Học sinh giỏi Lý, Hóa, Sinh ít ai chọn sư phạm Khoa học tự nhiên để đi dạy học

Học sinh giỏi Vật lý, Hóa học, Sinh học thường xét tuyển đại học theo khối B truyền thống, ít ai chọn học sư phạm Khoa học tự nhiên để dạy môn 'tích hợp'.

Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học Chương trình 2000 bậc trung học cơ sở được thay bằng môn Khoa học tự nhiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các môn Khoa học Trái Đất, Vật lý, Hóa học, Sinh học là nền tảng để xây dựng và phát triển môn Khoa học tự nhiên.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ở phía Nam, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên từ năm 2021. Trường tuyển sinh theo phương thức xét điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Sinh viên ngành ngành này được đào tạo bài bản về những vấn đề toàn cầu như phát triển bền vững và sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, dân số, bảo vệ môi trường, an toàn, năng lượng, giới và bình đẳng giới, bảo vệ đa dạng sinh học…

Môn học được phát triển từ môn Khoa học ở lớp 4, lớp 5, được dạy ở các lớp 6, 7, 8, 9.

Nhìn chung, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên đòi hỏi sinh viên cần có đầy đủ năng lực và phẩm chất để sau này có thể giảng dạy các phần môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái Đất theo hướng tích hợp liên môn.

Chia sẻ với người viết, nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, học sinh giỏi Vật lý, Hóa học, Sinh học ít ai chọn học sư phạm Khoa học tự nhiên để dạy môn "tích hợp".

Các em thường xét tuyển đại học theo khối B truyền thống để có nhiều cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Một số ngành khối B được nhiều học sinh khá giỏi yêu thích đó là nhóm ngành y dược; công nghệ thực phẩm; thú y – chăn nuôi; công nghệ Kỹ thuật môi trường...

Nhận định của các giáo viên là hoàn toàn có cơ sở, bởi lương giáo viên mới ra trường chỉ hơn 5 triệu đồng/ tháng (2,34 x 1,8 x 30% phụ cấp). Trong khi, sinh viên khối B sau khi tốt nghiệp đại học có thể nhận được mức lương cao hơn 2, 3 lần.

Giáo viên tập sự năm đầu chỉ hưởng 85% lương, sau 1 năm dạy học nếu đạt yêu cầu thì được kí hợp đồng có thời hạn (5 năm). Dạy 3 năm giáo viên được tăng một bậc lương, mức lương cũng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.

Nếu lập thành tích, giáo viên được tăng lương trước thời hạn nhưng cũng không được tăng 2 lần liên tục. Muốn có mức lương cao hơn, phải dạy đủ 9 năm (không kể 1 năm tập sự) giáo viên mới đủ điều kiện thi/ xét thăng hạng II.

Được thăng hạng, giáo viên được nhận khoảng 10 triệu đồng/ tháng. Dạy thêm 6 năm nữa thì giáo viên mới đủ điều kiện thi/ xét thăng hạng I, nhưng chỉ tiêu giáo viên hạng I ở trường trung học cơ sở cũng chỉ vài ba người (hoặc không cần).

Giáo viên bậc trung học cơ sở ít có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, nghĩa là ít người được bổ nhiệm làm quản lí (hiệu trưởng, hiệu phó) hoặc làm cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Chưa kể, ngoài nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh, giáo viên còn làm nhiều công việc không tên khác, trong đó ám ảnh nhất là các loại hồ sơ sổ sách, rồi các cuộc thi của thầy trò được tổ chức quanh năm suốt tháng.

Còn người làm công việc ngoài ngành sư phạm họ có thể thỏa thuận mức lương với chủ doanh nghiệp tùy theo năng lực. Người giỏi không những được nhận mức lương cao mà họ có nhiều cơ hội thăng tiến, sự cạnh tranh trong công việc cũng rất minh bạch.

Tôi dạy thỉnh giảng cho một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thấy rằng, vẫn có giáo viên dạy được 2, 3 môn nhưng số lượng rất ít.

Một đồng nghiệp của tôi (ở Quận 12) dạy được môn Vật lí và Toán, trong đó Vật lí là văn bằng 1, Toán là văn bằng 2, một tháng nhận được khoảng 30 triệu đồng (dạy trung bình 10 tiết/ ngày và đêm).

Một số giáo viên khác cũng có thể dạy môn thứ hai, thứ ba nhưng vì không có văn bằng 2 nên hiệu trưởng không thể phân công. Thầy cô dạy môn được đào tạo bậc đại học, các môn khác chỉ hướng dẫn thêm cho học sinh.

Như thế để thấy rằng, hiếm có giáo viên nào giỏi 2, 3 môn để dạy "tích hợp cả". Kể cả thầy cô được học chuyên ngành sư phạm Khoa học tự nhiên cũng khó được đào tạo chuyên sâu 2, 3 phân môn.

Đã có nhiều kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh việc tích hợp, ghép môn ở cấp trung học cơ sở.

Điều này cho thấy, các nhà trường đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai dạy “tích hợp”, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở.

Vào giữa tháng 11/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn quận.

Quận Bình Tân kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh việc tích hợp, ghép môn ở cấp trung học cơ sở. Nếu không hợp lý, hiệu quả, cần tách thành các phân môn Lịch sử, Địa lý (trong môn Lịch sử và Địa lý), Vật lý, Hóa học, Sinh học (môn Khoa học tự nhiên), Âm nhạc, Mỹ thuật (môn Nghệ thuật) như chương trình giáo dục trước đây. (*)

Tài liệu tham khảo:

(*) https://www.sggp.org.vn/quan-binh-tan-de-xuat-tach-mon-tich-hop-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-post659146.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-sinh-gioi-ly-hoa-sinh-it-ai-chon-su-pham-khoa-hoc-tu-nhien-de-di-day-hoc-post232527.gd