Học kỳ quân đội- Trải nghiệm để trưởng thành
Học kỳ quân đội là mô hình trải nghiệm trong quân ngũ do Tỉnh đoàn và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp thực hiện từ năm 2011 đến nay. Sau 2 năm gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, năm nay, chương trình Học kỳ quân đội tiếp tục được thực hiện.
Theo chị Phùng Thị Mỹ Hạnh- Phó Giám đốc Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh, sau khi nhận chủ trương của Quân khu 7 và Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh tỉnh, Tỉnh đoàn và Bộ CHQS tỉnh ban hành kế hoạch triển khai. Sau đó, chương trình được giao về cho Trung tâm trực tiếp trao đổi với Tiểu đoàn 14 (Trung đoàn 174) để chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự, nội dung huấn luyện.
Chương trình khung của Học kỳ quân đội gồm 40% về giáo dục quốc phòng, 40% giáo dục kỹ năng sống và 20% là các hoạt động bổ trợ.
“Năm nay, chương trình có thay đổi một chút để tạo sự hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu của phụ huynh. Cụ thể ở phần giáo dục quốc phòng, sau mỗi hoạt động sẽ có hoạt động hội thao, để các tiểu đội thi đua với nhau nhằm tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong tiểu đội và để các em ôn lại các bài học.
Về giáo dục kỹ năng, mỗi năm sẽ thay đổi theo xu hướng, phù hợp với nhu cầu của phụ huynh. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chương trình bổ sung chuyên đề “Giáo dục kỹ năng phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”. Và do thực tế có một số em gặp áp lực trong học tập, gia đình nên chúng tôi có chuyên đề “Giải tỏa áp lực tuổi mới lớn”- chị Mỹ Hạnh cho biết.
Tham gia Học kỳ quân đội năm 2022 có 100 em học sinh độ tuổi từ lớp 4 đến lớp 9, chia thành 8 tiểu đội được tham gia các hoạt động tại Tiểu đoàn 14 (xã Tân Phú, huyện Tân Châu).
Theo Đại úy Phạm Thành Nhân- Đại đội trưởng Đại đội 1 (Tiểu đoàn 14), trong 7 ngày tại đây, các em được học các kỹ năng sống trong tập thể, tính kỷ luật, tính cẩn thận, tỉ mỉ, tác phong nhanh nhẹn, rèn luyện thể lực. Ngoài ra, các bạn còn được học các tư thế vận động trên chiến trường để hiểu các chú bộ đội làm điều đó như thế nào.
Với nhiều bạn nhỏ, đây là chuyến xa nhà đầu tiên nên không khỏi những bỡ ngỡ, lúc nhớ nhà, hay bản tính rụt rè khiến các em chưa thể hòa đồng. Nhưng với sự tận tình của các anh tiểu đội trưởng, theo dõi sát từng diễn biến tâm lý và sự quan tâm của các bạn điều phối viên, dần dần, các em bắt đầu quen với nếp sống kỷ luật trong quân đội, cởi mở, hoạt bát hơn.
“Lần đầu tiên tham gia thấy bỡ ngỡ, do những quy định hơi khắt khe, nhưng dần em cũng quen. Em học được tính gọn gàng, dậy sớm, ăn đúng bữa. Và quan trọng là tập thể dục buổi sáng, hòa đồng cùng bạn bè. Sau 7 ngày, em thích sự nghiêm khắc này vì giúp em hoàn thiện bản thân hơn, em thấy mình cởi mở hơn, vui vẻ với bạn bè”- em Quách Đình Khôi chia sẻ.
Với em Nguyễn Anh Tuấn và Phan Ngọc Minh Châu, môi trường quân đội đã giúp các bạn ý thức hơn về vấn đề sức khỏe. “Ở nhà bình thường em rất làm biếng, suốt ngày chỉ nằm xem tivi, ít vận động. Vô đây em thấy rất vui, dù không có các phương tiện giải trí như ở nhà. Em nghĩ em sẽ thay đổi, về nhà em sẽ vận động nhiều hơn, không lười biếng như trước nữa”- Anh Tuấn nói.
Minh Châu chia sẻ: “Thường ở nhà em ngủ và dậy khá trễ, nhưng vô đây em biết cách chăm lo cho sức khỏe và cuộc sống của mình hơn bằng cách ngủ dậy sớm và ăn đều bữa. Em sẽ duy trì nếp sống này để bảo vệ sức khỏe của mình”.
Với mong muốn các em và ba mẹ hiểu nhau nhiều hơn, chương trình Học kỳ quân đội luôn duy trì tiết mục “Viết thư về gia đình”. Từ những lá thư, các em nhận ra tình yêu thương vô bờ bến của ba mẹ. Mà trước đây, vì chút bồng bột, trẻ con, các em đã không hiểu. Từ những lá thư, các em đã trưởng thành hơn, thấu hiểu hơn.
“Vào đêm thứ hai khi vào đây, em có nhận được lá thư của ba viết cho em. Em thực sự xúc động khi đọc thư của ba. Vì tối trước khi đi, em và mẹ có giận nhau. Lúc đó, mẹ và ba em làm về rất mệt, khi thấy em chưa chuẩn bị gì để ngày mai đi, mẹ đã la em.
Em thấy rất buồn nên sáng hôm sau, trên đường từ nhà ở thị xã Trảng Bàng đến điểm tập trung, hầu như em không nói chuyện nhiều với mẹ. Trong thư, ba em đã động viên em làm quen môi trường mới và nhắc nhở việc làm của em với mẹ.
Đêm đó ba rất mệt nhưng vẫn cố gắng viết thư cho em. Khi đọc thư của ba em đã hiểu ra. Em đã viết thư cảm ơn ba, và viết thư xin lỗi mẹ về những hành động em đối với mẹ. Trong thời gian ở đây, em đã hiểu hơn về những yêu thương, lo lắng của ba mẹ dành cho mình suốt thời gian qua”- Thái Dương tâm sự.
Với những người thực hiện chương trình, các anh chị luôn đi cùng những cảm xúc của các em, động viên, nhắc nhở, để giúp các em tận hưởng chương trình một cách tốt nhất, vui nhất, trọn vẹn nhất và cái được hơn hết là sự trưởng thành, vượt lên chính bản thân mình.
“Tham gia chương trình này, các phụ huynh mong muốn con em mình tự rèn luyện, tự lập, tự chăm sóc, biết yêu thương gia đình, cha mẹ và bạn bè. Và sau 7 ngày hoàn thành chương trình, khi trở về, chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh. Các em đã thay đổi nhiều hơn, đã biết nề nếp, yêu thương, phụ giúp ba mẹ. Với chúng tôi, đó là thành công của chương trình. Và khi các em vẫn còn nhớ đến anh chị điều phối viên, nhớ chương trình thì đó là hạnh phúc nhất của những người làm chương trình”- chị Mỹ Hạnh chia sẻ.
Được vào vai anh lính Cụ Hồ, được tìm hiểu công việc nguy hiểm, nhưng ý nghĩa của những chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, biết yêu thương và giúp đỡ, đoàn kết làm việc cùng nhau trong một tập thể... sẽ là những kỷ niệm và trải nghiệm tuyệt vời đối với các em. Học kỳ quân đội khép lại. Các bạn nhỏ chia tay nhau, hứa với nhau sẽ học thật tốt, sống tích cực hơn, trưởng thành hơn để không phụ lòng ba mẹ, các anh chị tiểu đội trưởng, điều phối viên.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hoc-ky-quan-doi-trai-nghiem-de-truong-thanh-a147586.html