Học phí, viện phí, tăng sao cho hợp lý?

Mỗi khi các cơ quan hữu quan nghiên cứu xem xét tăng học phí, viện phí thì lại có những ý kiến đề nghị tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành học phí, viện phí.

Có lẽ đó là vấn đề cần được đánh giá thận trọng, nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh, đặc biệt là phải được nhìn nhận dưới góc độ bản chất của Nhà nước ta, xã hội ta, chứ không nên chỉ vì động lực của thị trường.

Trong bối cảnh thu nhập xã hội và lạm phát luôn có xu hướng tăng, học phí, viện phí có tăng cũng có thể coi là việc dễ hiểu, nếu đó là mức tăng hợp lý, trong giới hạn khả năng chi trả của tuyệt đại đa số người dân và trong mối tương quan với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tổng số tăng chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn 2012-2022 là 45,27%. Thế mà, năm học 2022-2023, học phí từ lớp mẫu giáo 5 tuổi đến cấp trung học phổ thông, đại học nhiều nơi đã tăng gấp vài lần (tức là vài trăm phần trăm) so với năm học 2012-2013. Mức tăng quá cao so với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng như vậy khó có thể coi là hợp lý.

Ảnh minh họa. TTXVN

Ảnh minh họa. TTXVN

Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực trụ cột của phúc lợi xã hội. Đầu tư cho giáo dục, y tế là đầu tư cho phát triển, không phải đầu tư cho tiêu dùng. Vì thế, không nên và không thể đòi tính đúng, tính đủ chi phí vào học phí, viện phí. Các trường học và bệnh viện công đã được Nhà nước đầu tư rất lớn từ ngân sách cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiền lương và các khoản chi thường xuyên khác nên mức thu học phí, viện phí không thể so sánh với trường học và bệnh viện tư nhân.

Trước khi quyết định tăng học phí, viện phí cần đánh giá đúng thực tế tác động tới xã hội như thế nào, có tạo ra rào cản với khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục của người dân không? Việc tăng học phí bất hợp lý có đẩy mạnh hơn làn sóng học sinh, sinh viên giỏi “săn” học bổng ở những nước có chính sách miễn phí giáo dục và làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu chất xám không? Mức tăng học phí, viện phí có bảo đảm tương quan với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng không? Các tác động tiêu cực tới người dân, xã hội cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách thực chất, thấu đáo!

Thực tế, khi trao quyền quyết định mức thu học phí cho địa phương, không ít địa phương đã quyết định miễn học phí tới cấp trung học phổ thông, không tăng hoặc tăng học phí không đáng kể. Điều đáng bàn là đó lại không phải là những địa phương giàu nhất, thậm chí có địa phương còn thuộc nhóm nghèo. Tại sao họ làm được như vậy? Đây là vấn đề cần được phân tích kỹ lưỡng để các địa phương khác học tập.

Cùng với đó, thực tế cũng có nhiều trường học, nhất là các trường đại học có mô hình huy động nguồn lực từ doanh nghiệp (nguồn xã hội hóa) rất hiệu quả để phục vụ cho công tác đào tạo của trường. Vậy kinh nghiệm của các trường đại học trên là như thế nào, các trường đại học khác có học hỏi được không?

Tăng hay không tăng học phí, viện phí, nếu có thì ở mức độ như thế nào cho hợp lý, là vấn đề cần cân nhắc thấu đáo để tạo đồng thuận xã hội!

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/hoc-phi-vien-phi-tang-sao-cho-hop-ly-735239