú đá liên tục của Inoki đã khiến hai chân Ali bị ứ máu và nhiễm trùng, suýt chút nữa phải cắt cụt.
Chuyên gia Mỹ cho rằng, tương tự như ý tưởng phòng ngự của Antonio Inoki trước Muhammad Ali, mục đích của hệ thống phòng thủ do Trung Quốc thiết lập chính là ngăn chặn việc Mỹ dễ dàng tiếp cận để phát huy ưu thế.
"So với Mỹ, quy mô lực lượng phản ứng nhanh của Trung Quốc tuy nhỏ nhưng nước này đã đầu tư rất nhiều vào phương diện phòng thủ gần bờ. Từ tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 (DF-21) ra mắt năm 2008 đến Đông Phong 26 (DF-26) lần đầu công bố vào năm 2018, được truyền thông mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay"", ông Goldman viết .
Tên lửa DF-26 được cho có tầm bắn khoảng 2.500 km, đủ sức tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ ở đảo Guam.
Theo tác giả, ngoài tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21 và DF-26, Trung Quốc còn phát triển thiết bị tấn công siêu thanh DF-ZF, gắn trên tên lửa Đông Phong 17 (DF-17), có thể xuyên thủng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện nay.
Ông này cho rằng liệu Trung Quốc có thể sử dụng tên lửa chống hạm hay tàu ngầm để đánh chìm tàu sân bay Mỹ hay không vẫn là một ẩn số. Năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Sydney đã đưa ra một báo cáo cho biết, kho vũ khí tên lửa tầm xa ngày càng tăng của Trung Quốc tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hầu hết các căn cứ quân sự, đường băng, bến cảng và cơ sở quân sự của Mỹ và các đồng minh ở Tây Thái Bình Dương. Nếu Trung Quốc và Mỹ xảy ra xung đột, các cuộc tấn công chính xác tên lửa tầm xa Trung Quốc sẽ giáng một đòn chí mạng vào các cơ sở này trong một thời gian ngắn, điều này thách thức nghiêm trọng khả năng di chuyển của Mỹ ở các khu vực.
Cuộc chiến quân sự Mỹ-Trung khó xảy ra
Theo ông Goldman, năng lực tác chiến "chống tiếp cận/chống thâm nhập" của Trung Quốc còn bao gồm một số lượng lớn máy bay thế hệ thứ tư, hệ thống C4ISR tiên tiến, tàu ngầm tấn công hiện đại, khả năng tác chiến điện tử tiên tiến và tên lửa phòng không hiện đại được triển khai dày đặc. Điều này sẽ đẩy Mỹ và các đồng minh vào nguy hiểm trong khi Trung Quốc có thể ngăn đối thủ phát động các cuộc tấn công hiệu quả vào các mục tiêu đã xác định từ trên biển hoặc trên không.
Tác giả nói rằng vẫn còn nhiều ẩn số về khả năng quân sự thực sự của Trung Quốc. Một số nhà quan sát quân sự Mỹ cho rằng máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc là nền tảng vũ khí hiệu quả để đối đầu tàu chiến và máy bay của Mỹ. Tuy nhiên cũng có người không nghĩ như vậy. "Điều quan trọng nhất là máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc không nhất thiết phải quyết chiến trên không với máy bay chiến đấu F-18 hay F-35 của Mỹ mà Trung Quốc chỉ cần ngăn chặn, giữ các lực lượng của Mỹ ở một khoảng cách an toàn".
Theo ông, một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở gần bờ biển Trung Quốc không phải là kịch bản chiến tranh duy nhất có thể xảy ra. Mỹ có thể cố gắng chặn đường nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Vịnh Ba Tư.
Tuy nhiên, theo ông, nói về nhập khẩu, so với Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc mới là những quốc gia hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Do đó, cố gắng ngăn chặn dòng chảy của dầu sẽ có tác động tàn khốc hơn đối với các đồng minh của Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc đang nỗ lực vận chuyển dầu và khí đốt thông qua các kênh vận chuyển đường bộ.
Ông Goldman nhấn mạnh, Mỹ có thể phát triển vũ khí mới để phá hủy kho tên lửa hùng hậu của Trung Quốc. Vào năm 2020, Cục Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Cấp cao của Mỹ (DARPA) đã chi cho Northrup-Grumman 13 triệu USD để nghiên cứu vũ khí mới. Hải quân Mỹ cũng tuyên bố đang phát triển một hệ thống phòng thủ nhưng các chi tiết hiếm khi được tiết lộ.
Ông cũng cho rằng, về lý thuyết, tia laser có thể chống lại hiệu quả bất kỳ loại vũ khí động năng nào nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Như vậy, sẽ mất vài năm để thay đổi cán cân quyền lực ở các khu vực ven biển của Trung Quốc thông qua vũ khí laser. Do đó, trong tương lai gần, chiến lược phòng thủ tên lửa tiên tiến của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ không thể dễ dàng gây chiến với họ.