Học hỏi kinh nghiệm của Đức trong định hình chính sách đối ngoại nữ quyền
Vừa qua, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức tại Việt Nam và Học viện Ngoại giao phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: 'Định hình chính sách đối ngoại nữ quyền - Kinh nghiệm của Đức'.
Đến dự tọa đàm diễn ra vào ngày 7/12 có Phó Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Simon Kreye; GS. TS Đặng Hoàng Linh - Phó Trưởng Ban Đào tạo, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao; cùng các cán bộ, giảng viên và hơn 200 sinh viên Học viện Ngoại giao.
Phát biểu tọa đàm, GS. TS Đặng Hoàng Linh cho rằng, từ xưa đến nay, người phụ nữ luôn mang trong mình nhiều trách nhiệm, không chỉ chăm lo cho gia đình mà còn đóng vai trò to lớn với xã hội. Do đó, bình đẳng giới là chủ đề thu hút quan tâm ở Việt Nam, trở thành xu hướng phù hợp, thúc đẩy cam kết mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam.
Tại tọa đàm, Phó Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Simon Kreye chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách đối ngoại nữ quyền của Đức, từ đó rút ra bài học quý giá cho việc xây dựng chính sách tương tự tại Việt Nam trong tương lai. Ông Simon Kreye khẳng định, Đức muốn thúc đẩy hơn nữa quyền đại diện của phụ nữ trên toàn thế giới, đồng thời tăng cường sự đa dạng xã hội trong khuôn khổ chính sách đối ngoại nữ quyền.
Mục tiêu của chính sách bao gồm: tôn trọng và ủng hộ quyền phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực xã hội. Cách thức thực hiện chính sách cần đơn giản, hợp lý và linh hoạt dựa trên hoàn cảnh thực tế, đặc biệt là phải biến tuyên bố thành hành động thiết thực.
Bên cạnh đó, Phó Đại sứ nêu lên giải pháp thực hiện trên các lĩnh vực: hòa bình, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo đó, chính phủ cần lồng ghép quan điểm của phụ nữ và nhóm yếu thế vào công tác hòa bình và an ninh, kiên quyết chống bạo lực tình dục và bạo lực giới trong xung đột vũ lực; ưu tiên sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản; đấu tranh cho quyền của cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, tính dục thiểu số (LGBTIQ).
Trên lĩnh vực kinh tế, Đức tập trung thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và nhóm người dễ bị tổn thương vào mạng lưới kinh tế quốc tế, đồng thời trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn về mặt kinh tế để giúp họ khẳng định vị thế. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Đức nhấn mạnh quyền đại diện của phụ nữ trong xã hội, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, cơ hội bình đẳng trong môi trường làm việc như: chế độ làm việc không phân biệt đối xử, chế độ nghỉ thai sản/nuôi con linh hoạt...
Khép lại phần chia sẻ, Phó Đại sứ Simon Kreye khẳng định, phát triển “Chính sách đối ngoại nữ quyền” cần đi kèm với đối thoại nhằm kịp thời lắng nghe, đánh giá và điều chỉnh hợp lý chính sách.