Học sinh băn khoăn làm sao biết bản thân phù hợp ngành, nghề nào?

Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng chia sẻ, nhảy việc không phải là điều tiêu cực, mà là một phần của quá trình phát triển cá nhân.

Chiều ngày 9/9, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa (Phú Thọ) tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Diễn giả ông Nguyễn Trọng Tùng đã có 15 năm kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng Business Marketing và truyền thông cho sinh viên đại học và trung học, 10 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Khởi nghiệp và cố vấn nghề nghiệp của các trường giảng dạy chương trình quốc tế

 Thầy Nguyễn Anh Tuân - Hiệu trưởng nhà trường có bó hoa tươi thắm gửi tới diễn giả Nguyễn Trọng Tùng. Ảnh: Thùy Trang.

Thầy Nguyễn Anh Tuân - Hiệu trưởng nhà trường có bó hoa tươi thắm gửi tới diễn giả Nguyễn Trọng Tùng. Ảnh: Thùy Trang.

Tham dự buổi hội thảo có các thầy cô giáo và gần 1.000 học sinh của Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa. Trong buổi hội thảo, các thầy cô và học sinh trường Trung học phổ thông Hạ Hòa say sưa lắng nghe, giao lưu chia sẻ cùng diễn giả Nguyễn Trọng Tùng.

Mở đầu hội thảo, diễn giả Nguyễn Trọng Tùng Tùng mang đến một từ khóa "sự phù hợp". Vị diễn giả chia sẻ câu chuyện và trải nghiệm của chính bản thân mình trong quá trình học và làm việc, mang đến cho các em học sinh một góc nhìn mới và sâu sắc hơn về “sự phù hợp”.

 Gần 1.000 học sinh của Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa tham dự hội thảo. Ảnh: Thùy Trang.

Gần 1.000 học sinh của Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa tham dự hội thảo. Ảnh: Thùy Trang.

 Các thầy cô trường Trung học phổ thông Hạ Hòa chăm chú lắng nghe những chia sẻ của diễn giả. Ảnh: Thùy Trang.

Các thầy cô trường Trung học phổ thông Hạ Hòa chăm chú lắng nghe những chia sẻ của diễn giả. Ảnh: Thùy Trang.

“Trong quá trình hướng nghiệp của thầy tại các trường khu vực phía Bắc, tôi luôn tâm niệm rằng việc chọn ngành, chọn trường hay chọn công việc thực chất là hành trình tìm kiếm sự phù hợp. Mỗi người đều khác nhau, nhưng tìm ra công việc phù hợp nhất chính là yếu tố then chốt. Mãi đến năm 34 tuổi, tôi mới nhận ra công việc phù hợp nhất với mình là đứng trước các em học sinh, các thầy cô để truyền cảm hứng”, diễn giả Nguyễn Trọng Tùng chia sẻ.

Trong hướng nghiệp hiện đại, bước đầu tiên và quan trọng nhất là “hiểu bản thân mình”. Diễn giả đã đưa ra một số câu hỏi cho các em học sinh:"Ai thích bóng đá?", "Ai muốn trở thành cầu thủ?", và "Ai nghĩ mình có thể giỏi ngang Quang Hải hoặc cạnh tranh với Ronaldo hay Messi?". Qua đó, thầy chỉ ra rằng có sự khác biệt lớn giữa điều mình thích và điều mình thực sự giỏi.

Diễn giả nhắn nhủ rằng mỗi học sinh đều có những tiềm năng riêng, có bạn giỏi văn, giỏi toán, ngoại ngữ, thể thao, hay các môn năng khiếu. Điều quan trọng là chúng ta cần khám phá và phát triển những khả năng đó để thành công trong tương lai.

Với từ khóa “hiểu bản thân mình”, làm thế nào để thực sự hiểu mình khi trong chúng ta, có rất nhiều điều mà ta chưa từng thử, chưa dám trải nghiệm, hoặc không có điều kiện để thực hiện?

Diễn giả của hội thảo đã đưa ra nhiều câu hỏi để khuyến khích các bạn học sinh tương tác, mạnh dạn giơ tay và đâu đó có thể bộc lộ những điểm mạnh, yếu của bản thân.

Lấy ví dụ từ bóng đá, nhiều người thích xem, thậm chí thích chơi, nhưng không phải ai cũng giỏi chơi bóng và cũng không phải ai giỏi đến mức có thể sống bằng nghề này. Vì thế, nếu bạn đang khao khát trở thành cầu thủ để kiếm tiền, hãy theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ cần sự tư vấn từ các chuyên gia: liệu thể hình, thể lực của mình có phù hợp không? Kỹ năng hiện tại có đủ để bước vào con đường chuyên nghiệp không? Bởi vì thích và giỏi là hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau.

 Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng giao lưu cùng các em học sinh. Ảnh: Thùy Trang.

Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng giao lưu cùng các em học sinh. Ảnh: Thùy Trang.

Chắc chắn, mỗi bạn ở đây đều đã từng nghĩ về việc 1 đến 3 năm nữa mình sẽ học ở đâu sau khi rời Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa. Có bạn sẽ vào các trường đại học danh tiếng, có bạn sẽ đi làm, hoặc có thể chưa nghĩ đến điều đó. Nhưng nguyên tắc đầu tiên của việc hướng nghiệp là hiểu rõ bản thân mình, vì chỉ có bạn mới thực sự hiểu mình hơn ai hết. Không phải thầy cô hướng nghiệp, thậm chí là bố mẹ, có thể hiểu bạn bằng chính bạn.

Đôi khi, chúng ta cần dừng lại, ngồi xuống và viết ra những điều mình đã trải qua, những bài học mình đã rút ra. Việc ghi chép này, hay còn gọi là "phản tư", là một kỹ năng quan trọng. Đó là cách đơn giản và hiệu quả để tự thực hành và rèn luyện bản thân.

 Các em học sinh liên tiếp đưa ra các câu hỏi cho vị diễn giả. Ảnh: Thùy Trang.

Các em học sinh liên tiếp đưa ra các câu hỏi cho vị diễn giả. Ảnh: Thùy Trang.

Diễn giả cũng đặc biệt nhấn mạnh với các bạn học sinh lớp 12: “Các con sắp phải đưa ra những quyết định quan trọng về nguyện vọng của mình. Những lựa chọn đó cần phù hợp với năng lực, điều kiện tài chính, địa điểm và phương thức xét tuyển. Dù nhiều thứ có thể khiến các con cảm thấy bối rối, hãy bắt đầu từ việc hiểu rõ mình muốn gì, mình là ai, và hướng tới đâu."

Một công thức chung cho việc hướng nghiệp là “nhìn xa hơn về tương lai”, tự hỏi bản thân 5 năm nữa mình sẽ là ai, sẽ làm gì. Hãy tưởng tượng mình ngồi ở công ty nào, làm ngành nghề gì trong tương lai.

Nếu bạn muốn trở thành kế toán, chuyên viên ngân hàng, nhân sự, chuyên gia đầu tư chứng khoán, hay tiếp nối công việc giảng dạy như thầy cô ở đây, hãy quay trở lại thời điểm các bạn còn đang học đại học. Để đạt được điều đó, bạn cần những chứng chỉ chuyên môn nào? Kỹ năng gì cần trang bị từ bây giờ? Sử dụng phương pháp nhìn từ xa đến gần hiện tại, bạn sẽ biết trường nào đào tạo ngành mình muốn và những gì cần chuẩn bị ngay lúc này.

Các bạn lớp 10, lớp 11 cũng nên xem mình cần làm gì để chuẩn bị. Đó là cách thông minh và hiệu quả, giúp bạn sẵn sàng cho tương lai, vì mỗi người chúng ta là một cá thể khác nhau và cần sự chuẩn bị riêng cho con đường của mình.

 Các em tự tin lên sân khấu để giao lưu trực tiếp với diễn giả. Ảnh: Thùy Trang.

Các em tự tin lên sân khấu để giao lưu trực tiếp với diễn giả. Ảnh: Thùy Trang.

Trong buổi hội thảo này, nhiều học sinh của trường Trung học phổ thông Hạ Hòa cũng thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng chia sẻ đặt câu hỏi với diễn giả về cách lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Em Nguyễn Trần Thảo My, học sinh lớp 11A2, đã chia sẻ mong muốn được diễn giả tư vấn: “Thưa thầy, em đang trong quá trình tìm hiểu về các trường đại học và ngành nghề. Em nghĩ điểm thuận lợi của mình là còn nhiều thời gian hơn so với các anh chị lớp 12 để tham gia các hoạt động của trường. Tuy nhiên, em gặp khó khăn vì chưa biết mình thực sự thích gì và cũng không có ai định hướng giúp em phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Em nên làm gì để tìm ra hướng đi phù hợp cho mình?”

Thay vì trực tiếp trả lời câu hỏi, diễn giả đã đặt câu hỏi ngược lại cho Thảo My: “Khi không biết mình thích gì, em cần làm gì để khám phá sở thích của mình?”

Thảo My chia sẻ rằng em đã tham gia các câu lạc bộ trong trường, đọc bài viết trên mạng, hỏi ý kiến các anh chị đi trước, thầy cô giáo, và cũng đã thử làm các bài kiểm tra tính cách.

Diễn giả khen ngợi các giải pháp của Thảo My và nhấn mạnh rằng ngoài việc có lợi thế về thời gian, Thảo My còn may mắn được sự hỗ trợ từ gia đình, trường học, và thầy cô trong việc trải nghiệm và tìm kiếm sở thích của mình. Điều quan trọng nhất, theo diễn giả, là chính quyết tâm nội tại của Thảo My trong việc tìm hiểu ngành nghề và định hướng tương lai. Chính sự quyết tâm đó sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của Thảo My và các bạn học sinh khác.

Em Vũ Ngọc Khanh, học sinh lớp 12A2, đặt câu hỏi: "Trong quá trình nghe thầy trao đổi và đọc các bài báo trên mạng, em nhận thấy giới trẻ hiện nay có xu hướng nhảy việc, muốn thử nhiều công việc khác nhau để tìm ra điều phù hợp với bản thân. Vậy với sự phát triển của xã hội hiện tại, chúng em nên thay đổi bản thân để phù hợp với công việc hay thay đổi công việc để phù hợp với bản thân?"

Trả lời câu hỏi, diễn giả cho rằng nhảy việc không có gì là xấu, nếu nhìn từ góc độ tích cực. Ông cũng đề cập đến sự khác biệt giữa văn hóa làm việc ở miền Bắc và miền Nam, người miền Bắc thường có xu hướng trung thành với công ty, ít khi nhảy việc, trong khi người miền Nam lại sẵn sàng thay đổi công việc. Tuy nhiên, không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người, vì điều này phụ thuộc vào tính cách, mục tiêu và hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân. Nhảy việc không có nghĩa là bạn sẽ không thể quay lại công việc cũ, mà đó có thể là một bước phát triển của bản thân.

 Kết thúc hội thảo, diễn giả Nguyễn Trọng Tùng và gần 1000 em học sinh Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa vui vẻ chụp ảnh. Ảnh: Thùy Trang.

Kết thúc hội thảo, diễn giả Nguyễn Trọng Tùng và gần 1000 em học sinh Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa vui vẻ chụp ảnh. Ảnh: Thùy Trang.

Diễn giả tiếp tục khuyên rằng thay vì tìm một câu trả lời chung, hãy tự hỏi bản thân mình xem liệu công việc hiện tại có phù hợp không. Điều gì khiến bạn tiếp tục công việc này – tiền lương, mối quan hệ, thời gian, cơ hội thăng tiến, đồng nghiệp hay môi trường làm việc? Mỗi người cần tự trả lời những câu hỏi đó để đưa ra quyết định cho riêng mình, bởi không có đáp án chung cho tất cả. Cuộc sống trải qua nhiều giai đoạn, và đôi khi thay đổi là điều cần thiết. Điều quan trọng là thay đổi theo hướng tích cực.

Kết thúc hội thảo, thầy Nguyễn Anh Tuân, Hiệu trưởng nhà trường đã có phát biểu chia sẻ.

“Chúng ta vừa lắng nghe những chia sẻ đầy ý nghĩa và gần gũi của diễn giả về việc lựa chọn ngành nghề trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến diễn giả Nguyễn Trọng Tùng và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã dành thời gian và tâm huyết đến với Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa, mang đến nguồn cảm hứng cho các em học sinh. Hy vọng rằng, với sự đồng hành của diễn giả và Tạp chí, các em sẽ thêm tự tin và vững bước trên con đường tương lai."

 Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng chụp ảnh lưu niệm cùng thầy cô Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa. Ảnh: Thùy Trang.

Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng chụp ảnh lưu niệm cùng thầy cô Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa. Ảnh: Thùy Trang.

Trường Trung học phổ thông Hạ Hòa được thành lập vào tháng 8 năm 1961, năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển của nhân dân Hạ Hòa.

Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, chất lượng văn hóa của nhà trường tăng đều qua các năm, học sinh tốt nghiệp phổ thông thường đạt 98%. Học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt 22 – 25%, xuất hiện nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học tốp trên, có h/s đỗ thủ khoa. Học sinh tiên tiến đạt 28 – 30%, (trong đó giỏi 1%) tỷ lệ lưu ban dưới 1,2%.

Trong những năm gần đây, bên cạnh các hoạt động hướng nghiệp và trải nghiệm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhà trường cũng thường thường xuyên tổ chức và chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp sáng tạo của học sinh toàn trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn có các câu lạc bộ đồng hương Phú Thọ, câu lạc bộ cựu học sinh Trường Trung học Phổ thông Hạ Hòa, tạo môi trường gắn kết và hỗ trợ, truyền lửa cho học sinh.

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với sự tham gia của diễn giả ông Nguyễn Trọng Tùng đã có 15 năm kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng Business Marketing và truyền thông cho sinh viên đại học và trung học, 10 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Khởi nghiệp và cố vấn nghề nghiệp của các trường giảng dạy chương trình quốc tế; là chuyên gia, diễn giả về truyền thông mới, báo chí trực tuyến và chủ đề giới trẻ trong các sự kiện do Đại sứ quán Đức, GIZ, Học viện Báo chí và truyền thông Việt Nam tổ chức.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được diễn giả Nguyễn Trọng Tùng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Thùy Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-sinh-ban-khoan-lam-sao-biet-ban-than-phu-hop-nganh-nghe-nao-post245427.gd