Học sinh Hà Tĩnh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện - nỗi ám ảnh tai nạn giao thông
Những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra với học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh khiến không ít người nhận ra, vẫn còn rất nhiều 'khoảng trống' trong công tác quản lý, giáo dục.
Ông Đinh Cao Quý - chủ cửa hàng xe đạp, xe đạp điện trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP Hà Tĩnh cho hay: "Khách hàng thường để con cái tự lựa chọn phương tiện tùy thuộc vào sở thích của chúng".
Xe máy, xe đạp điện: Vừa dùng vừa lo
Hiểu khá rõ tính năng của từng loại xe và cũng đã từng chứng kiến không ít vụ va chạm giao thông từ xe đạp điện, ông Đinh Cao Quý - chủ cửa hàng xe đạp, xe đạp điện trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP Hà Tĩnh) trăn trở: “Tôi luôn tư vấn cho khách hàng những loại xe phù hợp với độ tuổi, giới tính của các cháu, nhưng nhiều phụ huynh lại chẳng mặn mà nghe theo. Họ để con tự lựa chọn theo sở thích của chúng, dù trẻ con chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về độ an toàn, kích thước xe mà chỉ chọn xe theo tiêu chí… giống các bạn”.
Ông Quý cũng cho biết, những năm trước, số lượng xe đạp điện cửa hàng ông và các cửa hàng bên cạnh tiêu thụ rất lớn. Mỗi tháng, ông bán ra khoảng 15 chiếc xe đạp, xe máy điện các loại. Vài năm trở lại đây số lượng giảm, vì theo ông Quý, lượng xe xuất ra thị trường cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu; những gia đình có con ở độ tuổi cấp 2, cấp 3 đã sắm đủ xe cho con.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện nay, gần như 100% học sinh ở khu vực thành thị và nông thôn trên toàn tỉnh đều sử dụng xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện đến trường
Theo ghi nhận, các loại xe máy điện, xe đạp điện thường không gắn gương chiếu hậu và rất ít khi học sinh sử dụng đến xi nhan nên tai nạn dễ xảy ra khi bất ngờ chuyển hướng. Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không có tiếng động nên khi vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh.
Nhìn những chiếc xe đạp điện không tiếng động cơ, không tiếng còi xe báo hiệu của học sinh điều khiển vun vút lướt đi ở chốn đông người hay trong đêm tối, nhiều người lo ngại chỉ một tích tắc, những phương tiện này có thể trở thành “sát thủ”.
Thiếu tá Phạm Văn Hùng - Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Anh phân tích: “Địa bàn rộng, dân cư và trường học phân bố rải rác hơn các vùng khác, trong khi đó toàn huyện chỉ mới có 20 xe ô tô đưa đón, công suất phục vụ khoảng 400 học sinh. Con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu nên giải pháp duy nhất nhiều gia đình lựa chọn là giao xe máy, xe máy điện, xe đạp điện cho con sử dụng”.
Thiếu tá Phạm Văn Hùng - Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Anh trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh về tình hình, thực trạng tham gia giao thông của lứa tuổi học sinh trên địa bàn
Đó cũng là lý do chị Trần Thị Hoài (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh) sắm xe đạp điện cho con gái đang học lớp 11 - Trường THPT Kỳ Lâm. Chị Hoài chia sẻ: “Nhà cách trường 6 km, trong khi vợ chồng tôi không thể hằng ngày đưa đón con đi học được nên tôi đành phải mua xe đạp điện để con tự đến trường. Dù lòng vẫn canh cánh nỗi lo về sự an toàn của con nhưng không còn lựa chọn nào khác”.
Quản lý lỏng lẻo, học sinh chưa “thấm” luật
Dù các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở lứa tuổi học sinh liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây, thế nhưng vẫn có không ít trường hợp coi thường tính mạng, sức khỏe mình khi không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. (Ảnh chụp trên quốc lộ 12C đoạn qua phường Kỳ thịnh, TX Kỳ Anh ngày 9/6/2020).
Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với học sinh có dấu hiệu gia tăng cho thấy, dù các giải pháp tuyên truyền, giáo dục đã được ngành chức năng triển khai bằng nhiều hình thức, song nhiều em chưa “thấm” luật. Thiếu tá Phạm Văn Hùng cho biết, năm 2019, đơn vị đã ra quân xử lý học sinh vi phạm, lập biên bản 39 trường hợp.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có đến 33 trường hợp học sinh bị lập biên bản. Các lỗi vi phạm phổ biến là không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; dàn hàng ngang trên đường; điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không mang theo giấy tờ xe…
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, năm học 2019-2020, có 140 học sinh vi phạm pháp luật về ATGT được thông báo về sở. Nhưng một thực tế là, dù cơ quan chức năng, nhà trường đã tuyên truyền, ra quân xử lý, tình trạng học sinh vi phạm ATGT vẫn diễn ra.
Thầy Phạm Ngọc Hợi - Hiệu trưởng Trường THCS Thư Thọ (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Ngay từ đầu năm, nhà trường đã tuyên truyền và tổ chức cho 523 học sinh toàn trường ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Thế nhưng, một số em vẫn vi phạm cam kết và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Điều đó cho thấy, nhiều học sinh có dấu hiệu “nhờn luật”.
523 học sinh ở Trường THCS Thư Thọ đều đã ký cam kết chấp hành luật ATGT thế nhưng một số em vẫn vi phạm cam kết và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trong ảnh: Các bản ký cam kết của học sinh được nhà trường lưu trữ.
Ngoài nguyên nhân chủ quan từ bản thân học sinh còn có nguyên nhân khách quan từ việc buông lỏng quản lý, tâm lý nuông chiều con của phụ huynh. Nhiều vụ tai nạn xảy ra còn do sự vô trách nhiệm của người lớn khi lơ là trông coi trẻ nhỏ hoặc sau khi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện chở theo trẻ em.
Một phụ huynh thừa nhận: “Vì bận làm ăn buôn bán, vợ chồng tôi không có nhiều thời gian quản lý con. Do đó, con đã tự ý lấy xe máy cùng bạn đi chơi và không may xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Sự việc đau lòng này có lỗi lớn từ gia đình khi đã không quản lý, giáo dục con nghiêm ngặt”.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi 16-18. Đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3, xe đạp điện.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được lấy ý kiến sẽ bổ sung các quy định học sinh trên 16 tuổi khi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW phải có giấy phép lái xe hạng A0.