Học sinh Hà Nội hứng thú với hoạt động tìm hiểu Tết cổ truyền

Hàng trăm học sinh Hà Nội đã tái hiện sinh động không gian Tết cổ truyền thông qua các hoạt động gói bánh chưng, viết thư pháp câu đối ngày xuân, các trò chơi dân gian cùng các trải nghiệm văn hóa tại lễ hội Hương Xuân sắc Việt.

Học sinh hào hứng với các trải nghiệm

Lễ hội Hương Xuân sắc Việt là hoạt động ý nghĩa của thầy trò Trường tiểu học Vietschool (Hà Nội) giúp học sinh cảm nhận không khí của ngày Tết truyền thống.

Cô Vũ Tuyết Mai – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây là năm đầu tiên chương trình lễ hội mùa xuân được tổ chức tại trường Vietschool với chủ đề "Hương xuân sắc Việt".

Hội xuân Vietschool 2020 không chỉ ngập tràn không khí Tết đến xuân về mà còn là nơi các em được tìm hiểu, trải nghiệm những phong tục tập quán trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Giữ gìn những nét truyền thống tốt đẹp ngày xưa kết hợp với phát triển chương trình giáo dục "nhập khẩu" tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0 không phải là điều dễ dàng.

Bất chấp những thách thức, dù mới triển khai năm học đầu tiên nhưng Vietschool đưa định hướng này vào từng tiết học và quyết tâm giữ vững kim chỉ nam riêng biệt này.

Lễ hội Hương xuân sắc Việt

Lễ hội Hương xuân sắc Việt

Ban giám hiệu nhà trường luôn khẳng định triết lý giáo dục Vietschool: "Chúng ta đóng góp cho thế giới là ở sự khác biệt về văn hóa. Chúng ta khẳng định mình, là chính mình nhờ văn hóa của chúng ta".

Xuất phát từ mong muốn đem lại không khí Tết cổ truyền cho những học sinh của mình, Trường tiểu học Vietschool đã tái hiện sinh động không gian Tết cổ truyền thông qua các hoạt động gói bánh chưng, viết thư pháp câu đối ngày xuân, các trò chơi dân gian cùng các trải nghiệm văn hóa tại lễ hội Hương Xuân sắc Việt.

Vì vậy, Nhà trường mong muốn Hội chợ Tết "Hương xuân sắc Việt" trở thành trải nghiệm quý giá để các em học sinh thêm yêu nét đẹp văn hóa dân tộc, đồng thời thắt chặt tình cảm gia đình, thầy trò càng trở nên gắn bó.

Tái hiện không gian Tết cổ truyền

Tái hiện không gian Tết cổ truyền

Còn cô Vũ Thị Tuyết Thu – Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, trẻ em mà đặc biệt nhất là trẻ em ở các thành phố lớn có điều kiện tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau, có khi trong một lớp học, các em đã được giao lưu với nhiều nền văn hóa khi có bạn là công dân ở nước khác học cùng.

Cuộc sống hiện đại mang đến cho chúng ta những tiện nghi nhất định, Tết ngày nay cũng đã thay đổi theo sự phát triển xã hội. Cần lắm những việc làm thiết thực để giữ gìn truyền thống, nét đẹp trong Tết cổ truyền của dân tộc.

 Học sinh học cách gói bánh chưng

Học sinh học cách gói bánh chưng

Vui mừng trước những trải nghiệm quý giá của con, chị Hoàng Thanh Hằng chia sẻ: Tôi thấy Tết ngày xưa rất vui, rất nhiều hoạt động mà tôi nghĩ trẻ con thành phố bây giờ được chơi sẽ rất háo hức, mong muốn của tôi là các con được tiếp xúc nhiều hơn nữa các hoạt động văn hóa cổ truyền.

Trẻ con ở thành phố hiện nay thiệt thòi khi ít được tiếp xúc với các giá trị truyền thống. Các con hòa nhập với các xu hướng văn hóa rất nhanh và có nhiều điều kiện để làm việc đó nhưng cũng mất đi những bản sắc văn hóa truyền thống, mà điều đó nó liên quan tới cái gốc, tới tình cảm của các con sau này.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/hoc-sinh-ha-noi-hung-thu-voi-hoat-dong-tim-hieu-tet-co-truyen-4058307-v.html