Học sinh bật khóc khi đọc thư khen

Sáng 21-7, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá cuối kỳ và nhân rộng mô hình dự án 'Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương' trên địa bàn TP.HCM.

Bên cạnh hoạt động tổng kết, giao lưu chia sẻ, hội thảo còn có nhiều hoạt động thực tế như hoạt động xé trái tim, gửi thư khen, dán giấy màu sắc... tái hiện những tình huống có thật trong cuộc sống nhằm chạm đến trái tim của mọi người, từ đó đề ra những biện pháp khắc phục.

Để lại nhiều cảm xúc nhất là phần viết thư khen, giúp mỗi cá nhân có thể bày tỏ lời khen của mình đến với người xứng đáng nhất mà họ gặp trong cuộc sống.

Bật khóc tại cuộc hội thảo khi đọc thư khen, em Nguyễn Ngọc Thảo Nhi, học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Gò Vấp), chia sẻ: “Em trai của em từ nhỏ đã bị não và tim nên không thể nói và đi được. Em muốn dành lời khen đến em trai của em. Em là một người em ngoan. Chị sẽ luôn làm cho em cười và sẽ luôn đồng hành cùng em”.

Được biết, Thảo Nhi đã tham gia hoạt động và trở thành thành viên trong đội trẻ em nòng cốt của dự án từ khi học lớp 4. “Thông qua hoạt động này, em đã học được rất nhiều điều về cách bảo vệ mình” - Thảo Nhi chia sẻ.

Chia sẻ thư khen của mình tại cuộc hội thảo, cô Lê Thị Thanh Nhã - chuyên viên Ban Vì sự phát triển tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới tại TP.HCM muốn dành lời khen đến một học trò của cô, tuy bị khuyết tật nhưng em rất ngoan, biết nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa...

Nghẹn ngào khi viết lời khen, cô Lâm Minh Trang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, muốn dành lời cám ơn đến em Nguyễn Trường Phúc: “Cám ơn em đã là một cảnh báo tốt để giáo viên biết được trong cách hành xử với học sinh cá biệt”.

Được biết, giai đoạn 2 của dự án thực hiện từ tháng 9-2016 đến hết tháng 9-2020 và thu được nhiều kết quả tích cực. Đó là giảm rõ rệt việc trừng phạt thân thể, cải thiện môi trường học, tăng khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng của trẻ em nhập cư, trẻ em dễ bị tổn thương khác.

Đồng thời, dự án cũng cải thiện rõ rệt về thái độ và hành vi của giáo viên trong việc đảm bảo môi trường học đường có chất lượng; tạo sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội, góp phần tích cực vào việc thay đổi nhận thức kỷ luật của phụ huynh. Ngoài ra, dự án cũng góp phần thúc đẩy sự tham gia thực hiện quyền của trẻ một cách nhiệt tình nhất...

ÁNH NGUYỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/hoc-sinh-bat-khoc-khi-doc-thu-khen-925624.html