Học phí đại học chưa đủ bù chi phí đào tạo?

Năm 2024, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều công bố tăng học phí. Theo đó, mức học phí thấp nhất là 12 triệu đồng, trung bình là 20 - 30 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, mức học phí đại học ở nước ta vẫn được cho là chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo.

Khó cân đối nguồn thu

Theo quy định, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành. Đến năm học 2026 - 2027, mức trần tăng lên 1,7 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...) được thu tối đa gấp 2 - 2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4 - 6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023 - 2024. Đến năm 2026, mức này là 3,4 - 8,75 triệu đồng/tháng.

Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.

Học phí đại học ở Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Học phí đại học ở Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Lộ trình tăng học phí trên đã được lùi một năm so với Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trước đó, nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, học phí đại học được giữ ổn định, không tăng trong 3 năm.

Tại hội nghị giáo dục đại học vừa diễn ra, Bộ GD&ĐT cho biết: lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bởi khung và mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo.

Bên cạnh đó, lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024 dẫn đến quỹ tiền lương của các đơn vị tăng cao. Điều này khiến các trường khó cân đối nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.

Về vấn đề này, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: tính từ tháng 7 đến hết năm 2024, trường cần chi thêm khoảng 12 tỷ đồng tiền lương cho giảng viên do tăng lương cơ sở. Cùng với đó, nhà trường vẫn phải tiếp tục đầu tư cho cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, thực hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Để cân đối thu - chi, trường tìm giải pháp quản trị hiệu quả, tiết kiệm chi phí hoạt động. “Trong bối cảnh học phí vẫn là nguồn thu chính của các đại học, mức thu quá thấp sẽ khiến các trường gặp vô vàn khó khăn...” - GS.TS Chử Đức Trình nói.

Cùng nhau vượt qua khó khăn

Thấu hiểu và chia sẻ về những khó khăn, thách thức của giáo dục đại học, trong đó có vấn đề học phí, chi phí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: thời gian qua, các cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn của hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và khó khăn từ hậu Covid-19.

Các cơ sở giáo dục đại học đã cố gắng vượt khó, tạo niềm tin với xã hội, người học.

Các cơ sở giáo dục đại học đã cố gắng vượt khó, tạo niềm tin với xã hội, người học.

Trong bối cảnh các nguồn hỗ trợ từ kinh phí Nhà nước giảm dần, sức chi trả của người dân và doanh nghiệp giảm sút, các cơ sở giáo dục đại học đã cố gắng cao độ, đạt được nhiều kết quả, tạo thêm niềm tin với xã hội, người học.

Tuy nhiên, trong giai đoạn nhiều khó khăn này, Bộ trưởng mong rằng, từ Bộ GD&ĐT, các đơn vị, cho đến cơ sở giáo dục cùng vượt qua và tự mình vượt lên thách thức để đạt tới mục tiêu chất lượng.

"Chúng ta trải qua một giai đoạn triển khai tự chủ đại học, từ thí điểm đến diện rộng. Tự chủ làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục đại học, nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đồng thời với đó, bên trong hệ thống cần gia tăng một số “tự”: tự kiểm soát; tự điều tiết; tinh thần tự lực tự cường; tự biết mình ở đâu để tự soi, tự sửa, tự tin hơn để hành động; tự mình từng ngày làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoc-phi-dai-hoc-chua-du-bu-chi-phi-dao-tao.html