Học phong cách viết báo của Bác Hồ

Học tập phong cách viết báo, làm báo của Bác Hồ là nội dung cơ bản và hết sức quan trọng đối với những người làm công tác báo chí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo vào năm 1960

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo vào năm 1960

Toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó học tập phong cách viết báo, làm báo của Người là nội dung cơ bản và hết sức quan trọng đối với những người làm công tác báo chí.

Không phải là người làm báo chuyên nghiệp, nhưng do tính chất nghề nghiệp, tôi được học viết báo, làm báo phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị hơn 35 năm. Tôi đã viết được hàng nghìn tin, bài đăng trên báo đơn vị, địa phương và cả báo có uy tín khác. Quá trình viết báo, tôi luôn quán triệt nguyên tắc tính đảng, tính chiến đấu, tính quần chúng; học kỹ năng làm báo của những người có kinh nghiệm, đặc biệt học phong cách viết báo của Bác Hồ. Với Bác, trước hết làm báo là để phục vụ đa số quần chúng, Người viết: "Đối tượng của tờ báo là đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đa số dân chúng yêu mến thì không xứng đáng một tờ báo". Báo chí của ta là báo chí cách mạng, báo luôn phải đứng vững trên quan điểm, lập trường của Đảng, Người khẳng định: "Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng", "đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng". Quá trình được học tập, nghiên cứu, tôi nhận thấy phong cách làm báo của Bác Hồ toát lên những vấn đề cơ bản sau:

Bác chỉ dạy, người làm báo luôn phải biết giữ được tính chân thực của sự kiện, của hiện tượng, nhân vật. Nghĩa là viết có căn cứ: Ở đâu? Khi nào? Ai làm, phạm vi, tính chất, mức độ, phải rõ ràng, "Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ viết". Người yêu cầu mọi chi tiết và nội dung phải bảo đảm đủ căn cứ thuyết phục. Làm báo, viết báo không được vội vàng, chỉ nghe qua rồi chủ quan suy luận phỏng đoán. Chưa điều tra xác minh tính chính xác tuyệt đối không được viết. Bác chỉ rõ: "Viết phải thiết thực", nghĩa là: "Nói có sách, mách có chứng", cái đó ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra, phát triển, kết quả sao? Phải viết đúng, không được tô hồng, phóng đại hoặc bóp méo, hạ thấp vấn đề. Viết không đúng có tác hại, phản mục đích tuyên truyền. Viết thiết thực là viết những vấn đề gần gũi, bức thiết của đất nước, những điều nhu cầu đời sống xã hội đang cần, phục vụ vì lợi ích của con người, của xã hội.

Trong bài "Cách viết" giảng cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, báo chí và văn nghệ ngày 17.8.1953, Bác đã chỉ ra: "Mỗi khi viết một bài báo thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào?"

Viết cho ai xem? - là câu hỏi lớn đặt ra cho mọi người làm báo đều phải trăn trở. Viết cho toàn dân, bộ đội, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên hay viết cho người cao tuổi... đều có đặc tính riêng. Viết cho đối tượng cụ thể nào thì cần am hiểu ngọn nguồn, viết sát tâm lý, tình cảm, nhu cầu của đối tượng đó thì bài báo mới đi vào lòng người, mới có kết quả, giúp con người tích cực đấu tranh vươn lên trong cuộc sống.

Viết để làm gì? Đây là câu hỏi thể hiện đầy đủ mục đích, động cơ, thái độ của người viết báo, thể hiện bản chất giai cấp, thế giới quan, phương pháp luận của họ khi bài báo được đăng đàn. Viết để làm gì? - là thước đo danh dự, lương tâm của người làm báo. Bài báo có tác dụng góp phần thúc đẩy tính tích cực cho người đọc, phục vụ lợi ích xã hội hay phục vụ cho quyền lợi cá nhân, một nhóm người nào đó. Động cơ người viết báo trong sáng, lành mạnh là cơ sở để nhân dân, người đọc yêu quý thông qua từng bài, câu chữ khi họ được tiếp cận.

Viết thế nào? - là câu hỏi như một đỉnh cao nghệ thuật của những người làm báo luôn phải cố gắng vươn tới. Nó như thước đo tay nghề, đo năng lực, trình độ chuyên môn người làm báo. Bác yêu cầu: "Viết phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu", nhất là những tờ báo mang tính quần chúng cao, phục vụ đông đảo người dân. Tuyệt đối làm báo không được dùng từ lóng, lai căng, tối nghĩa gây hiểu nhầm. Viết báo phải viết cho hay, hấp dẫn người đọc. Nghĩa là phải viết bằng cả trái tim mình, viết trình tự, trôi chảy, chọn lọc, trau chuốt. Viết có nghệ thuật, cô đọng, súc tích, có thể viết hình tượng hoặc thành thơ vừa dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Viết ngắn gọn, đủ ý, không viết lan man, dài dòng.

Trong viết báo cần đề cao tính đấu tranh, tự phê bình và phê bình. Viết về cái tốt, cái tích cực để biểu dương, song cũng phải viết cái xấu, tiêu cực để phê phán. Người làm báo phải luôn biết lắng nghe với thái độ cầu thị, tiếp thu sai sót để sửa chữa, sẵn sàng phúc đáp trả lời thông tin khi người đọc đặt ra, tránh được việc nghi ngờ, hiểu lầm.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay, báo chí chính thống cần vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Phải nhanh nhạy để theo kịp thời đại, thông tin chính xác, bảo đảm tính vững chắc trước sự phát triển của xã hội, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Thiết nghĩ những người làm báo chúng ta cần nghiên cứu kỹ những bài báo của Bác để học tập cách làm báo, viết báo của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh, thấm nhuần hơn nữa phong cách người làm báo cách mạng.

QUANG CHIÊM (Phú Yên)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/hoc-phong-cach-viet-bao-cua-bac-ho-111429