Học sinh hứng thú khi đề Văn có phần trắc nghiệm
Kiểm tra môn Văn lớp 10 có phần trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận đang được một số trường THPT tại TP.HCM thực hiện.
Nhận đề thi Văn, Lê Kim Tuyền, học sinh (HS) lớp 10 trường THPT Ten Lơ Man (quận 1) cảm thấy hơi lạ vì đề bài gồm 7 câu trắc nghiệm (mỗi câu 0,5 điểm) và 3 câu tự luận xoay quanh câu chuyện thần thoại Chử Lầu của người H'Mông không hề có trong sách giáo khoa.
“Trắc nghiệm có sẵn đáp án nhưng em phải suy luận mới chọn được đáp án chính xác. Việc thay đổi đề thi tạo ra sự mới mẻ, hứng thú khi học Văn hơn” -Tuyền nói thêm.
Là giáo viên ra đề Văn trên, cô Lê Phan Thanh Nhàn cho hay theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, HS phải được đánh giá 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nên cách ra đề cũng phải thay đổi cho phù hợp.
“Ra đề trắc nghiệm sẽ tạo điều kiện cho giáo viên bao phủ được kỹ năng đọc hiểu văn bản của HS, còn những câu hỏi tự luận sẽ phát triển kỹ năng viết của các em” - cô Nhàn bày tỏ.
Cũng theo cô Nhàn, trong quá trình lựa chọn văn bản để kiểm tra trắc nghiệm, tổ bộ môn phải tổ chức họp để tránh tình trạng sử dụng văn bản quá xa lạ với các em.
“Chương trình lớp 10 giới hạn chủ đề và thể loại giúp giáo viên chọn lựa được văn bản phù hợp, qua đó thiết kế hệ thống trắc nghiệm hợp lý, tránh tình trạng ra câu hỏi quá lệch với nội dung trọng tâm ” - cô Nhàn nói thêm.
Việc kiểm tra môn Văn theo hình thức trắc nghiệm khách quan cũng đang được Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn triển khai.
Là người ra đề Văn trên, thầy Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ: "Việc lồng trắc nghiệm vào đề thi tạo được sự đổi mới, gây hứng thú cho HS khi làm bài, tạo được độ chính xác, khoa học cho bộ môn. Nhiều người luôn nghĩ môn Văn thiên về cảm tính nhưng đưa trắc nghiệm vào sẽ giúp kiểm tra được mức độ hiểu biết của HS dựa trên kiến thức nền tảng được giáo viên cung cấp" - thầy Hiếu nói.
Cũng theo thầy Hiếu, những câu hỏi trắc nghiệm môn Văn dù ở mức độ cơ bản nhưng không hẳn quá dễ, sẽ có một số câu hỏi kiểm tra mức độ hiểu văn bản của các em. Phần trắc nghiệm sẽ không ra những câu hỏi ở mức độ vận dụng vì câu hỏi tự luận đã có yêu cầu này. Tác phẩm sử dụng trong đề thi là một văn bản ngoài sách giáo khoa. Điều này khác với chương trình cũ.
“Sách giáo khoa lớp 10 có bài dạy một đoạn trích về sử thi Ô-đi-xê. Nhưng trích đoạn được sử dụng trong đề Văn là một trích đoạn khác. Việc ra đề như vậy sẽ kiểm tra được năng lực đọc hiểu của học sinh theo đặc trưng thể loại. Với chương trình Văn lớp 10, giáo viên sẽ cung cấp những nét đặc trưng của từng thể loại. Học sinh sẽ dựa vào những kiến thức có được để phân tích vào từng văn bản. Điều này sẽ phần nào triệt tiêu được văn mẫu” - thầy Hiếu nhấn mạnh.
Trường học tự chủ kiểm tra, đánh giá
Triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán toàn quốc nhằm nâng cao năng lực của giáo viên về xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo chương trình mới.
Một trong những nội dung tập huấn là giáo viên được hướng dẫn kỹ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan (đây là phần chung dành cho tất cả các môn học). Qua đó, giúp giáo viên nắm được và đánh giá tính ưu việt của từng công cụ, từ đó sử dụng phù hợp, hiệu quả, đảm bảo phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh.
Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định.
Nguồn PLO: https://plo.vn/hoc-sinh-hung-thu-khi-de-van-co-phan-trac-nghiem-post706067.html