Học phí đại học tăng cao: Đừng để gánh nặng dồn lên vai người học
Năm học mới 2023 - 2024, Chính phủ cho phép các trường đại học (ĐH) thực hiện lộ trình tăng học phí (HP) theo Nghị định (NĐ) 81. Thực tế HP đã tăng từ năm học 2022 - 2023, có trường tăng kịch trần. Tăng học phí ĐH là cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo, nhưng tăng bao nhiêu để không làm giảm cơ hội học tập của các đối tượng chính sách (CS), học sinh (HS) nghèo học giỏi, người yếu thế... là vấn đề đang được quan tâm.
Học phí ĐH đã tăng từ năm học 2022 - 2023
Chính phủ vừa đồng ý phương án các trường ĐH thực hiện lộ trình tăng HP phù hợp theo NĐ81.
Nghị định này cho phép từ năm học 2022 - 2023, các cơ sở giáo dục (GD) công lập (CL) được tăng HP theo lộ trình, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu giữ ổn định HP trong 2 năm học vừa qua.
Năm học mới 2023 - 2024, Chính phủ chấp nhận tăng HP và yêu cầu đối với giáo dục đại học (GDĐH), GD nghề nghiệp tăng theo lộ trình thích hợp. Trong đó, sớm áp dụng chính sách HP theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng GDĐH, nghề nghiệp. Làm sao tăng HP nhưng không làm giảm cơ hội vào ĐH, nhất là ĐH chất lượng cao với các đối tượng CS, HS nghèo học giỏi, người yếu thế...
Nếu thu HP theo NĐ81, từ năm học 2023 - 2024 học phí ĐH công lập sẽ tăng với tất cả các loại hình. Trường CL chưa tự chủ tăng dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng; các trường CL tự bảo đảm chi thường xuyên được thu 24 - 49 triệu đồng/năm, trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30 triệu đến hơn 61 triệu đồng/năm. Dự kiến tăng HP trong năm học tới với mức phổ biến khoảng 10 - 15% so với hiện tại, có những ngành ở một số trường, HP có thể lên tới 70 - 96 triệu đồng.
Ngay sau khi Chính phủ thông qua phương án tăng HP như trên, ngày 12/5 ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM là trường đầu tiên công bố mức thu HP năm học tới dao động 13 - 60 triệu đồng, tăng khoảng 10% ở nhiều ngành học so với hiện nay.
Thực tế, đầu năm học 2022 - 2023 dù Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã kiến nghị lùi áp dụng khung HP mới theo khung của NĐ81 thêm 1 năm nhưng hàng loạt trường ĐH công lập tự chủ (CLTC) và ngoài CL đã tăng HP. Trường ĐH chưa bảo đảm chi thường xuyên tăng khoảng 15% so với mức thu của năm 2021 - 2022; với đại học CLTC, tùy mức độ, HP tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trần của trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên; ngoài ra cũng có trường đã tăng HP kịch trần. Năm học 2022 - 2023, ĐH Luật TPHCM thu HP các ngành đều tăng khá cao, như hệ chất lượng cao ngành Quản trị luật - kinh doanh, HP lên đến hơn 74 triệu đồng/năm... Trường ĐH Kinh tế TPHCM, bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, HP cũng được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm, tăng khoảng 10,75 triệu đồng so với năm học trước.
Mức tăng của các trường ĐH công lập đã kéo theo HP các trường ngoài CL tăng theo, từ khoảng 10% trở lên.
Tăng học phí nhưng phải phù hợp
Việc tăng HP năm học 2023 - 2024 cũng là lộ trình theo NĐ81, với mục đích gỡ khó cho các trường trong cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục (GD) trong điều kiện đầu tư hạn chế, ngân sách (NS) chi thường xuyên bị cắt giảm hàng năm.
Vấn đề đặt ra là tăng HP như thế nào và các CS để bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận GDĐH cho người học, đặc biệt với các gia đình nghèo, gặp khó khăn ở vùng sâu vùng xa, là điều cần phải tính.
Việc tăng HP kịch trần của các trường ĐH tự chủ theo NĐ81 là 2 mặt của 1 vấn đề nhạy cảm xã hội (XH), vì HP ngoài việc bảo đảm nguồn chi trên đầu sinh viên (SV) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, còn phải phù hợp với thu nhập của người dân. Trong khi đó, không phải trường ĐH tự chủ là cắt hết kinh phí, mà Nhà nước vẫn phải đầu tư cho phát triển, cho bảo đảm chất lượng đào tạo... Vì vậy, không để việc tăng HP gây tác động XH, làm khổ SV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 15/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 176/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp liên quan đến HP và sách giáo khoa cho năm học mới. Đối với HP giáo dục ĐH, GD nghề nghiệp, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách HP theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng GDĐH, nghề nghiệp. Bên cạnh đó, triển khai cơ chế, CS hỗ trợ phù hợp, bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho SV; cơ chế đặt hàng nhân lực của các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp... để không làm giảm cơ hội vào ĐH, nhất là ĐH chất lượng cao với các đối tượng CS, HS nghèo học giỏi, người yếu thế...
Yêu cầu của Chính phủ phù hợp với Luật GDĐH (sửa đổi 2018), có quy định Nhà nước phải cấp học bổng cho SV, đặt hàng đào tạo và những SV giỏi, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ... Luật cũng quy định Nhà nước có trách nhiệm với GDĐH, thể hiện qua sự đầu tư của Nhà nước cho GDĐH, ngoài đầu tư của gia đình người học và từ nguồn XH hóa.
Nguy cơ bất bình đẳng
Trong một báo cáo tại hội thảo về tự chủ ĐH vừa được tổ chức, do nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, đã chỉ ra những bất ổn của hệ thống GDĐH của Việt Nam (VN) hiện nay.
Báo cáo cho rằng GDĐH Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong một số lĩnh vực, đặc biệt với những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quản trị ĐH, tự chủ, trách nhiệm giải trình và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Tuy nhiên, nhóm này cũng cho rằng trong 20 năm qua GDĐH Việt Nam đã đạt một số thành tựu nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với những kết quả nổi bật về tăng trưởng kinh tế, công bằng và phát triển con người.
Theo báo cáo này, về khía cạnh bình đẳng trong tiếp cận GDĐH vẫn còn thiếu vắng CS hỗ trợ tài chính (TC) và phi TC toàn diện cho các nhóm yếu thế (nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật, đối tượng có khó khăn đặc thù). Các công cụ hỗ trợ TC hiện có (học bổng, miễn/giảm học phí và cho SV vay) cùng các ưu đãi phi TC (như cử tuyển với HS dân tộc thiểu số và miền núi) chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Nên tăng tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học
Nhóm nghiên cứu của WB đưa ra 4 khuyến nghị liên quan tới nội dung chi NSNN cho GDĐH ở VN.
Theo đó, VN cần điều chỉnh luật, quy định, CS liên quan tới TCTC và trách nhiệm giải trình của trường ĐH. Tránh đồng nhất TCTC với "tự lực cánh sinh" mà phải có hỗ trợ từ NSNN; tăng đầu tư, với tỷ trọng NSNN chi cho GDĐH nâng từ mức 0,23% lên ít nhất 0,8% - 1% GDP trước năm 2030; tăng đầu tư từ NSNN cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các trường ĐH tương xứng với tỷ trọng nhân lực và tiềm năng nghiên cứu (mức đề xuất là nâng từ mức 13 - 18% hiện tại lên tối thiểu 30% trước năm 2026).
Theo thống kê của nhóm này, số lượng SV, HS thụ hưởng khoản vay tín dụng học tập đang giảm dần, từ 2,4 triệu HS, SV năm 2011 xuống 725.000 HS, SV năm 2017 và chỉ còn 37.000 trong năm 2021. Một điều tra do Bộ GD-ĐT và WB nghiên cứu cho thấy, dưới 15% HS và phụ huynh (PH) học sinh trung học phổ thông gặp rào cản TC cân nhắc sử dụng tín dụng SV trong trường hợp học phí ĐH cao hơn khả năng chi trả. Với phương án đi vay để học, các PH sẽ ưu tiên vay của người thân hơn là sử dụng tín dụng SV.
Cũng theo nhóm nghiên cứu trên, nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề xuất phát từ chính sách tự chủ tài chính (TCTC), đồng nhất TCTC với việc cắt giảm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) đối với các trường ĐH công và tăng cường chia sẻ chi phí. Ở VN tồn tại quan niệm chưa đúng "XH hóa GDĐH", trong khi các trường chủ yếu dựa vào HP và những khoản đóng góp từ hộ gia đình.
Quan điểm TCTC trong GDĐH là cần hiểu đúng về "XH hóa GDĐH", không thể để chi phí đào tạo tính hết vào HP. Ngân sách nhà nước vẫn đầu tư vào GDĐH, HP chỉ là phần đóng góp thêm của XH.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ GD chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) - cũng nêu quan điểm rằng, thực hiện tự chủ ĐH mà Nhà nước cắt giảm đầu tư, các trường không tăng HP thì không thể bảo đảm chất lượng GD.
Các chuyên gia nhìn nhận rằng, mặt bằng học phí ĐH công ở VN tương đối thấp, nhưng mức HP thu không quá thấp. Nếu các trường tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu từ những lĩnh vực khác ngoài HP như chuyển giao công nghệ, hỗ trợ từ doanh nghiệp... thì vẫn đủ chi. Ngoài ra, chương trình cần kiểm định chất lượng nghiêm túc, cần thiết kế tinh giản, lược bớt những môn học không giúp cải thiện cơ hội việc làm cho SV và khi có những chương trình như vậy mà vẫn hạch toán vào chi phí đào tạo là không công bằng. Đây lại là vấn đề quản trị ĐH!
Vấn đề đáng quan tâm nhất trong đợt tăng HP lần này là gánh nặng TC trong GDĐH ngày càng đổ về phía hộ gia đình.
Tại 1 cuộc hội thảo diễn ra tháng 4/2023, khảo sát của nhóm chuyên gia ở một số trường ĐH công lập năm 2017 về tự chủ ĐH cho thấy NSNN cấp phát chỉ chiếm 24% tổng doanh thu của các trường ĐH công lập, trong khi HP đóng góp 57% và 19% còn lại đến từ các nguồn khác. Đến năm 2021, phần đóng góp từ gia đình SV đã tăng vọt lên 77% và nguồn NSNN giảm xuống chỉ còn khoảng 9%.
Thực trạng cho thấy tính thiếu bền vững trong TC giáo dục ĐH, gánh nặng TC cũng như nguy cơ bị bỏ lại phía sau ngày càng rõ ràng hơn đối với SV từ các hộ gia đình gặp khó khăn về TC. Đó cũng là lý do Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) hôm 17/5 phải dừng việc cắt giảm học bổng cho SV sau khi bị SV phản ứng.
Tăng học phí ĐH là vấn đề nhạy cảm trong tình hình kinh tế suy giảm hiện nay, nhưng không tăng không được vì phải bảo đảm chất lượng ĐH. Vấn đề là tăng như thế nào, có tương ứng với chất lượng đào tạo không và rất cần các CS để bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận GDĐH cho người học là điều cần phải tính. Cơ quan quản lý nhà nước cần có kênh giám sát và cảnh báo việc tăng HP kịch trần vô tội vạ, để bảo đảm quyền lợi cho SV, bảo đảm công bằng XH.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/dung-de-ganh-nang-don-len-vai-nguoi-hoc_147229.html