Học sinh ĐBSCL thiếu thiết bị học trực tuyến, giáo viên chưa dạy bài mới
Thống kê sơ bộ của các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi tỉnh có hàng trăm đến cả nghìn học sinh gặp khó khăn khi học trực tuyến vì thiếu thiết bị, mạng Internet.
Qua khảo sát việc dạy và học trực tuyến của Sở GD&ĐT Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 10.000 gia đình khó khăn cần hỗ trợ, trong đó có 500 học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT, sau khi tiến hành khảo sát, sở đã đứng ra vận động được 500 điện thoại thông minh để hỗ trợ cho 500 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Số điện thoại này có kết nối sẵn Internet nên các em nhận về là học trực tuyến được ngay. Tiền Internet cũng được nhà mạng hỗ trợ hết học kỳ. “Nhu cầu nhiều, khả năng có hạn. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều tấm lòng đồng hành với ngành Giáo dục địa phương để học sinh có thiết bị, phương tiện, yên tâm học tập”, ông Luân cho biết.
Thống kê của Sở GD&ĐT Kiên Giang, toàn tỉnh có khoảng 100.000 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến. Trong đó, cấp tiểu học có hơn 86.700 học sinh; cấp THCS có hơn 29.100 em và THPT có hơn 2.400 học sinh. Theo Sở GD&ĐT, bậc tiểu học hiện chưa áp dụng dạy học online. Với học sinh lớp 9 và lớp 12, nhà trường hướng dẫn các em liên hệ bạn học gần nhà để cùng học tập. Giáo viên chủ nhiệm tổng hợp tài liệu từ giáo viên bộ môn, phối hợp với chính quyền địa phương gửi đến nhà cho các em, sau đó bố trí dạy bù kiến thức trọng tâm khi học sinh trở lại trường.
Tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Vĩnh Thạnh cho hay: Khoảng 40% gia đình không có Internet, 30% học sinh không có điện thoại. “Để giúp học sinh, nhà trường gom những học sinh có phương tiện thành lập nhóm với em không có thiết bị ở gần nhà để học cùng nhau, hoặc giáo viên sẽ in, gửi bài cho các em còn khó khăn”. Theo Phòng GD&ÐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), có trên 2/3 học sinh THCS tham gia các lớp học trực tuyến, số còn lại chưa tham gia vì gặp khó về trang thiết bị.
Theo bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD& Vĩnh Long, tỉnh có gần 2.400 học sinh thuộc diện hộ nghèo và gần 6.500 học sinh thuộc diện hộ cận nghèo và hộ khó khăn. Địa phương đang hỗ trợ, giúp các em phần nào trong năm học mới. Thời gian tới, các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát học sinh khó khăn và vận động nhà hảo tâm để tiếp tục hỗ trợ cho các em, bảo đảm không có học sinh không thể học vì hoàn cảnh khó khăn.
Triển khai dạy học online, huyện Châu Thành (Tiền Giang) rà soát các điều kiện, trang thiết bị dạy học cho thấy, có khoảng 65,9% học sinh THCS có thiết bị học trực tuyến; riêng với học sinh lớp 9 còn khoảng 600 học sinh chưa có thiết bị. Như Trường Tiểu học Long An, huyện Châu Thành, số lượng học sinh trang bị đủ điều kiện học trực tuyến chỉ khoảng 12%, nếu tính cả HS sử dụng điện thoại thông minh ở mức 60%.
Trước khó khăn này, Sở GD&ĐT Tiền Giang đã điều chỉnh các hoạt động dạy và học trực tuyến. Theo đó, sau khai giảng năm học mới, các cơ sở giáo dục chưa tổ chức dạy học bài mới theo phân phối chương trình mà tập trung tổ chức nội dung sinh hoạt để ổn định lớp, tạo không khí vui vẻ, tổ chức các hoạt động cho học sinh, học viên làm quen với hình thức học tập trực tuyến; ôn tập kiến thức bài cũ…
Đến khi đảm bảo đủ các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường bắt đầu dạy học bài mới. Ngành Giáo dục cũng đã liên hệ với một số đơn vị như Viễn thông Tiền Giang, Viettel Tiền Giang… để kêu gọi sự hỗ trợ, đồng hành cùng ngành Giáo dục trong việc triển khai các giải pháp dạy và học trực tuyến.