Học sinh đang học gì ở các lớp học thêm ngoài nhà trường?

Đa số học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia các lớp học thêm ngoài nhà trường là nhờ giáo viên làm bài giúp và học trước chương trình. Chỉ có học sinh cuối cấp mới thực sự có nhu cầu bổ túc kiến thức phục vụ cho việc thi cử.

Học sinh đang học gì ở các lớp học thêm ngoài nhà trường? Minh họa: CDKH

Học sinh đang học gì ở các lớp học thêm ngoài nhà trường? Minh họa: CDKH

Tôi là một giáo viên bậc trung học phổ thông. Tôi đã từng tham gia dạy thêm cho học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông ở các trung tâm được cấp phép ở ngoài nhà trường.

Theo ghi nhận của tôi, học sinh chủ yếu học thêm các môn nhiều tiết, thường gọi là môn chính, ví dụ Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh,… Tôi chưa từng thấy các em đi học thêm những môn ít tiết, thường gọi là môn phụ, ví dụ, Công nghệ, Tin học, Lịch sử, Địa lí,…

Học sinh thường đi học thêm 2 ca: ca 1 từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 00; ca 2 từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 00. Thời gian giải lao 30 phút giữa ca, học sinh vừa ăn nhẹ, vừa lướt điện thoại xem thông tin trên mạng xã hội hoặc chơi game.

Trong quá trình dạy thêm (môn tôi dạy và các môn học khác), tôi nhận thấy, học sinh thường yêu cầu giáo viên làm 3 việc chính như sau:

Thứ nhất, thầy cô giáo giúp các em giải các bài tập về nhà theo yêu cầu của giáo viên bộ môn. Các môn Toán, Tiếng Anh,… ít nhất cũng 5 đến 7 bài tập, còn nhiều thì hàng chục bài tập với các mức độ từ dễ đến khó hoặc rất khó; môn Ngữ văn quy định phải viết 3 đến 4 trang giấy,…

Thầy cô giáo vừa giảng bài, vừa ghi các bước làm bài, đáp án và học sinh cứ thế cặm cụi chép lần lượt hết bài tập này đến bài tập khác như cái máy. Nhiều em lực học trung bình, yếu không hiểu được những bài tập khó nhưng vẫn phải chép cho đủ số lượng để giáo viên bộ môn kiểm tra.

Thứ hai, cứ đến kì kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) thì học sinh lại quay cuồng với núi bài tập trong đề cương. Trừ các môn ít tiết, còn lại hầu như môn học nào học sinh cũng có đề cương.

Đề cương là những nội dung chính được giới hạn cho các kì kiểm tra nên học sinh phải học bài, làm bài trong đó. Mỗi khi học sinh làm bài, ôn tập không kịp tiến độ thì không còn cách nào khác là các em phải đi học thêm cho xong nhiệm vụ.

Thứ ba, gần như giáo viên dạy thêm nào cũng dạy trước chương trình cho học sinh khi các em đến lớp học thêm. Bởi vì, nếu không dạy thêm trước chương trình thì học sinh rất ngán việc phải ôn tập kiến thức cũ, các em sẽ nghỉ học.

Cùng với đó, học sinh học thêm trước chương trình thì giải được nhiều bài tập hơn ở trên lớp, sẽ được điểm cao. Vì đã học trước chương trình nên khi đến lớp, nhiều học sinh có tâm lí ỷ lại, sao nhãng, dẫn đến việc học không còn hứng thú.

Nhìn chung, ở địa phương tôi, đa số học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia các lớp học thêm ngoài nhà trường là nhờ giáo viên làm bài giúp và học trước chương trình. Chỉ có học sinh cuối cấp mới thực sự có nhu cầu bổ túc kiến thức phục vụ cho việc thi cử.

Tôi thấy rằng, học sinh đã được học 2 buổi/ngày ở trên lớp nhưng nhiều giáo viên vẫn giao bài tập về nhà cho các em là chưa đúng. Bởi vì, buổi thứ nhất học chính khóa, còn buổi thứ hai bản chất là dạy thêm, học thêm, phụ huynh đóng tiền theo thỏa thuận của nhà trường.

Cùng với đó, việc giáo viên ra hàng chục bài tập và yêu cầu tất cả học sinh phải hoàn thành là hoàn toàn sai trái. Lẽ ra, với học sinh giỏi, cần khuyến khích làm hết các bài tập; học sinh khá làm khoảng 70 đến 80% yêu cầu; học sinh trung bình làm khoảng 50 đến 65% yêu cầu; học sinh yếu làm tối đa 50% yêu cầu.

Học sinh có học lực trung bình, yếu nhưng giáo viên bắt các em phải làm hết các bài tập, khác nào bắt con cá leo cây. Chưa kể, giáo viên cũng phải soạn bài, đọc sách thì mới có thể giải hết các bài tập, sao lại "ép" học sinh làm một việc quá sức.

Tôi dạy học đã nhiều năm và chưa bao giờ tôi yêu cầu học sinh lớp 12 phải làm bài tập về nhà vì các em được học buổi 2 (học thêm) ở trên lớp. Nhiều năm qua, tỉ lệ học sinh của tôi có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn ngang bằng hoặc cao hơn so với điểm trung bình của địa phương.

Ở địa phương tôi, từ năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo giáo viên các trường tiểu học không giao bài tập về nhà cho học sinh đã học 2 buổi trên trường. Nếu việc này cũng được thực hiện ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thì sẽ góp phần giảm thiểu việc dạy thêm, học thêm như hiện nay.

Minh Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-sinh-dang-hoc-gi-o-cac-lop-hoc-them-ngoai-nha-truong-179240906144448223.htm