Học mà chơi, chơi mà học với hoạt động giáo dục tập thể
ĐBP - Sau ngày nghỉ cuối tuần thảnh thơi, nhiều người có tâm lý 'sợ' sáng thứ hai. Nhưng đối với học sinh Trường THCS Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ, thứ hai luôn được hào hứng mong chờ. Bởi sau màn chào cờ, nhận xét ngắn gọn của Ban Giám hiệu là các em sẽ hòa mình vào hoạt động giáo dục tập thể bổ ích, lý thú, sôi nổi do chính các lớp trong trường tổ chức. Cứ thế một tuần mới bắt đầu trong sự hứng khởi, tràn đầy năng lượng của cả thầy và trò nhà trường.
Tuần thứ 2 tháng 10 của các em học sinh Trường THCS Him bắt đầu với những tiếng cười giòn giã, nhờ tiểu phẩm hài mà ý nghĩa cùng những kiến thức thiết thực của giờ hoạt động giáo dục tập thể có chủ đề về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên do lớp 8C1 thực hiện. Mở đầu chương trình là vở kịch “Ðể con được là chính mình” với nhiều vấn đề, như: Trọng nam khinh nữ, kì thị giới tính thứ 3 và tình yêu tuổi học trò. Nội dung được các em dẫn dắt một cách nhẹ nhàng, dí dỏm, từ đó hướng học sinh và thầy cô vào chủ điểm chương trình. Tiếp sau đó là phần hỏi đáp nhận thưởng. Dưới sự trợ giúp của giáo viên Ban Tư vấn tâm lý học đường cùng một cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố, hai “MC” của lớp 8C1 đặt câu hỏi tương tác với các bạn học sinh liên quan đến những vấn đề mà tiểu phẩm đề cập đến. Trong đó đi sâu vào giáo dục giới tính, SKSS, đặc biệt là những điều mà ở độ tuổi các em gặp phải hoặc tò mò tìm hiểu, như: Thay đổi của cơ thể khi dậy thì, các biện pháp phòng tránh thai, nguy cơ nếu mang thai ở độ tuổi vị thành niên… Mặc dù quà cho câu trả lời đúng chỉ là chiếc bút bi nhưng những cánh tay giơ lên rất đông. Có những câu trả lời hồn nhiên, dù chưa chính xác nhưng vẫn được khích lệ, động viên. Sau mỗi câu hỏi, các “cố vấn” và MC sẽ đưa ra đáp án đúng nhất để cung cấp kiến thức đầy đủ cho toàn thể học sinh. Góp phần làm buổi giao lưu thêm sôi nổi còn có các tiết mục văn nghệ hát múa, nhảy do các em học sinh lớp 8C1 biểu diễn.
Trong thời gian 1 tiết học, tất cả các em đứng ra thực hiện chương trình và học sinh các lớp “khán giả” đều học hỏi được nhiều điều. Em Trần Tiến Ðạt, lớp 7B2 chia sẻ: “Em rất thích các giờ giáo dục tập thể bởi không gian sôi nổi, cởi mở, vừa được chơi vừa được học. Từ đầu năm học đến giờ, em thích nhất chủ điểm hôm nay, bởi nó là kiến thức cần thiết, gần gũi với chúng em”. Còn đối với em Bùi Trần Ðức Việt, lớp 8C1 - một trong hai bạn dẫn chương trình cho biết: “Trước đây em ít tham gia các hoạt động phong trào, ngại đứng trước đám đông. Nhờ các chương trình giáo dục tập thể như này, đặc biệt lớp em đã 3 lần dẫn dắt, thực hiện các chủ điểm giúp em trau dồi các kỹ năng mềm về dẫn chương trình, thuyết trình, giao tiếp và cả cách tra cứu, tìm hiểu các vấn đề trong cuộc sống. Từ đó em cảm thấy tự tin hơn.
Với học sinh, thời gian học chính khóa vẫn được ưu tiên hàng đầu vì vậy các hoạt động giáo dục tập thể không đòi hỏi sự dàn dựng công phu và không tiêu tốn nhiều thời gian của các em. Em Trần Hương Trà, Lớp trưởng lớp 8C1 cho biết: Ngay từ đầu năm học, chúng em đã được biết thời gian, chủ đề, chủ điểm tổ chức của lớp mình. Kịch bản chương trình đã được cô giáo Ban Tư vấn tâm lý học đường hướng dẫn xây dựng và nộp lên xin góp ý của Ban giám hiệu từ lâu. 3 ngày trước khi diễn ra hoạt động, chúng em mới tranh thủ thời gian cuối giờ học và ngày nghỉ tập luyện, chuẩn bị. Lớp em có 42 bạn, mỗi chương trình chúng em huy động 15 - 20 bạn tham gia từ diễn xuất, văn nghệ, dẫn chương trình đến hậu cần... Qua hoạt động này, các bạn trong lớp hiểu nhau hơn, có tinh thần tập thể cao và thêm đoàn kết, đồng thời cũng trở nên tự tin hơn.
Lần lượt mỗi tuần một lớp của Trường THCS Him Lam sẽ chịu trách nhiệm điều hành 1 hoạt động giáo dục tập thể dưới sự hướng dẫn, trợ giúp của giáo viên và cơ quan chuyên môn liên quan đến chủ đề, chủ điểm, như: An toàn giao thông, quy tắc ứng xử học đường, tình mẹ, tình thầy trò… Mọi đề tài, dù nhạy cảm hay khô khan đều được các em tổ chức thành công bằng hình thức sân khấu hóa, kết hợp trò chơi, giao lưu, đố vui… một cách vui vẻ, hài hước, không gượng ép. Hoạt động này được trường duy trì tổ chức từ năm học 2016 - 2017 nhằm giáo dục đạo đức, lý tưởng sống, kỹ năng mềm cho học sinh. Ðồng thời, qua các giờ giáo dục tập thể lồng ghép dạy học tích hợp, các em được tiếp cận nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực, môn học khác nhau một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Cô Cao Thị Ðại, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Không có học sinh nào kém cả. Em có thể yếu ở mảng kiến thức, kỹ năng này nhưng mạnh ở bộ môn khác, vấn đề là chúng ta có trao cho các em cơ hội phát huy thế mạnh bản thân hay không. Qua 4 năm thực hiện hoạt động giáo dục tập thể, chúng tôi thấy học sinh năng động, tự tin và có năng lực tổ chức, đề xuất tốt hơn. Khi được giao điều hành các chương trình, sự kiện thì hào hứng và chủ động. Ðồng thời thông qua hoạt động này thầy cô cũng được rèn luyện, trau dồi để có những bài giảng cùng khả năng dẫn dắt học sinh ngày càng thu hút, hiệu quả.