Học giả Nga: Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII – Con đường đi đến thành công mới
Trong bài viết 'Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 – Con đường đi đến thành công mới', Tiến sỹ Evgeny Kobelev tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành 'một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc' dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tạp chí “Thế giới đa cực” ngày 12/1 đăng bài viết “Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 – Con đường đi đến thành công mới” của Tiến sỹ Evgeny Kobelev, trong đó nêu những thành tựu nổi bật của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành "một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc", “một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Bài báo nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra chưa đầy một năm sau kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng. Điểm lại những thành tựu lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 90 năm qua, tác giả nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, từ những ngày đầu hoạt động cho đến nay đã không ngừng thể hiện là một Đảng sáng tạo, có những quyết sách táo bạo, quy tụ sự đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc.
Những chiến lược này đã trở thành vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước sự xâm lăng của kẻ thù, cũng như trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước trong thời bình.
Bài báo nhấn mạnh bước ngoặt lịch sử của đất nước tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đã thông qua chính sách “Đổi mới” - một đường lối chiến lược mới để phát triển đất nước, giúp ổn định xã hội, thoát khỏi bờ vực của cuộc khủng hoảng kinh tế và đảm bảo đất nước phát triển thành công. Theo bài báo, vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, Việt Nam nằm trong số 25 quốc gia nghèo nhất thế giới thì sau 10 năm đổi mới, Việt Nam đã lọt vào nhóm các nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong 25-30 năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 5-7%. Bất chấp thời kỳ khó khăn của đại dịch COVID-19, trong khi GDP của hầu hết các quốc gia ở mức âm, thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Việt Nam đã thành công trong kiểm soát đại dịch, khi đến nay chỉ có 35 trường hợp tử vong trên 100 triệu dân.
Về đối ngoại, sự phát triển thành công của đất nước được thúc đẩy bởi các hoạt động chính sách đối ngoại đa phương, đa bình diện, thông qua tất cả các kênh quan hệ song phương và đa phương. Chính sách đối ngoại có trách nhiệm của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Năm 2020, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công hai nhiệm vụ kép này. Việt Nam là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực, đã ký kết các hiệp định, các tuyên bố với nhiều quốc gia về quan hệ đối tác chiến lược ở nhiều hình thức khác nhau.
Bài báo cũng chỉ ra rằng mặc dù nền kinh tế đã đạt được những thành công rõ nét nhưng vẫn còn tụt hậu so với nhiều nước ASEAN, khoa học và công nghệ còn ở trình độ khá thấp, có nguy cơ tụt hậu, thậm chí tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, tham nhũng cũng là một vấn nạn đáng báo động, mà trong các văn kiện của Đảng được coi là “quốc nạn” và “giặc nội xâm”. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống thiếu lành mạnh cũng là vấn đề đặc biệt chú ý trong quá trình xây dựng Đảng.
Kết thúc bài báo, tác giả bày tỏ sự tin tưởng về một tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam, tin tưởng dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam thực hiện được mục tiêu phát triển đất nước thành "một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc" và đến giữa thế kỷ XXI sẽ trở thành "quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa"./.