Học hộ, thi hộ: Việc nhẹ, lương cao?
Một số sinh viên vì nhiều lý do đã nhờ bạn bè hoặc tìm đến dịch vụ học hộ để đảm bảo yêu cầu về thời gian trên lớp...
Theo quy định, sinh viên được nghỉ không quá 30% số tiết của mỗi học phần nên một số em vì nhiều lý do đã nhờ bạn bè hoặc tìm đến dịch vụ học hộ để đảm bảo yêu cầu về thời gian trên lớp. Cùng đó, có trường hợp nhờ người thi hộ để qua môn.
Sôi nổi trên diễn đàn
Do hoàn cảnh khó khăn nên Trần Gia Linh - sinh viên một trường đại học tại Hà Nội quyết định tìm công việc làm thêm để san sẻ gánh nặng chi phí sinh hoạt với gia đình. Ngay từ khi học năm thứ nhất, em đã làm thêm ở nhiều nơi.
Được bạn bè mách nước lên các hội nhóm Facebook nhận đi học hộ dễ kiếm tiền, không vất vả như khi làm phục vụ ở quán cafe, nhà hàng và được linh động lựa chọn ca học, Linh quyết định thử tìm việc. Đăng ký học hộ một sinh viên cùng trường với giá 30 nghìn đồng/giờ, Linh thấy đây là việc không quá khó khăn. Trong 3 tháng qua, nếu không vướng lịch học trên trường, Gia Linh sẽ tìm và nhận các lớp học hộ phù hợp. Việc khớp lịch, chốt lịch tương đối nhẹ nhàng bởi thế mạnh của mạng xã hội.
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “học hộ, thi hộ” trên Facebook, dễ dàng tìm thấy gần 40 nhóm với hàng nghìn thành viên hoạt động, trong đó nhiều nhóm quy mô lên đến hàng trăm nghìn người. Điều này cho thấy, nhu cầu rất lớn và nguồn cung phát triển tương ứng. Các dịch vụ học hộ, thi hộ thường được giao dịch trên các nhóm kín hoặc trang mạng xã hội. Mức giá cho dịch vụ học hộ trung bình từ 70 - 200 nghìn đồng cho mỗi buổi học. Đối với thi hộ, chi phí còn cao hơn nhiều, tùy thuộc vào độ khó của môn thi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học hộ, thi hộ ngày càng trở nên phổ biến. Một trong số đó do ý thức kém của một bộ phận sinh viên, cộng với việc hình phạt chưa đủ mạnh để răn đe. Một số sinh viên coi đây là cách kiếm tiền dễ dàng, trong khi những em khác lại sẵn sàng chi tiền để qua môn học mà không phải nỗ lực học tập.
Diễn ra phổ biến
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM đánh giá, học hộ, thi hộ là vấn nạn đang diễn ra phổ biến trong môi trường đại học, thể hiện sự thiếu nghiêm túc và trách nhiệm trong học tập. Điều này gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về đạo đức, chất lượng giáo dục và sự công bằng trong xã hội.
“Thuê người học hoặc thi hộ không chỉ tạo nên sự bất bình đẳng giữa các sinh viên mà còn ảnh hưởng lớn đến bản chất và mục tiêu của giáo dục. Hệ lụy nghiêm trọng hơn, hành vi này làm suy yếu lòng tin vào hệ thống giáo dục, khi những sinh viên gian lận có thể đạt được bằng cấp và cơ hội nghề nghiệp mà lẽ ra phải thuộc về những người thực sự học tập, làm việc chăm chỉ”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, dù nhà trường có nhiều biện pháp xử lý nhưng tình trạng sinh viên kiểm tra, thi hộ hoặc nhờ người kiểm tra, thi hộ vẫn diễn ra. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập của sinh viên, vi phạm quy chế của nhà trường.
Để nâng cao tinh thần chống gian lận trong học tập và thi cử, nhà trường đã tăng cường nhắc nhở cảnh báo sinh viên về quy định thi, kiểm tra học phần và các hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Bên cạnh đó, trường nhắc nhở giảng viên làm công tác coi thi kiểm tra, giám sát nghiêm túc trong quá trình thi, 100% sinh viên phải được kiểm tra thẻ sinh viên.
Ngoài ra, trường thành lập tổ kiểm tra, giám sát cấp trường để kiểm tra ngẫu nhiên công tác tổ chức thi cuối học kỳ. Nếu phát hiện thi hộ, sinh viên sẽ bị xử lý kỷ luật, trong đó nhẹ nhất là đình chỉ học tập 1 năm, nặng hơn có thể buộc thôi học và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Học hộ, thi hộ cần sớm được loại bỏ. Bày tỏ quan điểm, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho hay: Những năm vừa qua, để kiểm soát tình trạng học hộ, thi hộ, nhà trường tăng cường việc giám sát thi cử bằng cách lắp đặt hệ thống camera trong phòng thi và tổ chức cho Phòng Công tác sinh viên kiểm tra thường xuyên…
Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục ý thức về đạo đức và trách nhiệm cá nhân của sinh viên trong học tập và thi cử. Trước hết, sinh viên cần nhận thức rõ rằng việc học hộ, thi hộ không chỉ vi phạm quy định của nhà trường mà còn đi ngược lại giá trị đạo đức và trách nhiệm cá nhân. Hậu quả của hành vi này có thể rất nghiêm trọng, từ việc bị kỷ luật, đình chỉ học tập cho đến ảnh hưởng lâu dài đến danh dự và sự nghiệp sau này.
Nguyễn Văn Tân - nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: “Đầu năm 2020, do bận đi làm thêm, tôi nhờ một người thi hộ 1 môn chuyên ngành với giá 1 triệu đồng. Thế nhưng cán bộ coi thi đã phát hiện và bản thân bị kỷ luật với hình thức đình chỉ học tập 1 năm. Đây là bài học cho tôi khi có tư tưởng gian lận và không nghiêm túc trong học tập, đồng thời cũng là “kinh nghiệm xương máu” về lòng tự trọng và uy tín trong công việc sau này”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-ho-thi-ho-viec-nhe-luong-cao-post714000.html