Học kỹ năng kiềm chế cảm xúc
Câu chuyện giáo viên (GV) mầm non bạo hành trẻ không mới nhưng luôn là vấn đề quan tâm của cả xã hội. Cách đây 2 tháng, chuyện cô tát trẻ bầm má, tụ máu môi ở trường mầm non mang danh quốc tế Ecokids Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khiến dư luận bức xúc. Sự việc chưa lắng xuống, thì mới đây, tại cơ sở mầm non thuộc hệ thống Trường Mapple Bear tại Quảng Bá, Tây Hồ (Hà Nội) lại xảy ra sự việc cô giáo nhốt học sinh vào tủ quần áo để răn đe.
Ảnh minh họa
Điều đáng nói, những sự việc đau lòng xảy ra ở ngôi trường có mức học phí không nhỏ. Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là gì? Phải chăng đang tồn tại những lỗ hổng của quy trình tuyển dụng và đào tạo kỹ năng sư phạm của GV mầm non hay tình yêu thương con trẻ chưa đủ lớn?
Hiện nay, trong các trường sư phạm, GV mầm non chính quy được đào tạo đầy đủ về tâm lý học trẻ em. Ở các trường sư phạm đều có các trường thực hành mầm non. Sinh viên được thực hành, thực tập khá nhiều trước khi ra trường.
Các nguyên tắc ứng xử tình huống sư phạm cũng được đưa vào các chương trình dạy học để SV rèn luyện trong quá trình học tập. Trong khi đó, ở các trường quốc tế, GV còn được tập huấn định kỳ, được tiếp cận các phương pháp giáo dục trẻ hiện đại từ Montessori, Jean Piaget đến Reggio Emilia, Steiner, Shichida... Thế nhưng, hiện tượng bạo hành vẫn diễn ra ở những ngôi trường thu học phí cao.
Phân tích về nguyên nhân của bạo hành trẻ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, nguyên giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội từng chia sẻ, GV với tư cách là người chuyên nghiệp, khi làm việc với trẻ cần phải có kĩ năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Vì thế, không phụ thuộc vào việc học phí cao hay thấp, trường công hay trường tư, ở nơi nào mà hiệu trưởng, GV nhận thức được các vấn đề của giáo dục, GV sẽ trở thành người thầy cô tốt.
Sự cố đáng tiếc ở những ngôi trường khoác chiếc áo “cao cấp” cũng đặt ra vấn đề lỗ hổng của quy trình tuyển dụng GV. GV mầm non là những người có vai trò đặc biệt quan trọng, là một nghề rất đặc biệt trong việc nuôi dạy trẻ. Không chỉ dạy mà còn phải dỗ, phải chăm sóc và hơn hết phải làm nghề bằng một tình yêu trẻ vô điều kiện. Vì vậy trong quá trình tuyển dụng, các trường mầm non đề cao tình yêu trẻ. Nhưng dường như, tiêu chí này trong mỗi hồ sơ xin việc được xem xét đại khái nhất.
Một báo cáo của Bộ GD&ĐT năm 2018 nêu rõ: Yếu kém về chất lượng GV là nguyên nhân chính gây ra các vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở đào tạo mầm non.
Sự việc xảy ra ở Trường Maple Bear gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng GV trong các cơ sở mầm non. Việc nâng chuẩn GV mầm non cần phải được quan tâm hàng đầu trong các cơ sở GD.
GV mầm non không chỉ là người truyền đạt nhận thức mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Hành động, lời nói, hình ảnh cô sẽ đi theo trẻ suốt cả chặng đường đời. Nhưng để cảm được “quả ngọt” từ nghề, các cô phải chắt chiu từng niềm vui, nỗi buồn. Bởi muốn yêu thương thì phải có trí tuệ, có phương pháp đúng mới yêu thương đúng.
Trong một cuộc trò chuyện về an toàn trường học, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội chia sẻ, GV hiện nay có nhiều áp lực. Song dù căng thẳng đến mấy, GV cần phải biết kiềm chế. Ngay cả với mục đích nhốt trẻ là chỉ để răn đe chứ không phải trừng trị thì cũng không thể chấp nhận được. Kỹ năng kiềm chế cảm xúc là kỹ năng quan trọng của GV mầm non.
Bất kỳ nghề nào cũng cần có cái tâm, nhất là nghề nuôi dạy trẻ mầm non. Thực tế, những căng thẳng trên hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu GV được đào tạo bài bản, trong quá trình học tập được học các kỹ năng kiềm chế cảm xúc, thấu hiểu tâm sinh lý trẻ. Không nên đặt tương lai trẻ thơ nằm sau áp lực công việc. Nếu chưa đủ yêu thương, chưa thuần thục phương pháp sư phạm, chưa trang bị đủ kiến thức làm việc với trẻ, chưa hiểu hết những nhạy cảm của công việc, xin đừng làm nghề giáo.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hoc-ky-nang-kiem-che-cam-xuc-4029636-b.html