Học sinh cuối cấp chủ động ôn tập trong dịch COVID-19

Nhiều tháng nay trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, các cơ sở giáo dục đã và đang triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt để ứng phó với tình hình dịch bệnh với mục tiêu hoàn thành chương trình năm học 2021-2022, nhất là đảm bảo kiến thức, kỹ năng cho các em học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT và học sinh lớp 12... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Nhiều tháng nay trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, các cơ sở giáo dục đã và đang triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt để ứng phó với tình hình dịch bệnh với mục tiêu hoàn thành chương trình năm học 2021-2022, nhất là đảm bảo kiến thức, kỹ năng cho các em học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT và học sinh lớp 12 với kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học.

Các em học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định) trong buổi học trực tiếp đầu tiên sau thời gian dài học trực tuyến tại nhà.

Để thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ năm học, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục căn cứ vào cấp độ dịch theo từng địa bàn để có hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp. Các hoạt động dạy học bảo đảm thời lượng, nội dung cốt lõi, căn bản; khung thời gian năm học; đồng thời bảo đảm sức khỏe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh. Nếu như cách đây hơn một năm, việc làm quen với phương pháp dạy và học trực tuyến còn nhiều bỡ ngỡ, thì giờ đây sau nhiều lần phải tạm dừng đến trường để phòng dịch COVID-19, giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh trên địa bàn tỉnh đã thích nghi với hình thức giáo dục này. Các trường học đều đã có sự chuẩn bị chu đáo về hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học trực tuyến; lựa chọn các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên, học sinh trước khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, năm nay, áp lực ôn thi chuyển cấp tiếp tục gia tăng với học sinh lớp 9, lớp 12 nếu tình hình dịch bệnh và học online tiếp tục kéo dài, nhiều học sinh sẽ bị thiếu hụt kiến thức thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh vào đại học. Học sinh Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu) có 45 ngày phải dạy và học trực tuyến, trong đó có 145 học sinh của 4 lớp 9. Tuy thời gian học sinh phải học online không nhiều nhưng Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm đến việc học sinh ôn tập dự thi vào lớp 10 THPT và có kế hoạch chỉ đạo ngay từ đầu năm học, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, tranh thủ “giờ vàng” để học sinh được tiếp cận học trực tiếp chương trình cốt lõi. Nhà trường phân công đội ngũ giáo viên dạy lớp 9 nhiệt tình, có chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm giảng dạy, gần gũi thân thiện với học sinh như cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh dạy môn Toán lớp 9, cô Đỗ Thị Hiền dạy môn Ngữ văn lớp 9… đồng thời yêu cầu giáo viên thực hiện soạn giảng dạy nghiêm túc, chu đáo theo thời khóa biểu, ký sổ đầu bài và nhận xét từng tiết học, theo dõi sát sao tình hình học tập của học sinh, quan tâm, động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập. Mặc dù có nhiều năm liền trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, học sinh Trường THCS Hải Lý đạt điểm trung bình cao, nhưng trong điều kiện học như hiện nay, nhà trường vẫn còn nhiều lo lắng. Thầy giáo Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các em học sinh chuyển sang học trực tuyến nên chịu khá nhiều áp lực khi phải vừa theo kịp kiến thức trên lớp vừa phải chuẩn bị cho việc thi chuyển cấp. Vì vậy, các thầy, cô giáo cũng dành nhiều thời gian để ôn tập và tổng hợp kiến thức, đặc biệt với môn Toán, Văn và những môn dự kiến sẽ thi chính thức vào lớp 10 của Sở GD và ĐT. Tuy đã quay trở lại dạy và học trực tiếp được một thời gian, nhưng nhà trường cũng nhận được phản ánh của phụ huynh về tinh thần học tập của học sinh bị ảnh hưởng do lo lắng nhiễm bệnh, nhiều học sinh chỉ có nguyện vọng học hết lớp 9 rồi đi làm phụ giúp gia đình nên chưa có ý thức cố gắng học tập. Một số học sinh chưa có động lực phấn đấu trong học tập, còn để thầy cô nhắc nhở thường xuyên. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy và học theo chương trình, kết hợp ôn tập kiến thức, kỹ năng cho học sinh đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Đặc biệt là các thầy, cô giáo dạy những môn thi vào lớp 10, tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 9”.

Đối với các em học sinh trên địa bàn thành phố Nam Định, do thời gian học trực tuyến kéo dài hơn 3 tháng nay cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý, nhất là với học sinh khối lớp 9 và lớp 12. Em Trần Thị Phương, học sinh lớp 9 Trường THCS Hàn Thuyên cho biết: “Em dự định dự thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nên ngoài thời gian học trực tuyến, em đều dành thời gian để ôn tập các kiến thức cơ bản. Nay được quay trở lại trường sẽ kịp ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới”. Việc học trực tuyến kéo dài cũng khiến nhiều bậc phụ huynh có con học cuối cấp không khỏi băn khoăn, lo lắng. Do tính chất công việc, chị Lan, ở phường Phan Đình Phùng không theo sát con học tại nhà nên không khỏi lo lắng, sốt ruột vì thời gian học trực tuyến kéo dài, chất lượng học không thể hiệu quả so với việc học trực tiếp. Chị vẫn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với giáo viên, lắng nghe sự tư vấn, hướng dẫn và thực hiện nghiêm túc yêu cầu của giáo viên đối với các môn học nhưng nỗi lo về việc thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới của con vẫn không thể nào vơi. Chị Lan tâm sự: “Lớp có gần 50 bạn nên dù cô giáo nhiệt tình đến đâu cũng không thể sát sao như học trực tiếp trên lớp. Qua Tết này, khi các con được đến trường học trực tiếp, sẽ được thầy cô hướng dẫn những kỹ năng quan trọng, chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi vào lớp 10, trúng tuyển vào trường THPT công lập”.

Với học sinh lớp 12, nhiều em đã lên kế hoạch ôn luyện thi sớm để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới. Nếu không bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thời gian này, các em học sinh đang hoàn thiện nốt chương trình lớp 12 để bắt đầu ôn kiến thức của các môn thi chính trong kỳ thi THPT. Em Hoàng Thị Mai, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Nghỉ học ở nhà, em chủ yếu tự học và học trực tuyến theo lịch của nhà trường. Các thầy, cô giáo cũng thường xuyên gửi tài liệu, đề kiểm tra thử để chúng em luyện tập hàng ngày. Cách học này giúp em giữ vững kiến thức, tuy nhiên với những nội dung không hiểu em không thể hỏi lại thầy, cô như học ở trên lớp được, do vậy mà em vẫn muốn được đến trường, đến lớp để được học hơn. Em rất vui vì sau kỳ nghỉ Tết em đã được quay trở lại trường học trực tiếp”. Kỳ thi cuối cấp quyết định tương lai của học sinh, nên dù trong thời gian phải học trực tuyến ở nhà nhưng các thầy, cô giáo đã cố gắng truyền tải kiến thức đến học sinh, giúp các em giữ vững nền nếp học tập. Tuy nhiên, xu hướng tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học tốp đầu sẽ tuyển sinh riêng, sử dụng kết quả các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… và dành rất ít chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến nhiều học sinh không khỏi băn khoăn, lo lắng. Hiện tại, các trường THPT đang gấp rút cập nhật thông tin để có phương án ôn tập hiệu quả cho học sinh khi các em đã chính thức được đi học trực tiếp tại trường từ sau Tết Nguyên đán.

Sẵn sàng học tập để đảm bảo việc nắm vững những kiến thức cơ bản và biết vận dụng linh hoạt trong những dạng bài khác nhau để làm bài thi chuyển cấp, cùng với sự động viên, sát cánh của ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên các nhà trường sẽ giúp học sinh cuối cấp trong giai đoạn quan trọng này hoàn thành tốt các kỳ thi với kết quả tốt nhất./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202202/hoc-sinh-cuoi-cap-chu-dong-on-tap-trong-dich-covid-19-2549088/