Học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi: Gắn trách nhiệm của phụ huynh

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 thanh thiếu niên thiệt mạng vì TNGT.

Lực lượng CSGT tỉnh Cà Mau kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông. Ảnh: Q.M

Lực lượng CSGT tỉnh Cà Mau kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông. Ảnh: Q.M

Nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn, trong đó có việc cha mẹ giao xe cho người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển.

Tai nạn giao thông gia tăng

Cũng như một số tỉnh, thành khác, thời gian qua, tình trạng vi phạm Luật Giao thông của học sinh trên địa bàn tỉnh Cà Mau có dấu hiệu gia tăng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm và vi phạm tín hiệu đèn giao thông.

TP Cà Mau là nơi có nhiều trường học, học sinh có điều kiện sử dụng xe máy khi tham gia giao thông hơn các địa bàn khác. Thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an TP Cà Mau, chỉ tính riêng đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh diễn ra từ ngày 1/10 đến hết 31/10, đơn vị đã phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 120 trường hợp vi phạm. Việc phụ huynh giao xe cho học sinh chưa đủ tuổi điều khiển hoặc không giám sát việc tuân thủ ATGT của con em là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vi phạm.

“Tôi có nắm thông tin phụ huynh giao xe cho con khi chưa đủ tuổi sẽ bị xử phạt, thậm chí bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, vì thế tôi không giao xe cho con. Ngoài việc sợ bị xử phạt, vấn đề quan trọng hơn là đảm bảo an toàn. Để con lái xe một mình khi chưa đủ tuổi tôi không an tâm”, ông Lê Văn Tây (ngụ TP Cà Mau, có con đang học lớp 11) cho biết.

Có con học tại một trường THPT, ông Trần Thế Trường (ngụ TP Cà Mau) chia sẻ, dù bận rộn công việc nhưng hai vợ chồng vẫn thay phiên nhau đưa đón chứ không giao xe máy cho con đến trường một mình khi chưa đủ tuổi.

“Con chưa đủ tuổi, chưa có kiến thức đầy đủ về ATGT nếu giao xe sẽ không đảm bảo an toàn. Chưa kể, con có thể bị lôi kéo tụ tập với nhóm bạn xấu gây mất trật tự ATGT, cha mẹ không quản lý được. Khi gặp sự cố tai nạn thì hối hận đã muộn, vì vậy dù nhiều lần con xin tự điều khiển xe tôi vẫn nhất quyết không cho. Tôi nói với con khi nào đủ tuổi, có bằng lái xe, lúc đó mới có thể tự điều khiển xe máy”, ông Trường nói.

Theo cô Lâm Hồng Sen - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau), từ đầu năm học, trường xây dựng bản cam kết giữa nhà trường, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh trong việc đảm bảo chấp hành pháp luật khi ATGT với học sinh.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền công tác đảm bảo TTATGT cho học sinh trong nhà trường bằng nhiều hình thức; thường xuyên liên hệ, nhắc nhở phụ huynh quản lý tốt, không giao xe cho học sinh khi chưa đủ tuổi. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe máy, vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ trừ điểm rèn luyện.

 Ngành chức năng tỉnh Cà Mau tuyên truyền Luật Giao thông cho học sinh trong giờ chào cờ đầu tuần. Ảnh: Q.M

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau tuyên truyền Luật Giao thông cho học sinh trong giờ chào cờ đầu tuần. Ảnh: Q.M

Trách nhiệm thuộc về cha mẹ

Trong đánh giá của cơ quan chức năng về những nguyên nhân dẫn đến số vụ TNGT tăng có một phần do học sinh chưa đến tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, song phụ huynh vẫn giao xe cho con.

Theo quy định tại Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao phương tiện cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng; đối với ôtô, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông chết người, người cho mượn, giao phương tiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, để chấm dứt tình trạng cha mẹ giao xe cho con khi chưa đủ tuổi, chính quyền địa phương và nhà trường cần chủ động triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh và bảo đảm trật tự an toàn giao thông xung quanh khu vực trường học.

Đồng thời, cần tổ chức cho phụ huynh ký cam kết với nhà trường về đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không giao xe phân khối lớn cho học sinh chưa đủ tuổi, thiếu giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, cần chú trọng tuyên truyền cho phụ huynh về những tác hại của việc giao xe phân khối lớn cho học sinh, thông báo các hình thức xử phạt nếu vi phạm và trách nhiệm liên đới nếu tai nạn.

“Các đơn vị cần chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm. Thậm chí, xử lý hình sự các trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển nhằm tạo sự răn đe, có như vậy mới đảm bảo an toàn và góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay”, Luật sư Trần Minh Hùng cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TPHCM cho rằng, ở lứa tuổi học sinh, nhiều em thích thể hiện, đua đòi, hiếu thắng, không có kiến thức pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Do đó, khi các em chưa đủ tuổi, lại được sự nuông chiều mua xe từ cha mẹ, hệ lụy về tai nạn giao thông rất lớn. Chưa kể một số em bị lôi kéo tham gia các hoạt động đua xe, cổ vũ đua xe trái phép gây ra các vấn đề phức tạp về trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự tại địa phương.

“Công an TPHCM giao các đơn vị chủ động liên hệ, phối hợp thực hiện và đảm bảo 100% các trường học đều được tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật trong đảm bảo TTATGT và ký cam kết đối với ban giám hiệu trường trong việc không tổ chức trông giữ xe trong khuôn viên trường học đối với học sinh không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe đến trường; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý kỷ luật đối với học sinh vi phạm”, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Bằng - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với sở GD&ĐT triển khai đến các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, như đưa giáo dục ATGT vào giảng dạy chính khóa của các cấp học; phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông thông qua hoạt động ngoại khóa, giờ chào cờ và sinh hoạt lớp.

“Cùng đó là tuyên truyền trực quan thông qua hệ thống panô, áp phích, phát thanh, website của các nhà trường; tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi thu hút đông đảo học sinh tham gia. Nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong học sinh, từng bước kiềm chế tai nạn khi tham gia giao thông trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”, ông Bằng cho hay.

Quách Mến - Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-dieu-khien-xe-may-khi-chua-du-tuoi-gan-trach-nhiem-cua-phu-huynh-post712857.html