Học sinh bắt đầu thi học kỳ I

Những ngày này, học sinh toàn tỉnh bước vào thi học kỳ I. Các trường kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục của từng môn học, hoạt động giáo dục đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; đồng thời có định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Là trường đặc thù có nhiều cấp học, những ngày này, 3.007 học sinh Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm (Trường Đại học An Giang) bước vào thi học kỳ I. Toàn trường có tổng số 72 lớp, với 3.007 học sinh, trong đó bậc Tiểu học 29 lớp/1.215 học sinh, bậc THCS 28 lớp/1.167 học sinh, bậc THPT 15 lớp/625 học sinh.

Thầy Lê Văn Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm cho biết, đối với cấp tiểu học, sẽ kiểm tra các môn đánh giá bằng điểm số. Riêng môn tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 chỉ kiểm tra miệng theo thời khóa biểu. Đề kiểm tra phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng gồm: các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ nhận thức của học sinh… Đề kiểm tra kết hợp giữa trắc nghiệm với tự luận đối với Toán, Đọc hiểu, Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Tùy theo nội dung của từng môn và phân môn có thể theo tỷ lệ khoảng 70% trắc nghiệm và 30% tự luận, hoặc 80% trắc nghiệm và 20% tự luận. Theo đó, từ ngày 23 đến 27-12-2019, thi: Tin học (khối 1-5) và Anh văn (khối 1, 2). Ngày 24-12 thi Khoa học, Anh văn (khối 3, 4, 5); thi môn Đọc (khối 1). Ngày 25-12 thi Đọc hiểu, Chính tả, Viết (khối 1). Ngày 26-12 thi Toán, Lịch sử và Địa lý. Ngày 27-12 thi Tập làm văn, Đọc thành tiếng.

Học sinh bước vào thi học kỳ I, năm học 2019-2020

Đối với cấp THCS và THPT, đề kiểm tra được ra theo cấu trúc, thời gian làm bài và ma trận phù hợp với đặc trưng của từng môn học ở các khối lớp. Trong đó, môn tiếng Anh thực hiện việc ra đề và tổ chức kiểm tra theo Hướng dẫn số 18/HD-SGDĐT ngày 15-8-2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc dạy học và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh cấp THCS và THPT. Đối với lớp 9 (các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh), đề kiểm tra được ra theo hình thức tiếp cận với đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Đối với lớp 12, đề kiểm tra môn Ngữ văn được ra theo hình thức tự luận hoàn toàn. Các môn Toán, tiếng Anh và các phân môn nằm trong tổ hợp môn thi THPT quốc gia: đề kiểm tra được ra theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh cho biết, thời gian tổ chức kiểm tra học kỳ I (năm học 2019-2020) dành cho tất cả các khối lớp cấp THCS, THPT (bao gồm hệ giáo dục thường xuyên) trên phạm vi toàn tỉnh, cụ thể cấp THCS từ ngày 16 đến 28-12; cấp THPT từ ngày 9 đến 23-12. Sở GD&ĐT ra đề kiểm tra chung các môn (trừ các trường: THPT chuyên, Phổ thông Dân tộc nội trú, Trẻ em khuyết tật), gồm: khối 7 (Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh - chương trình 7 năm); khối 9 (Ngữ văn, Toán, tiếng Anh - chương trình 7 năm); khối 12 (bao gồm hệ giáo dục thường xuyên): Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh (học chương trình 7 năm và 10 năm kiểm tra chung đề). Các môn, các khối lớp còn lại ở cấp THPT do các trường ra đề. Phòng GD&ĐT quy định việc ra đề đối với các môn, các khối lớp còn lại ở cấp THCS, kể cả cấp THCS ở các trường phổ thông có nhiều cấp học.

Sở GD&ĐT lưu ý, việc tổ chức khảo sát chất lượng (kiểm tra học kỳ I) theo hướng gọn nhẹ, không gây áp lực cho học sinh nhưng phải nghiêm túc, chính xác, chất lượng, đúng quy định; đảm bảo công bằng, khách quan trong tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đối với lớp 9 và 12, có thể tổ chức theo quy mô 24 học sinh/phòng để các em làm quen với quy định của các kỳ thi chung cấp tỉnh và kỳ thi THPT quốc gia; các khối còn lại tùy theo điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để bố trí phòng kiểm tra phù hợp, không nhất thiết phải theo quy mô phòng như khối 9 và 12. Đồng thời, không tổ chức ôn tập cho học sinh với hình thức ra đề cương, có câu hỏi và đáp án buộc học sinh học thuộc lòng.

Hình thức đề kiểm tra được ra theo cấu trúc, thời gian làm bài và ma trận phù hợp với đặc trưng của từng môn học ở các khối lớp. Đối với môn tiếng Anh, thực hiện việc ra đề và tổ chức kiểm tra theo Hướng dẫn số 18/HD-SGDĐT ngày 15-8-2016 của Sở GD&ĐT về việc dạy học và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh cấp THCS và THPT. Đối với lớp 9 (các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh), đề kiểm tra được ra theo hình thức tiếp cận với đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Đối với lớp 12, đề kiểm tra môn Ngữ văn được ra theo hình thức tự luận hoàn toàn; các môn Toán, tiếng Anh và các phân môn nằm trong tổ hợp môn thi THPT quốc gia: đề kiểm tra được ra theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hoc-sinh-bat-dau-thi-hoc-ky-i-a260551.html