Học phí trực tuyến trường tư: Giảm, nhưng... chưa thỏa đáng?
Nhiều phụ huynh học sinh trường tư cho rằng, chất lượng dạy học trực tuyến không như trực tiếp, nên không giảm hoặc chỉ giảm khoảng 20% học phí là không thỏa đáng. Trong khi đó, có trường giảm học phí tới 50%.
Nhiều trường có mức thu phí học trực tuyến khác nhau Ảnh: Quỳnh Anh
Giảm 20%
Chị P.T.H.Y có con học lớp 11 Trường Liên cấp Academy ở quận Tây Hồ, Hà Nội nói rằng, từ tháng 4 trường đã thông báo thu học phí năm học mới. Con chị có mức đóng trọn gói là 260 triệu đồng/năm, trong đó 160 triệu đồng học phí, số còn lại là tiền xe buýt, tiền ăn, phụ phí khác. Nếu học trực tuyến, nhà trường chỉ trả lại tiền ăn, tiền xe buýt đưa đón. “Năm ngoái, học sinh học trực tuyến nhiều tháng rất thiệt thòi, nhưng nhà trường không tính giảm phí là bất hợp lý”, chị Y nói.
Một phụ huynh có 3 con học Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring tại Hà Nội kể rằng, học phí và các khoản phụ phí năm học 2021-2022 của con là hơn 600 triệu đồng; trường đã thông báo thu từ tháng 4. Theo phụ huynh này, năm ngoái, trường cho học sinh học trực tuyến 3 tháng (tháng 3, tháng 5, tháng 8) nhưng chỉ học bù vào vào thứ 7 bằng chương trình tiếng Việt, không bù chương trình quốc tế và gần như không hoàn học phí. Chỉ có tháng 5, không học bù được, nhà trường trả 20% học phí. “Có con học lớp 1 học trực tuyến chất lượng không được như trực tiếp nhưng với mức hoàn học phí đó, tôi cho là không thỏa đáng”, phụ huynh này nói.
Một phụ huynh khác có 2 con học tại Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring cũng cho rằng, cách trường dạy trực tuyến và học bù cuối tuần để không phải giảm học phí là không thỏa đáng. Trong khi các ngày dạy bù, học sinh chỉ được sinh hoạt CLB, sinh hoạt lớp, học Tiếng Việt và không có tiết của giáo viên nước ngoài nên chất lượng dạy học không thực chất, vị phụ huynh nói.
Chị M.T có 2 con học lớp 4 Trường Phổ thông liên cấp Vinschool ở Hà Nội kể rằng, năm ngoái, những tháng học trực tuyến, trường chỉ giảm 20% học phí. Chị cho biết, năm nay chị sẽ kiến nghị trưởng ban phụ huynh của lớp đề nghị nhà trường giảm 50% học phí nếu học trực tuyến. “Nhiều phụ huynh đồng tình mức thu này vì học trực tuyến, hiệu quả đối với học sinh không cao, trong khi nhà trường giảm được chi phí điện nước, lao công, nhân viên chăm sóc bán trú, giáo viên dạy môn phụ…”, chị M.T nhận định.
Một số phụ huynh có con theo học Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) mới đây cũng bày tỏ không đồng tình với mức thu học phí học trực tuyến năm học 2021-2022 bằng 80% so với học trực tiếp. Họ kiến nghị, nhà trường chỉ nên thu khoảng 60% vì chất lượng dạy trực tuyến không đảm bảo như dạy trực tiếp.
Ý kiến nhà trường
Anh L.T có 2 con đang học Trường Quốc tế Singapore ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nói rằng, từ năm ngoái, nhà trường thông báo không giảm học phí nếu học trực tuyến. Gia đình cho con học trường này từ mẫu giáo, đến nay có cháu đã lên THCS với mức tổng thu gồm học phí và các khoản khoảng 500 triệu đồng/năm. Cho rằng học trực tuyến không đảm bảo chất lượng, gia đình từng có ý kiến, nhưng nhà trường vẫn giữ quan điểm không giảm học phí. “Hỏi ý kiến con về việc chuyển trường, cháu lại không muốn vì đã quen trường, quen bạn nên gia đình đành cố. Cách làm như hiện nay là quá thiệt thòi cho học sinh, phụ huynh”, anh T nói.
Về việc này, trả lời phóng viên Tiền Phong, đại diện Công ty Cổ phần Kinder World Việt Nam, đơn vị quản lý Trường Quốc tế Singapore, nói rằng, khi triển khai dạy học trực tuyến, Ban giám hiệu nhà trường, thầy cô giáo và toàn thể hệ thống giáo dục phải làm việc gấp 2-3 lần bình thường. Giáo viên phải theo dõi, chấm bài, giám sát việc học tập, đánh giá kết quả học tập, liên tục nhắc nhở học sinh học bài, hoàn thành bài tập (thậm chí cả buổi tối, cuối tuần)...
Ban giám hiệu, bộ phận phát triển học thuật phải hằng ngày, hằng giờ chỉ đạo sâu sát việc triển khai. Trong khi đó, các chi phí nhằm đảm bảo hoạt động của nhà trường trong tình hình dịch bệnh tăng cao, thậm chí phát sinh nhiều chi phí mới. “Do đó, chính sách học phí của trường như hiện nay là đã được cân nhắc và đảm bảo không thu vượt quá mức học phí đã cam kết, công khai từ đầu năm học”, đại diện trường này nói.
Đại diện một trường tư thục khác nói rằng, dù học trực tuyến hay trực tiếp, nhà trường cũng phải dạy đủ chương trình của Bộ GD&ĐT và đảm bảo chất lượng giáo dục. Khi dạy trực tuyến, trường phải đổi mới phương pháp, thiết kế lại chương trình dạy học. Do đó, việc thu đến 80% học phí là nhằm duy trì đội ngũ, đảm bảo chất lượng của trường.
Bộ GD&ĐT đã có công văn về việc chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên trong mùa dịch. Đối với dạy học trực tuyến, đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục tính toán mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và công khai, minh bạch.
Đại diện Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết, đầu tháng 9 trường mới dạy chương trình năm học mới. Học phí của học sinh trường này được thu theo chương trình tổng của năm học, không quy định loại hình học phí trực tuyến hay trực tiếp (không giảm phí). Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng, việc học trực tuyến là tình huống bất đắc dĩ vì không hiệu quả như trực tiếp. Do đó, nhà trường không cho học sinh tựu trường trực tuyến từ tháng 8 mà đợi đến tháng 9, nhưng dịch COVID-19 vẫn căng thẳng, đành phải theo phương thức này. Tuy nhiên, nhà trường dự kiến giảm từ 30-50% mức học phí trực tiếp và họp phụ huynh để trưng cầu ý kiến phụ huynh, được sự đồng thuận mới thu.
Triển khai dạy học trực tuyến từ sớm, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói rằng, mức thu phí học trực tuyến bằng 75% phí học trực tiếp. Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) sẽ không thu học phí trong tháng 8, học sinh tựu trường trực tuyến. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) năm ngoái và tháng 8 năm nay giảm 50% phí trực tuyến và sẽ cân nhắc mức thu mới trong tháng 9. “Giảm 50% học phí trực tuyến là chia sẻ khó khăn cùng học sinh, phụ huynh và trường sẽ cắt giảm những chi phí thường xuyên, giáo viên môn phụ, điện nước”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nói.
Liên quan những ý kiến của phụ huynh học sinh Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring, phóng viên đã liên hệ, gửi câu hỏi phỏng vấn. Đại diện truyền thông của trường nói rằng, thời điểm này, trường ưu tiên nhiều việc khác, chưa có câu trả lời.