Học sinh lớp 7 đến 12 có thể được đến trường
Với mong muốn học sinh được quay trở lại trường học trực tiếp trong điều kiện an toàn, Sở GD&ĐT Hà Nội đang xem xét, đề xuất với TP cho phép 100% học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường sau Tết Nguyên đán.
Đề xuất mới sau kỳ nghỉ Tết
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: “Dự kiến, nếu dịch bệnh ổn định thì sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Sở sẽ tiếp tục đề xuất với TP cho 100% học sinh khối 7 đến 12 ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã đi học trở lại. Đề xuất được cân nhắc căn cứ thực tế tình hình dịch bệnh tại TP cũng như tỷ lệ tiêm chủng của học sinh trên tinh thần đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường”.
Khi dịch Covid- 19 bùng phát lần thứ tư, học sinh các cấp tại Hà Nội dừng học trực tiếp từ đầu tháng 5/2021. Từ ngày 8/11, sau khi trao đổi ý kiến và được sự thống nhất của các ngành, Sở GD&ĐT đã đề xuất cho học sinh lớp 9 thuộc huyện Ba Vì học trực tiếp. Qua gần 3 tuần mở thực hiện với kết quả đảm bảo tuyệt đối an toàn, từ ngày 22/11, Hà Nội tiếp tục cho phép học sinh lớp 9 thuộc 17 huyện, thị xã đến trường. Ngày 6/12, Hà Nội đồng ý phương án cho học sinh khối 12 tại 30 quận, huyện, thị xã có dịch ở cấp độ 1, 2 đến trường học luân phiên. Và khi TP có nhiều khu vực đổi màu, tăng (giảm) cấp độ dịch, Sở GD&ĐT có văn bản đề nghị các đơn vị xem xét cho học sinh lớp 9 và lớp 12 ở những vùng dịch cấp độ 3 tạm dừng đến trường; học sinh ở vùng cam chuyển xuống vùng vàng thì được phép cho lớp 9, lớp 12 đi học trực tiếp theo kế hoạch. Như vậy, hiện có khoảng 64.000 em trên tổng số khoảng 2,2 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội được học trực tiếp. Đáng lưu ý, theo hướng dẫn của Bộ và Sở, vừa qua, một số trường tiểu học thuộc huyện Mê Linh và Quốc Oai đã tổ chức cho học sinh, đặc biệt là lớp 1, 2 đến trường kiểm tra học kỳ 1 trực tiếp.
Về công tác tiêm chủng vaccine, trong tháng 11, toàn TP triển khai tiêm mũi 1 cho học sinh từ đủ 12 đến 17 tuổi theo hình thức cuốn chiếu. Từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022, Hà Nội tiếp tục tiêm vaccine mũi 2 cho học sinh ở độ tuổi trên. Tính đến 11/1, tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-14 tuổi trên địa bàn đạt 99,5% mũi 1 và 90,3% mũi 2; trẻ từ 15-17 tuổi đạt 99,4% mũi 1 và 93,9% mũi 2. Liên Sở Y tế - GD&ĐT cũng ban hành hướng dẫn cách thức xử lý khi trường học có F0, F1, F2 theo từng bước cụ thể, chi tiết.
Sẵn sàng tinh thần ứng phó linh hoạt
Vì dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm cộng đồng tăng cao (khoảng 3.000 ca/ngày) nên dù tiêm 2 mũi nhưng học sinh Hà Nội (trừ khối 9 và 12) vẫn chưa được đến trường. Điều này khiến phụ huynh, thầy cô giáo và các em đều sốt ruột bởi học trực tuyến kéo dài dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe thể chất, tinh thần, chất lượng giáo dục; bên cạnh đó cũng có không ít học sinh xuất hiện tâm lý ngại và sợ đến trường.
Thầy Cấn Việt Thắng, Hiệu trưởng trường THCS Phúc Xá, quận Ba Đình chia sẻ: “Các nhà trường luôn sẵn sàng điều kiện cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại trên nguyên tắc đảm bảo phòng dịch cao nhất. Nếu tình hình ổn định và được sự cho phép của TP, chắc chắn số học sinh đến trường sẽ đạt tỷ lệ cao bởi các em đều được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid- 19”.
Đồng tình với ý kiến trên, Hiệu trưởng Trường THCS Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng Lê Thị Lâm cho biết: Ai cũng mong đi học trực tiếp nhưng yếu tố an toàn vẫn quan trọng hơn cả. Và một vấn đề các trường, học sinh, giáo viên phải đối mặt khi mở cửa trường học đó là dự phòng trường hợp xuất hiện F0, F1. Ngay đầu tuần sau, nhà trường sẽ tiến hành tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm các lớp phương án xử lý khi phát hiện ca nhiễm và nghi nhiễm Covid - 19 trong khuôn viên trường học, lớp học; từ đó, giáo viên sẽ tuyên truyền cho học sinh và cha mẹ nắm được các bước xử lý, tránh trường hợp lúng túng và lo sợ khi phát hiện F0, F1 để đảm bảo an toàn và chất lượng giảng dạy.
Còn cô Trần Thị Hải Yến- Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm cho rằng, nếu cả trường được đi học trở lại thì số học sinh đông hơn và vất vả ở khâu kiểm soát, quản lý nhưng lại thuận lợi ở khâu tổ chức dạy học. Cách thức xử lý khi phát hiện F0, F1 trong trường học thời điểm sau Tết chắc chắn sẽ gọn nhẹ, dễ thực hiện hơn trước bởi tâm lý tiếp nhận và quan điểm về dịch bệnh đã thay đổi. Nhìn chung, cả thầy, trò và phụ huynh đều mong muốn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dịch bệnh ổn định để thầy- trò được học trực tiếp 100%.
“Lúc trước, gia đình vẫn e dè khi cho các con đi học giữa lúc dịch Covid- 19 phức tạp nhưng giờ đây, thấy dịch bệnh rất khó dự đoán; nếu chờ hết dịch thì không biết đến bao giờ. Thời gian qua đi, các con cần được đến lớp. Do vậy, việc cho học sinh lớp 7 đến 12 đi học sau nghỉ Tết là hợp lý và rất được mong đợi. Tôi tin, sẽ nhiều phụ huynh đồng thuận, tán thành với phương án trên”- chị Nguyễn Thị Mai Ngọc, phụ huynh thuộc quận Ba Đình bày tỏ.
Với học sinh mầm non và từ lớp 1 đến lớp 6, Hà Nội vẫn chưa công bố phương án đề xuất. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh mầm non vẫn nghỉ tại nhà, duy trì hoạt động kết nối với thầy cô và nhà trường còn học sinh tiểu học và lớp 6 sẽ tiếp tục học trực tuyến.
Được biết, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi để tiến tới cho toàn học sinh các độ tuổi được đến trường an toàn.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/100-hoc-sinh-lop-7-den-12-co-the-tro-lai-truong.html