Học nghề- Cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

PTĐT - Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cẩm Khê đặc biệt quan tâm, chú trọng; từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của địa phương.

Để công tác đào tạo nghề phát huy được hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND huyện Cẩm Khê đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động đồng thời gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng xã trên địa bàn, qua đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong chính quyền và người dân. Qua mỗi năm, số lượng lao động được đào tạo nghề trên địa bàn huyện ngày càng tăng, trong đó có cả những lao động được gửi đi đào tạo trong và ngoài tỉnh theo các chương trình, dự án về nông nghiệp. Riêng trong năm 2019, huyện đã tổ chức 3 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với hơn 100 học viên tham gia và được cấp chứng chỉ nghề. Các lớp đào tạo nghề được mở trên cơ sở bám sát nhu cầu thực tế của lao động nông thôn và tình hình phát triển kinh tế ở từng địa phương, chủ yếu tập trung vào nhóm nghề đào tạo về nông nghiệp (chăn nuôi thú y; trồng lúa, ngô năng suất cao, nuôi lợn thương phẩm; nuôi và phòng trị bệnh cho cá nước ngọt và nhóm nghề phi nông nghiệp (điện dân dụng và may mặc).

Thực tế cho thấy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả thiết thực, người học nghề đã tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực được đào tạo; giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống. Lao động nông thôn tham gia học nghề đều có việc làm hoặc tự tạo việc làm, trong đó nhiều hộ thoát nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định và từng bước có tích lũy. Kết quả đó đã góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất của lao động nông thôn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tuy Lộc là xã miền núi nằm ở phía Tây của huyện, địa bàn có 2 làng nghề truyền thống là cá chép đỏ Thủy Trầm và mộc Dư Ba. Nhiều năm về trước, Tuy Lộc là địa bàn có nhiều dự án mở rộng đường giao thông (dự án quốc lộ 32C, đường 98, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai), nhiều hộ nằm trong diện thu hồi, đất sản xuất, canh tác bị thu hẹp… Trước tình hình đó, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên, phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các lĩnh vực: Chăn nuôi thú y, nuôi cá và phòng chữa bệnh cá nước ngọt, nghề mộc… Thông qua các lớp học đã giúp cho học viên nâng cao được kiến thức và biết áp dụng tiến bộ khoa học vào lĩnh vực phát triển kinh tế hộ gia đình; đồng thời tuyên truyền rộng rãi cho các hộ khác cùng thực hiện và áp dụng; xây dựng, mở rộng, phát triển nhiều mô hình…

Ông Bùi Văn Chữ - Trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, cho biết: “Nghề nuôi cá đã có ở Thủy Trầm mấy chục năm nay, hiện làng nghề có hơn 360 hộ tham gia với khoảng hơn 700 lao động, doanh thu hàng năm đạt 70- 80 tỷ đồng. Quá trình nuôi các hộ cũng đúc rút, tích lũy được nhiều kinh nghiệm; đồng thời thông qua các lớp đào tạo do UBND huyện, xã tổ chức đã giúp bà con biết cách phòng ngừa, xử lý tốt môi trường ao nuôi theo đúng quy trình trước khi xuống giống từ đó hạn chế dịch bệnh; ngoài ra, người nuôi cá còn được nâng cao, trang bị thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật mới. Hiện tại, bên cạnh việc sản xuất cá chép đỏ phục vụ ngày Ông Công, ông Táo về trời (23 tháng chạp), cá giống theo vụ chính (tháng 4, 5), nhiều hộ trong làng nghề đã tiếp cận được kỹ thuật nuôi cá giống vượt đông, phục vụ những hộ có nhu cầu xuống giống sớm, qua đó gia tăng sản lượng tiêu thụ cá giống và mang lại giá trị, thu nhập cho người nuôi”. Cùng với sự phát triển của nghề cá, làng nghề mộc Dư Ba trên địa bàn xã Tuy Lộc ngày càng mở rộng quy mô, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Hiện xã có gần 3.700 lao động có việc làm ổn định, tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất tại địa phương, công ty, doanh nghiệp, đạt gần 94% trên tổng số 3.900 người trong độ tuổi lao động; nhờ đó thu nhập bình quân khoảng 34 triệu đồng/người/năm.Đánh giá về hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Trần Thị Thu Hưởng -Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp để từng bước khắc phục hạn chế trong sản xuất, giúp người dân tiếp cận, thay thế nhiều tập quán canh tác cũ bằng các kỹ thuật mới và là “chìa khóa” để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; từng bước thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đảm bảo an ninh lương thực và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu… góp phần tăng năng suất, thu nhập cho người dân các địa phương; dần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện. Cùng với việc dạy các nghề nông nghiệp, thời gian gần đây, trước nhu cầu của thị trường việc làm và đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo nghề của các công ty, doanh nghiệp, huyện Cẩm Khê đã chú trọng từng bước điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng ngành nghề mới như: May công nghiệp, cơ khí... Hằng năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện, các địa phương đã tổ chức nhiều lớp may công nghiệp, cung cấp lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp may mặc tại Cụm công nghiệp của huyện cũng như các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập ổn định từ 4 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, nhiều lao động sau khi được đào tạo còn mạnh dạn đầu tư mở các xưởng may gia công, doanh nghiệp ngay tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn…Có thể khẳng định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã và đang phát huy tính hiệu quả. Tuy vậy, những năm qua dưới sự tác động của các yếu tố biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giá cả thị trường… trong lĩnh vực nông nghiệp đã gây tác động không nhỏ đến tâm lý đăng ký học nghề của lao động nông thôn; ngoài ra, tập quán canh tác, chăn nuôi của nông dân còn lạc hậu, việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng nghề còn hạn chế; phát triển sản xuất theo quy mô lớn thực sự là một trở ngại do việc vay vốn và quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp khó khăn nên khả năng nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất mới bị hạn chế… đó là những yếu tố cản trở công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Cẩm Khê. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để nông dân tự giác tham gia học nghề; phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và chính quyền các cấp nhất là Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong việc tổ chức thực hiện các nội dung của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xác định đúng nhu cầu học nghề của người dân, gắn đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường sử dụng lao động và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, chú trọng vấn đề giải quyết việc làm sau học nghề, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người nông dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương…

Huy Công

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202005/hoc-nghe-co-hoi-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-170646