Học sinh hỗn láo tập thể với cô giáo Tuất quá sức tưởng tượng, đoàn thể ở đâu?
Việc học trò vô kỉ luật như thế này là quá sức tưởng tượng của bất kì giáo viên nào, bất cứ phụ huynh nào, bất cứ ai đã ngồi trên ghế nhà trường.
Có thể nói, chuyện học sinh hỗn láo trong giờ học với cô giáo Tuất ở Trường Tiểu học Sài Sơn B (thành phố Hà Nội) đang là vấn đề nóng của dư luận mạng xã hội mấy ngày qua.[1]
Giáo viên xem clip trên Truyền hình Tạp chí điện tử Người đưa tin, đã chia sẻ tràn ngập mạng xã hội, đã đau khổ, đồng cảm, xót xa với cô giáo Tuất là điều dễ hiểu khi họ đặt mình vào vị trí đó.
Việc học trò vô kỉ luật như thế này là quá sức tưởng tượng của bất kì giáo viên nào, bất cứ phụ huynh nào, bất cứ ai đã ngồi trên ghế nhà trường.
Anh Nguyễn Hoàng Kiệt ở Vũng Tàu chia sẻ “Tôi không tin được dù đó là sự thật, tôi cứ nghĩ đây là clip học sinh diễn, để làm tư liệu giáo dục hay phim hài chi đó.
Nếu học sinh như thế thì giáo viên làm sao mà dạy được, đúng là nghề giáo là nghề nguy hiểm thật”.
Ngược lại, anh Phùng Bá Thanh lại có quan điểm khác hẳn “Cô giáo không phản ứng với hành vi thái quá của học trò có thể có ba lý do.
Thứ nhất, hành vi của học trò là cái đích cô giáo muốn có, để phục vụ một mục đích khác của mình.
Thứ hai, cô giáo hoàn toàn thiếu kiến thức, kĩ năng sư phạm, vô cảm với mọi vấn đề.
Thứ ba, đây là hệ quả tất yếu của cách dạy học cổ điển, ngồi ghế rao giảng kiến thức sáo rỗng, không cập nhật phương pháp dạy học mới hiện nay”.
Thầy giáo T. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Xem clip, khâm phục sự chịu đựng của cô giáo thật, cô giáo đã không phản ứng theo thói thường mà ta vẫn thấy, cô ấy làm chủ cảm xúc thật tốt.
Ở nhiều người, gặp học sinh như thế khó mà không nổi nóng, đánh đập, chửi bới, trừng phạt, bạo hành học trò”.
Đoàn thể, đồng nghiệp ở đâu khi học sinh hỗn láo tập thể?
Thực tế hiện nay, không nghe, không thấy, không biết, không quan tâm vẫn tồn tại trong nhà trường.
Một giáo viên nào đó không được lòng lãnh đạo, những giáo viên khác không dám thân thiết, nói chuyện là có thật.
Đặc biệt, những giáo viên dám tố cáo tiêu cực của lãnh đạo nhà trường nhiều khi trở nên cô đơn, bị cô lập ngay trong tập thể.
Minh chứng cho việc không nghe, không thấy, không biết, không quan tâm vẫn tồn tại trong nhà trường là vụ “Cô giáo giáo dạy toán ba tháng không giảng bài” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều này đặt ra một vấn đề, các tổ chức đoàn thể, đồng nghiệp ở đâu khi các vụ tiêu cực xảy ra trong trường học?
Việc học sinh hỗn láo tập thể với cô giáo Tuất ở Trường Tiểu học Sài Sơn B (thành phố Hà Nội) không thể ngày một ngày hai, không thể giáo viên trong trường không biết, không thể các tổ chức đoàn thể không biết?
Giáo dục đạo đức học sinh không gì hơn là lan tỏa yêu thương từ thầy cô giáo với đồng nghiệp của mình đến với học trò.
Trăm lời nói không bằng một hành động, người viết tin chắc rằng, chỉ cần giáo viên lớp kế bên lên tiếng, giáo viên chủ nhiệm làm đúng chức trách, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường hoạt động đạt mức trung bình, chắc chắn không thể có cảnh học sinh hỗn láo tập thể với cô giáo như thế.
Có phải do cô giáo Tuất tố cáo tiêu cực nên phải chịu “hậu quả” như trên, phải cô đơn trước cái xấu, cái ác, không có đoàn thể, không có đồng nghiệp bảo vệ, giúp đỡ?
Học sinh như tờ giấy, hành vi của thầy cô, cha mẹ đang vẽ lên đó thực tại và tương lai. Có tai phải nghe, có mắt phải thấy, hãy lên tiếng đừng để học trò hỗn láo với giáo viên.
Học trò hỗn láo với thầy cô giáo, thầy cô là người chịu thiệt thòi đầu tiên, nhưng người chịu thiệt nhiều nhất, lâu dài nhất chính là học trò.
Napoleon Bonaparte từng nói "Thế giới chìm trong nỗi đau khổ không phải là lỗi của kẻ xấu mà là do sự im lặng của những người tốt".
Sự im lặng của các tổ chức đoàn thể, giáo viên trong trường trước hành vi xấu của học trò chính là lực cản lớn nhất để xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc.
Tài liệu tham khảo:
https://tv.nguoiduatin.vn/index.php/vu-giao-vien-day-gioi-bi-phan-cong-don-ve-sinh-o-ha-noi-bai-2-tan-cung-cua-su-tru-dap-p9187.html