Học muộn vẫn đỗ Trạng nguyên, khẳng khái không sợ chết
Là vị Trạng nguyên đi học muộn nhất - Nguyễn Quốc Trinh không chỉ tạo ra những giai thoại hay mà còn để lại cho đời tấm gương về sự khảng khái.
17 tuổi mới đi học
Nguyễn Quốc Trinh (1624 - 1674) người làng Nguyệt Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Đại Áng, Thanh Trì - Hà Nội). Cuộc đời làm quan của ông nổi tiếng không chỉ bởi sự khảng khái, liêm khiết, mà còn khiến dân gian thương cảm nuối tiếc về cái chết giữa đám loạn quân.
Nguyệt Áng được biết đến là 1 trong 22 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước, đồng thời cũng là một làng cổ. Năm 1993 người dân đã đào được một mộ thuyền với nhiều đồ tùy táng, xác định niên đại cách ngày nay khoảng 2.400 - 2.500 năm (thuộc văn hóa Đông Sơn).
Theo các tư liệu thuộc dòng dòng họ Nguyễn làng Nguyệt Áng thì Nguyễn Quốc Trinh sinh ra trong gia đình nghèo khó lại mồ côi cha mẹ nên không được đi học, phải cùng em trai sang ở nhà anh rể. Đến năm 17 tuổi, Quốc Trinh vẫn không biết chữ nên cùng em là Nguyễn Đình Trụ đi tìm thầy ở làng bên để học.
Chị gái thấy hai em có chí học hành thì cố gắng tần tảo nuôi em ăn học. Là người sáng dạ nên Quốc Trinh học rất nhanh, văn chương sáng rọi. Ham học, nhưng Trinh cũng rất ham chơi. Một lần người chị vào nhà thầy đồ thăm em nhưng không thấy Quốc Trinh đâu, đi tìm thì thấy em đang thả diều ngoài đồng.
Người chị liền lôi em vào trình thầy. Thầy đồ nghiêm nghị nói: “Tội anh đáng đòn. Nhân tiện có chị anh sang đây, ta cũng muốn để gia đình biết được sức học của anh. Nay thầy ra một vế đối, nếu đối được thì tha, đối không được ta sẽ đuổi về luôn”.
Rồi thầy đọc câu đối: “Mê chơi chẳng học, quên lời chị”. Nguyễn Quốc Trinh liền đối ngay: “Thi đỗ cao khoa, nức tiếng thầy”. Câu đối khiến cả thầy lẫn chị gái đều vui vẻ, mừng rỡ.
Đến khoa thi năm 1656 thời vua Lê Thần Tông, Nguyễn Quốc Trinh cùng em trai dự thi. Năm ấy, khi đang làm bài thì Quốc Trinh gặp chỗ bí, nghĩ mãi không ra. Em trai ông ở lều bên có ý cho ông chép. Nhưng Nguyễn Quốc Trinh cho rằng: “Từ xưa đến nay chưa có người nào đi xin chữ mà có thể tranh Trạng nguyên. Năm nay đỗ đầu thuộc về em, anh khóa tới nêu tên trên bảng vàng cũng chưa muộn”.
Nói xong ông giả vờ bị ốm xin ra khỏi trường thi về nhà học tiếp. Khoa thi năm ấy, triều đình lấy 6 người đỗ Tiến sĩ gồm: Vũ Đăng Long, Lê Vinh, Vũ Trác Lạc, Hoàng Đức Đôn, Vũ Công Lương, Nguyễn Đình Trụ, trong đó Nguyễn Đình Trụ đỗ đầu. Nguyễn Quốc Trinh chúc mừng em sau đó ông về quê tiếp tục dùi mài kinh sử chờ khoa thi tới.
Bậc quân tử vàng ngọc
Ba năm sau, đến khoa thi năm Kỷ Hợi (1659), Nguyễn Quốc Trinh lại tham gia, và lần này ông đỗ Trạng nguyên, đúng như mục tiêu đã đặt ra, năm đó ông 35 tuổi. Do ngôi làng Nguyệt Áng quê ông có tên Nôm là làng Nguyệt nên dân gian gọi Nguyễn Quốc Trinh là Trạng Nguyệt (ông trạng làng Nguyệt).
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 2 (1659) do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận có đoạn như sau: “…Mùa hạ tháng 4 vào Điện thí. Ban cho bọn Nguyễn Quốc Trinh 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Mai Trọng Hòa 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Duy Chất 15 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ban áo mũ cân đai để y phục đẹp đẽ, cho dự yến Quỳnh Lâm để tỏ ơn trọng hậu, rồi cho cưỡi ngựa vinh quy về làng, nêu cao lòng sủng ái.
Bấy giờ khanh sĩ làm quan tại triều, ấn thao tua mũ san sát đầu hồi chính điện; có người cầm ấn phù tiết việt đi trấn giữ một phương, nườm nượp răm rắp, trong ngoài gắng gỏi, đều là những người thi đỗ trong khoa này. Nhân tài như thế, há chẳng là thịnh hay sao!...
Hoàng thiên mến giúp nước nhà tất sinh hiền tài để phò tá, bậc nhân quân cầu vời người giỏi ắt phải tìm chọn trong chốn khoa trường. Nếu sự tuyển chọn có phương, thu nạp kiếm tìm có hướng, thì trăm nghìn tài tuấn đều thuộc quyền vua sai, nguyện đem tài trí mưu mô giúp vua trị nước, đưa thế đạo ngang đời Đường Ngu cũng không phải là chuyện khó…
Nhất là ngày nay mưu lược lớn lao, thi triển rộng lớn, hiến chương chế độ rõ ràng, tưởng nhớ các bậc anh hiền xưa trợ giúp; bèn sai đem họ tên những người thi đỗ khoa này khắc lên bia đá tốt để phát dương hương thơm trung nghĩa ở chốn cửu tuyền, để lại cho đời sau gương soi trong việc chọn hiền, thật là nhân hậu xiết bao!
Hãy lấy sự nghiệp của các nhân tài thi đỗ khoa này mà xem: có người cứng cỏi dám nói, khảng khái đứng giữa triều, nghị bàn xác đáng, gian khó không nề, đáng gọi là bậc Trạng nguyên trung hiếu.
Có người văn học uyên bác, làm khuôn mẫu cho đời, học trò kính ngưỡng như Thái Sơn, Bắc Đẩu, mà cũng được sự hâm mộ ở mọi người, đáng gọi là bậc quân tử vàng ngọc. Có người đi sứ xướng họa thơ văn mà làm cho uy thế của nước nhà thêm trọng. Có người ở dinh Ngự sử mà kẻ gian nịnh phải rét lòng, thật cũng có ích thay!
Nếu không được như thế, tức là chỉ ngồi không, coi việc giữ tước lộc chức vị là cao, coi xảo trá giả dối là trí, chạy theo dục vọng mà không theo đạo đức, bỏ thực chất mà theo hư danh, như thế thì hình tích đã chẳng còn, mà công luận không sao cho thoát, há chẳng đáng khinh bỉ lắm thay! Đủ biết bia đá này dựng lên, ý khích lệ thật rất sâu sắc, ý khuyên răn cũng thật rất đến chốn, đáng bổ ích cho thế đạo, há chỉ là đặt dựng suông đâu…”.
Danh thần khẳng khái
Tháng 3 âm lịch năm Cảnh Trị thứ 2 (1664) thời vua Lê Huyền Tông, Nguyễn Quốc Trinh được bổ nhiệm làm Hình bộ Hữu thị lang. Năm Đinh Mùi (1667), Nguyễn Quốc Trinh được cử làm chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Thanh.
Khi Quốc Trinh tới nơi thì sứ thần của Cao Ly cũng đến. Hoàng đế Khang Hy muốn thử tài liền sai mang thẻ tre đến rồi nói sứ thần 2 nước viết tên 100 danh thần trong lịch sử Trung Hoa.
Trong khi sứ thần Cao Ly chăm chú mài mực viết thì Nguyễn Quốc Trinh vẫn bình thản chẳng động tay chân. Nhiều người có ý hối thúc thì ông chỉ cười bảo rằng “không có gì phải vội cả, tôi chỉ viết một loáng là xong ngay”.
Khi thời gian sắp hết, Nguyễn Quốc Trinh mới viết 2 câu lên thẻ tre rồi đem nộp lên. Các quan đều kinh ngạc không hiểu ông làm gì. Hoàng đế xem thẻ tre của Nguyễn Quốc Trinh thì thấy ghi như sau: “Khổng môn thất thập nhị hiền/ Vân Đài nhị thập bát tướng” (nghĩa là: Cửa Khổng có bảy mươi hai người hiền/ Vân Đài ghi tên hai mươi tám tướng giỏi).
Theo điển tích thì học trò nổi tiếng tài giỏi của Khổng Tử có 72 người. “Vân Đài” là Đài được xây dựng thời Hán Vũ Đế, có khắc tên 28 danh tướng triều Hán. Tổng cộng là đủ 100 danh thần. Vua Khang Hy tấm tắc khen ngợi sứ thần Đại Việt và nói rằng: “Sứ thần nước Nam rất xứng đáng là Lưỡng quốc danh thần”.
Nhờ vậy, Nguyễn Quốc Trinh đã đàm phán thành công với nhà Thanh cho gộp hai kỳ tiến cống (3 năm một kỳ) làm một, giảm được phần lớn sự tốn kém cho triều đình và nỗi vất vả cho các đoàn sứ bộ.
Về sau, Nguyễn Quốc Trinh làm quan đến Bồi tụng. Ông là người được chúa Trịnh Tạc tin tưởng, nhưng cũng là người dám nói những điều phải trái của chúa trước triều. Khi chúa Trịnh Tạc muốn biết lòng người có phục hay không đã sai người làm một đài ở Thăng Long đặt tên là đài Thu Thiên.
Dân gian kể lại rằng khi đài đang được xây, chúa cùng các quan đại thần cùng đến xem. Nhìn quy mô bề thế của đài, chúa quay lại hỏi các đại thần xem ý thấy thế nào. Nào ngờ Quốc Trinh nói rằng: “Khải chúa thượng, việc xây đài dựng cột, làm thế nào chẳng được, nhưng như thế này khiến lòng thiên hạ không vui đâu”.
Chúa giận tái mặt hỏi lại: “Thiên hạ trăm nghìn người, mỗi người một ý, một mình ông làm sao biết được trăm nghìn bụng?”. Nguyễn Quốc Trinh bình thản đáp: “Thiên hạ là tôi đây, lòng tôi không vui thì biết lòng thiên hạ”. Chúa nghe vậy thì không nói gì. Tối hôm đó trời nổi mưa gió, sét đánh gãy mấy cột đài. Chúa cho rằng đó là điềm gở, không cho dựng tiếp nữa.
Cuối thời Lê - Trịnh, quân lính người gốc Thanh Nghệ, phần lớn là quê ở ba phủ Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia (nên còn gọi là lính tam phủ) được coi là thân binh hay ưu binh, nhất binh.
Theo “Việt sử tân biên” thì họ “được vua chúa tin dùng làm quân túc vệ bởi họ đã đóng góp nhiều công lao. Chính vì có công lớn, lại được vua chúa nuông chiều, nên họ sinh ra thói kiêu căng, xem thường luật vua phép nước. Cho nên dân chúng thời bấy giờ gọi họ là kiêu binh”.
Là người nổi tiếng khảng khái, Nguyễn Quốc Trinh bàn mưu cùng một số đại thần tìm cách kìm hãm kiêu binh nhưng bị chúng biết được nên ra tay giết hại.
“Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” và chú giải văn bia số 41 Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: Tháng 5 (1674) quân Tam phủ cậy công, sinh ra kiêu ngạo phóng túng, Nguyễn Quốc Trinh và Phạm Công Trứ bàn cách hạn chế bớt đi, vì thế binh lính không bằng lòng... đón đường giết Quốc Trinh, rồi đến cướp nhà Công Trứ.
Chúa Trịnh sau bắt giết ba người đứng đầu nổi loạn để tế Quốc Trinh, lại truy tặng Quốc Trinh chức Thượng thư bộ Binh, tước Trì quận công, cho tên thụy là Cương Trung. Quốc Trinh khi làm quan ở triều, khảng khái dám nói điều phải điều trái, nay chết ở trong tay loạn quân, nên người ta đều thương tiếc”.