Học phí năm học 2022-2023: Còn nhiều băn khoăn (Bài 1) - Tăng hay không tăng học phí: Tiếng nói từ cơ sở
Học phí là nguồn lực tài chính quan trọng trong việc đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Thế nhưng, trong bối cảnh người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh COVID-19 suốt 2 năm qua, thì chủ trương tăng, giảm học phí của các cấp, ngành trong thời gian qua đã khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng.
Học sinh Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa) trong giờ chào cờ. Ảnh: Nguyễn Đạt
Từ chủ trương tăng học phí...
Để tăng cường quản lý các khoản thu trong nhà trường, chấm dứt tình trạng huy động đóng góp và quản lý, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục sai quy định, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có công văn hướng dẫn triển khai, thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022-2023 cụ thể đối với từng bậc học như: bậc học mầm non và THCS ở khu vực thành thị là 300.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 đồng/học sinh/tháng. Ngay sau khi Sở GD&ĐT Thanh Hóa có công văn thì các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đã áp dụng mức thu học phí mới từ đầu học kỳ I năm học 2022-2023.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, thì việc tăng học phí là chủ trương phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần “gỡ khó” cho ngành giáo dục trong việc bố trí nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở trường lớp và mua sắm trang thiết bị dạy học. Đồng thời, đây cũng là nguồn lực để các nhà trường giải quyết được nhu cầu tuyển dụng đủ nguồn nhân lực trong tình hình thiếu giáo viên như hiện nay.
Tại Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa), theo thầy Chu Đăng Phan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường hiện có 1.115 học sinh. Từ đầu học kỳ I năm học 2022-2023, nhà trường đã thu tăng học phí của học sinh lên mức mới là 300.000 đồng/học sinh/tháng. Ở góc độ quản lý, tôi đánh giá việc tăng học phí là cần thiết nhằm tăng chất lượng giảng dạy trong các nhà trường, giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Bởi 60% học phí sẽ được dùng cho các hoạt động của nhà trường; 40% trích lập quỹ lương cho giáo viên. Từ nguồn học phí tăng ngay từ đầu năm nhà trường cũng đã lên kế hoạch mua sắm thêm trang thiết bị dạy học phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên và học sinh. Đồng thời, xây dựng việc tổ chức các hoạt động trong năm học 2022-2023 đa dạng, phong phú hơn những năm học trước, đáp ứng được nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh. Ngoài ra, từ nguồn học phí thu tăng nhà trường cũng đã tính toán và hiện chi trả mức lương cao hơn cho các giáo viên mà nhà trường đang hợp đồng ở những bộ môn còn thiếu từ 2,8 triệu đồng/giáo viên/tháng lên 4 triệu đồng/giáo viên/tháng. Có như vậy, họ mới ổn định được đời sống và yên tâm gắn bó với nhà trường. Từ đó, sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của nhà trường”.
Nói về chủ trương tăng học phí, ông Lê Thành Đồng, quyền Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa bày tỏ: Ngay từ học kỳ I năm học 2022-2023, các trường THCS và mầm non trên địa bàn TP Thanh Hóa đã thực hiện chủ trương thu tăng học phí theo công văn của Sở GD&ĐT. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, thì việc tăng học phí là chủ trương phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần “gỡ khó” cho ngành giáo dục trong việc bố trí nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở trường lớp và mua sắm trang thiết bị dạy học. Đồng thời, đây cũng là nguồn lực để các nhà trường giải quyết được nhu cầu tuyển dụng đủ nguồn nhân lực trong tình hình thiếu giáo viên như hiện nay.
Tại Trường Mầm non xã Thạch Long (Thạch Thành), cô Trịnh Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ở học kỳ I, thực hiện chủ trương tăng học phí nhà trường đã tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ và nắm vững quan điểm, chủ trương này. Đồng thời, nhà trường cũng thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của ngành giáo dục về các khoản thu - chi trong trường học. Theo quy định, mức thu mới đối với địa phương ở khu vực miền núi là 50.000 đồng/học sinh/tháng. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch từ nguồn học phí mới, những đồ dùng, dụng cụ, khu vui chơi cho các cháu bị hỏng hoặc thiếu sẽ được trường sửa chữa hoặc đầu tư mua mới. Đồng thời, từ nguồn học phí mới, nhà trường cũng có thêm kinh phí để tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của các cháu”.
Chia sẻ về chủ trương tăng học phí, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ GD&ĐT. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ GD&ĐT theo quy định. Mặt khác, theo xu hướng xã hội hóa giáo dục, việc tăng học phí là tất yếu, tăng để bổ sung nguồn thu còn thiếu hụt trong nhiệm vụ bảo đảm chất lượng đào tạo, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các loại hình giáo dục. Do đó, việc tăng học phí sẽ giảm bớt gánh nặng cho việc chi ngân sách Nhà nước và đồng thời cũng góp phần rất lớn trong việc nâng cao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Giảm học phí: Nỗi lo được chia sẻ
Thực tế cho thấy, việc thu tăng học phí đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh. Song cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, trước thực trạng đời sống người lao động đang gặp khó do 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, thì việc tăng học phí là vấn đề nan giải của không ít phụ huynh. Trước thực trạng đó, ngày 20-12-2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP về việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.
Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có văn bản hướng dẫn về mức thu học phí học kỳ II năm học 2022-2023 đối với các cơ sở GD&ĐT công lập. Theo đó, học phí học kỳ II giảm so với mức thu học kỳ I trước đó và được tính bằng mức thu năm học 2021-2022.
Cô trò Trường Mầm non Thạch Long (Thạch Thành) trong giờ hoạt động.
Nói về vấn đề này, thầy Chu Đăng Phan, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cho rằng: Trên thực tế, việc xây dựng mức học phí mới ở học kỳ I năm học 2022-2023 đã thể hiện sự chia sẻ chi phí giữa Nhà nước, xã hội và người học. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 mới lắng xuống, các hoạt động kinh tế - xã hội bắt đầu khởi sắc trong thời gian gần đây. Trong hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch, nhiều người lao động thất nghiệp, sống bằng tiền tích lũy từ trước. Việc tăng học phí đối với học sinh thành phố từ 120.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000/học sinh/tháng, với những gia đình có đông con đi học hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì đây cũng là gánh nặng cho nhiều phụ huynh. Bởi không chỉ mình học phí mà học sinh còn phải đóng thêm nhiều khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục khác. Do đó, trên góc độ của nhà trường thì việc giảm học phí ở học kỳ II năm học 2022-2023 của các cấp, ngành chính là chủ trương nhân văn, thể hiện sự chia sẻ, đồng hành cùng người dân.
Qua tìm hiểu từ phía phụ huynh học sinh thì việc tăng học phí ở học kỳ I năm học 2022-2023 đã khiến cho không ít gia đình lo lắng. Bà Nguyễn Thị Xuân, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), làm nghề lao động tự do có 2 con đang học cấp hai trên địa bàn TP Thanh Hóa chia sẻ: “Ngoài học phí tăng, 2 con đi học, chúng tôi còn phải đóng góp nhiều khoản khác đi kèm như: điều hòa, thiết bị dạy học thông minh, bán trú, tiền ăn, đồng phục... Trong khi cả hai vợ chồng là lao động tự do, thu nhập bấp bênh thì đây thật sự là số tiền vượt khả năng chi trả của gia đình. Bởi vậy, sau khi các cấp, ngành có chủ trương giảm học phí ở học kỳ II năm học 2022-2023, quay về mức cũ như năm học 2021-2022 thì chúng tôi rất mừng, bởi đã giảm bớt được gánh nặng cho chúng tôi về việc đóng góp tiền học cho con cái trong bối cảnh đời sống đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay”.
...ngày 20-12-2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP về việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022...
Ông Lê Thành Đồng, Quyền Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cũng cho rằng: Xét trên thực tế, học phí dù là nguồn thu quan trọng nhưng không phải là toàn bộ yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Bởi vậy, cần có lộ trình và bước đi phù hợp khi ban hành khung học phí mới, trong đó phải giải đáp được hai vấn đề: Chất lượng giáo dục phải tăng; cơ cấu các khoản chi từ việc tăng học phí, có như vậy mới tạo được sự đồng thuận từ số đông phụ huynh, nhất là trong thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Rõ ràng, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách thì sẽ rất khó triển khai hiệu quả, đồng bộ việc nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Bởi vậy, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các địa phương, nhà trường thì chính sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội là động lực to lớn, là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Bài 2: “Gỡ khó” cho các nhà trường.