Học lái xe ô tô ở Đồng Tháp có gì đặc biệt?
Các học viên lái xe ở Đồng Tháp khá ấn tượng với các chuyến tập chạy đường đèo dốc với sự bảo trợ tay lái của giáo viên hướng dẫn và được trải nghiệm nhiều loại xe.
Ấn tượng chạy đường đèo dốc
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, so với các tỉnh lân cận, công tác đào tạo lái xe ô tô ở tỉnh Đồng Tháp có nét riêng là tổ chức cho học viên chạy đường đèo dốc.
Ông Ngô Văn Pul, giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, để tổ chức cho học viên chạy đường đèo dốc, trung tâm hướng dẫn rất kỹ các phần học lái xe lúc chạy đường phức tạp, ban đêm và có tải.
"Khi đã có kỹ thuật lái và đủ thời gian làm quen với xe, việc chạy đèo sẽ mang đến cho học viên nhiều kinh nghiệm. Phần học chạy đèo mà trung tâm thực hiện nằm trong tổng số 810km chạy DAT theo quy định", ông Pul nói.
Ông Pul cho biết thêm, đã nhiều năm qua, khóa học nào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật giao thông tỉnh Đồng Tháp cũng tổ chức cho học viên chạy đèo với quãng đường dài từ TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) lên TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).
"Mỗi nhóm học thực hành lái xe sẽ có từ 3-5 học viên. Trong quãng đường từ Cao Lãnh lên Bảo Lộc, các học viên sẽ được chia ra chạy đều nhau, nhằm đảm bảo đủ số km của mỗi học viên", ông Pul chia sẻ.
Hơn hai tháng sau khi nhận bằng lái xe ô tô hạng B2, chị Nguyễn Ngọc Như Ý (30 tuổi, ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, trước khi đăng ký học lái xe ô tô, chị đã tham khảo nhiều người học trước đó.
"Cho đến bây giờ, điều tôi ấn tượng nhất khi học lái xe tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật giao thông tỉnh Đồng Tháp là phần chạy đèo. Bởi, mình chưa biết chạy xe ô tô, khi chạy đường khó sẽ giúp tôi vững vàng hơn khi xử lý tình huống", chị Ý nói.
Anh Nguyễn Đặng Bình (37 tuổi, ngụ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: "Khi học lái xe ô tô và được chạy đèo là kỷ niệm khó quên nhất. Vì lần đầu tôi ngồi sau vô lăng, điều khiển xe lên dốc, xuống dốc và nhiều khúc cua nguy hiểm.
Đồng thời, áp lực giao thông trong lúc chạy đèo với lượng lớn xe khách, xe tải cũng là kinh nghiệm để tôi có thể dễ dàng xử lý tình huống giao thông sau khi có bằng lái và tự lái xe".
Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo
Ông Lê Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay, đối với việc đào tạo lái xe mô tô, trung tâm tổ chức 25 đợt học và sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1, A2, với số lượng 7.800 học viên.
Riêng công tác đào tạo lái xe ô tô, trung tâm tổ chức tuyển sinh 11 khóa hạng B2, 10 khóa hạng C, hai khóa nâng hạng D và một khóa hạng B11, với số lượng 1.124 học viên.
Ông Hòa cho biết thêm: "Từ đây đến cuối năm, trung tâm phấn đấu tuyển sinh đào tạo các lớp lái xe ô tô đạt khoảng 1.220 học viên.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các quy định mới trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe theo Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải".
Cũng theo ông Hòa, cái khó trong công tác đào tạo lái xe hiện nay ngoài thiết bị chạy DAT đang được vận hành tại trung tâm bị lỗi vì tỷ lệ nhận diện khuôn mặt thấp.
Các trung tâm đào tạo bên ngoài còn sử dụng mạng xã hội đăng tải nhiều video lấy tên "Trung tâm Đào tạo lái xe ô tô Đồng Tháp" với mức giá học phí thấp, giảm giá, đào tạo không đúng theo quy định pháp luật…
Điều này dẫn đến người học lầm tưởng, gây hiểu nhầm làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín về công tác đào tạo lái xe của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật giao thông tỉnh Đồng Tháp.
"Để khắc phục tình trạng này, trung tâm sẽ tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo lái xe. Bên cạnh đó, trung tâm còn tích cực phối hợp các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn đến việc vận hành thiết bị chạy DAT.
Đồng thời, trung tâm cũng đã có đề xuất lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra và xử lý những trung tâm hoạt động đào tạo lái xe đang làm ảnh hưởng đến uy tín của trung tâm để xử lý theo quy định của pháp luật", ông Hòa chia sẻ.