Học phí đại học có tác động rất lớn đến đảm bảo chất lượng đầu ra
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương, mức học phí có ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng đào tạo. Các Trường không thể tạo điều kiện đào tạo tốt nhất nếu như mức chi cho công tác đào tạo ít.
Học phí đại học trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Đặc biệt, xu hướng học phí đại học tăng trong nhiều năm qua. Việc này, ảnh hưởng lớn đến quyền tiếp cận giáo dục đại học của nhiều con em ở nông thôn, vùng khó khăn.
Để có những lý giải rõ ràng hơn về nguyên nhân và tác động của xu thế tăng học phí, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương ( Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Cần Thơ) – ông hiện là Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ.
ĐBQH Nguyễn Thanh Phương, Đoàn Cần Thơ (ảnh TL).
Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường Đại học
Theo ông, hiện nay học phí đóng vai trò như thế nào đối với hoạt động của các trường đại học? Mối quan hệ giữa học phí và chất lượng đào tạo hiện nay ra sao? Việc nhiều trường tự chủ tăng học phí nguyên nhân là gì?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương: Trong điều kiện hiện nay thì học phí đóng vai trò là nguồn lực tài chính để vận hành trường đại học. Tỉ trọng nguồn lực tài chính từ học phí hiện chiếm hơn 50% thậm chí đến 70% trong tổng ngân sách của nhà trường tùy theo mức độ tự chủ và nguồn thu của các Trường.
Các nguồn thu từ các hoạt động khác của nhiều Trường không nhiều, đặc biệt là việc khai thác cơ sở vật chất để tạo nguồn thu đang bị giới hạn bởi Luật sử dụng tài sản công và Nghị định của Luật này.
Theo quy định thì học phí được chi cho tạo quỹ lương là 40%, học bổng 8%, nghiên cứu khoa học và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ 8%, và phần còn lại dưới 50% là chi giờ giảng cho giảng viên và chi trực tiếp cho công tác đào tạo (thực hành, thực tập, phát triển cơ sở vật chất,…) và các hoạt động khác của trường.
Thực tế phần chi trực tiếp cho công tác đào tạo sinh viên dưới 15% tổng học phí. Như vậy, dễ thấy mức học phí có ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng đào tạo, các Trường không thể tạo điều kiện đào tạo tốt nhất nếu như mức chi cho công tác đào tạo ít và cơ sở vật chất kém.
Tất nhiên, một số Trường có thể có các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động đào tạo từ dự án, đề tài, hợp đồng,… nhưng vẫn không ổn định và cơ bản cho nâng cao và giữ vững chất lượng đào tạo.
Bên cạnh, nếu nhìn ra thế giới chúng ta dễ thấy trường chất lượng cao (trường danh giá, xếp hạng cao) bao giờ cũng có học phí cao, trong khi chúng ta thì ngược lại, học phí có quy định trần, thấp mà muốn chất lượng đào tạo phải cao, phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trường xếp hạng cao?.
Theo tôi, các Trường tự chủ tăng học phí là cũng dễ hiểu vì họ phải đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của nhà trường, tăng chi cho nâng cao chất lượng đào tạo và các hoạt động học thuật (nghiên cứu khoa học).
Chất lượng trường cao thì thu hút nhiều người học, nghiên cứu khoa học mạnh, thu hút được được nhiều hợp tác,… tiếp tục phát triển hơn.
Trần học phí thấp sẽ khó nâng cao chất lượng đào tạo
Theo ông, chính sách học phí đại học hiện nay có gì bất cập? Trong chính sách học phí, theo ông cần có quy định như thế nào cho phù hợp. Vừa đảm bảo quyền lợi người học, lại đảm bảo được hoạt động của nhà trường?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương: Khi nói đến chính sách học phí đại học chắc có nhiều vấn đề hơn là mức học phí, ngoài việc người học chi trả thì còn những hỗ trợ hay chính sách khác của nhà nước cho người học.
Tôi cho rằng chính sách học phí đang có những thay đổi khá tích cực, trong đó có việc hỗ trợ học phí cho ngành sư phạm, cho người ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân tộc,… và mức học phí căn cứ vào mức độ tự chủ của Trường (theo 4 nhóm của Nghị định 60/2021/NĐ-CP).
Theo tôi, bất cập lớn nhất trong chính sách học phí đó là mức trần học phí quá thấp, không sát với thực tiễn và ngân sách của các Trường, từ đó các Trường gặp phó khăn nên không thể nâng việc chi trả cho công tác đào tạo tốt nhất để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động học thuật.
Theo tôi, về chính sách học phí, không nên quy định mức trần học phí đối với các trường tự chủ hoàn toàn (nhóm 1);
Có mức trần học phí rộng cho các trường thuộc nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) và nhóm tự đảm bảo 1 phần chi thường xuyên (nhóm 3) vì hai nhóm này vẫn còn sự đầu tư của Nhà nước để có sự khác biệt với nhóm 1 là tự chủ hoàn toàn.
Tôi nghĩ trường nào cũng sẽ tính toán thu ở mức nào vừa phù hợp với mức chi trả của người học, vừa đảm bảo hoạt động nhất là công tác tuyển sinh, chứ không phải lúc nào cũng thu cao.
Tôi hiểu nhiều người học hiện có đủ thông tin để quyết định học trường nào tùy vào chất lượng và khả năng chi trả của họ. Khi không có trần hay có trần học phí rộng thì điều kiện cần quan tâm là phải công khai mức chi trả cho hoạt động đào tạo, học thuật và các chính sách hỗ trợ cho người học để đảm bảo quyền lợi người học.
Ngoài ra, nhà nước cần có chương trình/chính sách học bổng quốc gia và khuyến khích các Trường có chương trình/chính sách học bổng cấp Trường hàng năm (học bổng toàn phần hay bán phần của toàn khóa học) để các học sinh/sinh viên giỏi có thể xin tài trợ và an tâm học tập tốt, trở thành người giỏi.