Học lịch sử qua bài giảng điện tử
Là năm học đầu tiên phát động, Cuộc thi xây dựng video bài giảng dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình cấp tỉnh năm học 2021 - 2022 đã thu hút rất đông đảo các thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh tham gia. Trong số 511 giáo viên đoạt giải, cô giáo Hoàng Thị Thu Vân (trường THCS Sa Đéc, thị xã Phú Thọ) và cô giáo Hà Thị Thu Hường (trường THPT Minh Đài, huyện Tân Sơn) là hai giáo viên giảng dạy môn Lịch sử. Các cô tuy đến từ những mái trường khác nhau nhưng đều chung mong ước khơi gợi niềm yêu thích của học sinh với môn học tưởng chừng khô khan này.
Tiết dạy lịch sử bằng bài giảng điện tử tại lớp 8A, trường THCS Sa Đéc
Lật giở từng trang giáo án và xem bài giảng trực tuyến mà cô Hoàng Thị Thu Vân đã chuẩn bị trong nhiều ngày, chúng tôi dường như cảm nhận được tâm huyết thấm vào từng trang giấy. Kể từ khi được giao nhiệm vụ tham gia cuộc thi, cô Vân cảm thấy khá lo lắng và hồi hộp vì bản thân chưa đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Là một giáo viên trẻ, lại nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của ban giám hiệu và các đồng nghiệp đã trở thành động lực để cô xây dựng một bài giảng có chất lượng tốt. Cô Vân chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là xây dựng được bố cục video bài giảng hợp lý với đầy đủ các phần như mở đầu, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Bên cạnh đó, việc thiết kế các video lịch sử và các trò chơi học tập để minh họa kiến thức và tạo hứng thú cho học sinh cũng là điều hết sức quan trọng để bài giảng của giáo viên trở nên thu hút và hấp dẫn hơn”.
Cô giáo Hoàng Thị Thu Vân - giáo viên lịch sử trường THCS Sa Đéc, thị xã Phú Thọ đạt giải Nhất cấp THCS môn lịch sử
Việc ứng dụng các công cụ và kỹ thuật hiện đại vào bài giảng đặc biệt là môn lịch sử khiến môn học dường như khô khan này lại trở nên có sức hấp dẫn lạ kỳ. Nếu như theo cách giảng dạy truyền thống, lịch sử chỉ là những con số, dòng chữ, mốc sự kiện được viết lên bảng nhưng nay chúng biến thành những sơ đồ tư duy, hình ảnh sinh động minh họa cho một vương triều phong kiến, một trận đánh giữa quân ta và quân địch. Ánh nhìn chăm chú, đầy hứng khởi của học sinh đã tiếp thêm nguồn động lực cho những giáo viên lịch sử như cô Vân tiếp tục nghiên cứu để tạo ra các bài giảng video ấn tượng hơn. Em Nguyễn Mai Hương - học sinh lớp 8A, trường THCS Sa Đéc hào hứng cho biết: “Từ ngày cô giáo giảng bài bằng giáo án điện tử, em thấy tiết học lịch sử trở nên thú vị và sinh động hơn hẳn trước đây. Đây không hẳn chỉ là một tiết học mà chúng em được tham gia cuộc du hành quay ngược về quá khứ để tìm hiểu lịch sử loài người vậy”.
Các huyện miền núi, phong trào tham gia thiết kế bài giảng điện tử của các thầy cô giáo cũng rất sôi nổi. Tuy chưa giành được các giải cao nhưng tinh thần vượt khó, tâm huyết để học trò vùng khó khăn được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại là điều rất đáng khích lệ và tự hào. Cô Hà Thị Thu Hường (giáo viên môn Lịch sử trường THPT Minh Đài) là một trong hai giáo viên của huyện Tân Sơn đạt giải ba cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử. Sau thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, cô đã chọn bài phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam giai đoạn 1919-1925 là tiền để xây dựng video bài giảng cho mình.
Cô giáo Hà Thị Thu Hường đạt giải Ba môn lịch sử cấp THPT
Khác với chương trình lịch sử của cấp THCS, ở cấp THPT, ngoài việc minh họa bài giảng sao cho sinh động, thu hút, giáo viên phải lồng ghép nhiều đơn vị kiến thức phục vụ cho chương trình ôn thi THPT của các em học sinh. Điều khó khăn thử thách các cô giáo nhất không chỉ là giáo án hay kiến thức mà là công đoạn thiết kế các trang giáo án điện tử trên máy tính. Cô Hường chia sẻ: “Vì muốn chăm chút bài giảng kỹ lưỡng, chu đáo nhất, tôi đã lên mạng học hỏi thêm các kỹ năng và thao tác chỉnh sửa thiết kế một trang giáo án điện tử đẹp nhất. Bài giảng điện tử thật sự rất hữu ích cho học trò nhất là trong thời điểm học sinh phải tăng cường học online do dịch bệnh COVID - 19 như hiện nay”.
Tiết dạy lịch sử Việt Nam ở trường THPT Minh Đài, huyện Tân Sơn
Cuộc thi xây dựng video bài giảng dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình cấp tỉnh được tổ chức nhằm xây dựng kho học liệu số có chất lượng tốt để phục vụ công cuộc đổi mới nội dung phương pháp dạy học. Đồng thời, xây dựng môi trường học tập suốt đời, mang lại sự công bằng trong tiếp cận giáo dục với học sinh ở các vùng miền. Đội ngũ thầy và trò cũng được nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học. Dù là năm đầu tiên được tổ chức, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chọn ra 511 tác phẩm để trao các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích. Theo đánh của Sở Giáo dục và Đào tạo, các bài dự thi năm nay có chất lượng tốt, nội dung đến hình thức đều được đầu tư công phu, kỹ lưỡng. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng kho bài giảng điện tử của giáo dục tỉnh và sẽ được phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202202/hoc-lich-su-qua-bai-giang-dien-tu-182887