Học sinh bị điện giật tử vong, nhiều trường học tại Hà Nội đưa ra quy định cấp bách về học trực tuyến

Sau khi một học sinh bị điện giật tử vong tại nhà, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã có thông báo tới các phụ huynh nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, nạn nhân trong vụ việc học sinh tử vong do bị điện giật là cháu H.H. D. sinh năm 2011, địa chỉ tại phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), hiện là học sinh Trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đã tạm xây dựng một số nguyên tắc, quy định đối với giáo viên, học sinh trong quá trình học tập trực tuyến. Trong đó đề cao công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong hướng dẫn, kiểm tra thiết bị, giám sát học sinh trong suốt quá trình học tập trực tuyến.

Cô Thanh Huyền, giáo viên tiểu học tại quận Thanh Xuân chia sẻ, ngay trong chiều 10/9, nhà trường, giáo viên đã có thông báo tới phụ huynh phải thường xuyên quan tâm, rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, đặc biệt là các phương tiện điện tử phục vụ cho việc học tập của con nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho học sinh.

"Gia đình cố gắng bố trí thời gian theo dõi việc học tập của con trước, trong và sau giờ học trực tuyến. Hướng dẫn các con không dùng thiết bị điện tử vừa cắm vừa học hoặc ngồi học dưới nền nhà sẽ không an toàn. Không để sách vở, đồ dễ cháy cạnh ổ điện. Hạn chế dùng tai nghe không đảm bảo chất lượng. Phụ huynh cùng với giáo viên tăng cường hướng dẫn con khi thiết bị xảy ra lỗi phải gọi người lớn" - cô Huyền chia sẻ thêm.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm làm học sinh lớp 5 tử vong tại nhà. Ảnh internet

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm làm học sinh lớp 5 tử vong tại nhà. Ảnh internet

Đề cao vai trò phối hợp giữa gia đình và nhà trường, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: "Qua vụ việc một lần nữa nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường cần hết sức lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ. Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường, cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và gia đình học sinh. Giáo viên thường xuyên hướng dẫn phụ huynh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ…".

Chỉ ra thực tế quá trình học trực tuyến của học sinh có thể gặp phải những hệ lụy không mong muốn, trong đó có tai nạn thương tích, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, độ an toàn các thiết bị kết nối đầu cuối (máy tính, điện thoại) khi sử dụng để học online rất quan trọng. Học sinh học online sẽ phải sử dụng các thiết bị trong nhiều giờ, nếu thiết bị đó không tốt phải sạc điện khi học, nguy cơ tai nạn lại càng cao hơn.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho biết, tới đây, Bộ LĐTB&XH, Cục Trẻ em sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai một số các giải pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong ngôi nhà của mình khi học trực tuyến. Đó là tăng cường cảnh báo truyền thông cho các bậc cha mẹ về việc phải giám sát, kiểm tra độ an toàn của các trang thiết bị khi cho các con dùng và hướng dẫn các con tuân thủ những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật.

Một giải pháp khá tốt đang được TP.HCM thực hiện đó là dạy học qua truyền hình, theo đó ông Đặng Hoa Nam đề nghị các địa phương khác triển khai tích cực dạy học trực tuyến trên truyền hình vì an toàn hơn. Đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT nên thiết kế các chương trình học online ngắn gọn, không kéo dài thời gian quá dài... Trang bị cho giáo viên kỹ năng để họ vừa là người truyền đạt kiến thức, tư vấn tâm lý và hướng dẫn, kiểm tra học sinh về độ an toàn.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/hoc-sinh-bi-dien-giat-tu-vong-nhieu-truong-hoc-tai-ha-noi-dua-ra-quy-dinh-cap-bach-ve-hoc-truc-tuyen-20210911095917575.htm