Học sinh đi học ngồi cách nhau 1.5m có khả thi không?

Ngày 4/5 học sinh lớp 9 và lớp 12 tại tỉnh Bình Thuận bắt đầu sẽ đi học lại.

Học sinh đi học ngồi cách nhau 1

Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số: 2234/BYT-MT về việc triển khai phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, yêu cầu tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường;

Đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5m; Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế từng phòng học, từng bàn học có thể bố trí mỗi học sinh ngồi một bàn hoặc hai học sinh ngồi một bàn hoặc ngồi so le... cho phù hợp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu trong các hoạt động chung của học sinh, giáo viên;

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng là trường học phải an toàn mới cho học sinh trở lại lớp.

Phòng học sẽ không đủ chỗ xếp học sinh ngồi cách nhau 1.5m, trường học sẽ không đủ phòng để thực hiện việc chia lớp

Hiện nhiều trường học ở tỉnh ta có sĩ số học sinh trong một lớp tương đối đạt chuẩn (tiểu học 35 học sinh/lớp, trung học có 45 em/lớp).

Nếu bố trí học sinh ngồi cách nhau như Bộ Y tế yêu cầu chỉ được 20 học sinh/lớp thì mỗi lớp học sẽ trở thành 2 lớp.

Một số trường học hiện nay, do thiếu phòng học nên mới chỉ tổ chức được 1 buổi/ngày.

Nay, xếp học sinh ngồi học như thế chỉ còn cách không thể cho các em đi học đại trà mà học theo kiểu so le giữa các khối.

Tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “…cũng không nhất thiết phải xếp lịch học cả tuần mà có thể xếp lịch học đan xen các khối lớp 3 buổi/tuần. Ở mỗi lớp học cũng có thể tách đôi số lượng học sinh để bố trí giảng dạy; kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến…”.

Là giáo viên, chúng tôi lại không lo lắng cho việc học sinh ngồi học trong lớp cách nhau 1.5m an toàn hơn kiểu ngồi học bình thường như trước đây. Điều chúng tôi lo nhất chính là việc đầu mỗi buổi học và giờ ra chơi khi các em đến trường.

Không lo học sinh ngồi trong lớp mà lo đầu giờ mỗi buổi học và giờ ra chơi

Vì sao chúng tôi nói: “Không lo học sinh ngồi trong lớp mà lo đầu giờ mỗi buổi học và giờ ra chơi?”.

Vì, khi các em ngồi trong lớp dưới sự quản lý của giáo viên thì học sinh ít có cơ hội nói chuyện với nhau.

Lúc này, mắt luôn nhìn thẳng, miệng mang khẩu trang, không giao tiếp lời nói làm sao có giọt bắn gây mất an toàn?

Thế nên không nhất thiết phải tách lớp và quy định mỗi em cách nhau 1.5m như hiện nay.

Nói, chúng tôi lo đầu mỗi giờ học và giờ ra chơi vì:

Với học sinh bậc trung học, việc nhắc nhở các em giữ khoảng cách để an toàn trong mùa dịch còn có tác dụng.

Thế nhưng với học sinh bậc tiểu học và học sinh lớp đầu bậc trung học cơ sở (lớp 6, 7, 8) thì khá khó khăn.

Với tâm lý lứa tuổi nhắc trước quên sau lại vô cùng hiếu động rất khó để các em thực hiện theo lời dặn dò, nhắc nhở thậm chí lời khuyến cáo của Bộ Y tế.

Học sinh vùng thành thị, cha mẹ thường đi làm sớm nên tranh thủ chở con đến trường khá sớm và chạy đi làm. Hoặc có gia đình, ba mẹ bận đi làm cả ngày nên không có ai quản lý các em, việc đi học tới lớp sớm hơn thường lệ liên tục xảy ra.

Chúng tôi thường thấy, có em 6 giờ (sáng) đã có mặt tại trường, buổi chiều 2 giờ mới vào học nhưng 12 giờ trưa đã có một số em đi học. Thời gian này, thầy cô chưa có mặt ở trường thì lấy ai quản lý các em để chúng không tụ tập?

Vào giờ ra chơi, với hàng ngàn, ít thì cũng dăm trăm em ra chơi cùng lúc, thầy cô nào có thể theo dõi hết mà nhắc nhở? Nếu cho ra chơi theo lớp, theo khối sẽ xảy ra tình trạng lớp học, lớp chơi cũng khó kiểm soát được tiếng ồn.

Trò nhỏ, lâu ngày gặp nhau nên hớn hở, mừng vui tụm năm tụm ba hò hét reo vui vẫn là chuyện bình thường và khó giữ được cho dù thầy cô giáo luôn nhắc nhở.

Cách nào cho học sinh thật sự an toàn?

Có phụ huynh nói rằng: “Ngồi cách 1.5m thì làm được gì đâu? Kể cả có đủ phòng thì tụi nó cũng túm tụm lại à. Bắt con nít có ý thức phòng dịch, mà phải hiểu biết như người lớn thì phải cắt cử quân đội trông tụi nó. Người lớn còn phải kêu công an canh nữa mà”.

Chị Anh Đào cũng bày tỏ quan điểm: “Nếu trường con em chia lớp sẽ không được, vì hiện tại cũng đã chia sáng và chiều mới đủ phòng học. Nếu chia vầy thì điều kiện là phòng học phải tăng gấp đôi đó. Rồi ra sân chơi thì sao? "

Chúng tôi thấy, để cho học sinh đến trường được an toàn thì tỉnh thành nào nằm trong nhóm nguy cơ thấp nên cho các em đến trường học bình thường. Tỉnh có nguy cơ cao cần cân nhắc thật kỹ cho học sinh nghỉ thêm từ 1-2 tuần cho thật sự yên tâm.

Tỉnh thành nào cho các em đi học lại thì ở nhà, cha mẹ cần chuẩn bị cho con khẩu trang, nước xịt khuẩn. Quản lý giờ đến trường của các em một cách chặt chẽ (không cho đến trường quá sớm).

Ở trường, nhà trường thực hiện tốt việc đo thân nhiệt, rửa tay xịt khuẩn, vệ sinh trường và lớp học thường xuyên. Đặc biệt đầu giờ và giờ ra chơi cắt cử giáo viên theo dõi, kiểm tra để nhắc nhở học sinh tránh tụ tập.

Phan Tuyết

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/hoc-sinh-di-hoc-ngoi-cach-nhau-1-5m-co-kha-thi-khong-126931.html