Học giỏi Toán nhưng đọc kém có thể là dấu hiệu trẻ bị rối loạn học tập
Sáu tháng nay, nam sinh 14 tuổi thường xuyên cáu gắt buồn chán, giật tóc bạn học, mệt mỏi, học lực giảm sút nhiều, bố mẹ phải đưa đi bệnh viện điều trị.
Các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai mới tiếp nhận trường hợp nam sinh lớp 9 (14 tuổi, Hà Nội) đến khám vì rối loạn hành vi.
Khi bắt đầu vào lớp 9, học sinh này bị các bạn cùng lớp trêu chọc vì cách nói chuyện. Em ngày càng ngại giao tiếp với mọi người xung quanh hơn, buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung, học lực giảm sút nhiều. Trẻ dễ nổi nóng, hay cãi lại lời bố mẹ, thường xuyên có các hành vi như xoa đầu, giật tóc các bạn cùng lớp.
Lo ngại về tinh thần của con, cha mẹ đưa trẻ tới khám tại Viện Sức khỏe tâm thần khám. Bác sĩ chẩn đoán em mắc rối loạn cảm xúc, hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên, rối loạn học tập. Bác sĩ chỉ định điều trị nội trú bằng liệu pháp can thiệp tâm lý và dùng thuốc.
Sau 10 ngày, các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt buồn chán thuyên giảm, trẻ tạm thời được xuất viện và tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý tại nhà.
Trước đó trẻ có tiền sử khỏe mạnh, đến năm 4 tuổi trẻ chỉ nói được các câu ngắn, khó khăn trong việc mô tả bức tranh hoặc kể câu chuyện liền mạch, không thuộc lời được những bài hát hoặc bài thơ đơn giản như bạn cùng lứa.
Khi vào lớp 1, trẻ khó khăn khi môn tiếng Việt, chép chính tả, sai từ thậm chí nói chuyện cũng không rành mạch, thường không nghĩ ra từ để diễn đạt, phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể để mô tả lời nói. Trẻ vận động chậm, ít giao tiếp với các bạn cùng lớp, các kĩ năng tương tác xã hội kém.
BS. Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi, thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho biết, trẻ rối loạn học tập khác với trẻ mang hội chứng tự kỷ, hoặc hay khuyết tật trí tuệ.
Rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập kém. Các rối loạn này có nhiều yếu tố liên quan, trong đó có yếu tố di truyền, môi trường, các vấn đề liên quan tới gene. Bệnh nhân có thể gặp một trong ba rối loạn trên.
Ở rối loạn học tập, trẻ thường khó khăn trong kỹ năng đọc, viết, tính toán, còn trí thông minh vẫn bình thường. Nhiều đứa trẻ học rất giỏi toán nhưng việc đọc lại rất kém.
Để chẩn đoán rối loạn học tập, các bác sĩ phải tìm hiểu thật kỹ. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như đọc từ không chính xác hoặc chậm và tốn nhiều công sức, khó hiểu ý nghĩa của những gì đọc.
Chuyên gia khuyến cáo, nếu các dấu hiệu này duy trì hơn 6 tháng, dù đã được điều chỉnh, nhắc nhở, cha mẹ cần nghi ngờ khả năng trẻ bị rối loạn học tập và đưa trẻ đi khám sớm. Việc phát hiện, can thiệp càng sớm càng tốt, tránh ảnh hưởng đến chất lượng sống sau này của trẻ, bác sĩ Yến khuyên.