Học sinh mầm non, tiểu học ở TP.HCM đến trường

Hơn 5 tháng kể từ ngày khai giảng năm học mới, học sinh tiểu học, trẻ mầm non của TP.HCM mới được đến trường học trực tiếp.

Sáng 14/2, cổng trường mầm non, tiểu học nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh. Phụ huynh TP.HCM quay lại với nhịp sinh hoạt quen thuộc - đưa con đến trường rồi đến công sở.

 Sáng 14/2, học sinh mầm non tại TP.HCM được bố trí đo nhiệt độ, rửa tay cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: Phương Lâm.

Sáng 14/2, học sinh mầm non tại TP.HCM được bố trí đo nhiệt độ, rửa tay cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: Phương Lâm.

Chào đón học sinh, tổ chức bán trú

Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM), thông tin trong ngày đầu học sinh quay lại lớp, các thầy cô đặc biệt quan tâm những em lớp 1. Đây không khác gì ngày đầu tiên đi học của các em. Do đó, trường bố trí cổng riêng cho trẻ lớp 1. Thầy, cô tặng quà, hóa trang nhân vật hoạt hình để chào đón.

Ông Nguyễn Tuấn, chủ một nhóm trẻ mầm non ở TP.HCM, chia sẻ cảm xúc vui mừng và an tâm khi đón trẻ trở lại. Ông cho biết các trường mầm non, nhất là đơn vị ngoài công lập, mong chờ ngày này từ rất lâu và hy vọng được hoạt động ổn định trở lại.

Ngày đầu trẻ quay lại học tập, công tác phòng dịch được lưu ý. Phụ huynh được trao đổi kỹ biện pháp phòng dịch để nói với con trước. Giáo viên tập trung hướng dẫn lại với trẻ thêm nhiều lần giúp các con ghi nhớ và thực hành như thói quen.

Để thuận tiện cho phụ huynh và đưa việc dạy học trở lại trạng thái bình thường, ngay khi học sinh trở lại, các trường mầm non, tiểu học đều tổ chức bán trú.

Cô Hương thông tin trong tuần đầu, trường tổ chức cho các khối đến trường một ngày, nghỉ một ngày. Ngày 14/2, học sinh khối 1, 5 đến trường trước. Ngày tiếp theo, học sinh khối 2, 3, 4 đi học. Học sinh được học 2 buổi/ngày, có bán trú.

"Trong tuần đầu, trường muốn công tác đón học sinh diễn ra chu đáo nên cho các khối học cách ngày. Trong quá trình dạy học, nếu có vấn đề trục trặc, phát sinh, với số lượng học sinh ít, trường sẽ dễ dàng điều chỉnh, thay đổi", cô Hương nói.

Hiệu trưởng cho hay công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, bảo mẫu, an toàn thực phẩm đã hoàn thành. Trường chưa thể gọi lại đầy đủ bảo mẫu nhưng lực lượng hiện tại vẫn đáp ứng đủ. Thời gian tới, trường tiếp tục tuyển bổ sung.

Cô Nguyễn Thị Minh Phương, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Bông Sao (quận 8, TP.HCM), cho hay tuần qua, cả trường nỗ lực chuẩn bị để đón học sinh, trong đó có việc tổ chức bán trú. Số lượng đăng ký ăn bán trú không cao như những năm trước.

Cả trường có tổng cộng 1.413 học sinh đăng ký ăn bán trú từ ngày 14/2. Nhà trường chia làm 2 ca ăn trưa. Ca một dành cho học sinh khối 1, 2, 3. Ca hai là học sinh khối 4, 5. Để đảm bảo khoảng cách và công tác phòng chống dịch bệnh, trường chia 17 lớp ăn tại phòng học, 22 lớp còn lại được chia ca, ăn trưa ở căng tin.

Sáng nay, học sinh mầm non được hướng dẫn các quy định trong lớp, làm quen môi trường học mới. Ảnh: Phương Lâm.

Sáng nay, học sinh mầm non được hướng dẫn các quy định trong lớp, làm quen môi trường học mới. Ảnh: Phương Lâm.

Học sinh đến trường trước để làm quen

Trong tuần qua, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đã tổ chức cho học sinh đến lớp 1-2 buổi để làm quen thầy cô, trường lớp và các hoạt động phòng dịch Covid-19.

Cô Bùi Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM), thông tin trước khi chính thức đón học sinh trở lại vào ngày 14/2, trường đã cho từng khối đến lớp làm quen, ổn định tình hình. Học sinh, nhất là những em lớp 1, 2, làm quen bạn bè, thầy cô, được hướng dẫn cách ra, vào trường, cũng như nội dung phòng dịch, nhắc lại quy định trong lớp.

Trường cũng họp phụ huynh trực tiếp để trao đổi nội dung cần gia đình phối hợp, hỗ trợ từ nhà, giờ giấc đưa đón và thống nhất vấn đề bán trú, ăn trưa.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho biết ngoài việc chuẩn bị, đầu tư, sửa chữa lại cơ sở vật chất của những đơn vị được ngành y tế trưng dụng chống dịch, trường tiểu học và THCS trên địa bàn đã tổ chức cho phụ huynh lớp 1, 6 đưa học sinh vào trường làm quen. Điều này sẽ giúp cho cả phụ huynh và học sinh quen dần với việc phòng, chống dịch trong trường học.

 Học sinh tiểu học có ngày "tựu trường" sau hơn 5 tháng học online. Ảnh: NH.

Học sinh tiểu học có ngày "tựu trường" sau hơn 5 tháng học online. Ảnh: NH.

Ngành giáo dục không làm thay việc của y tế

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học không có gì thay đổi so với trước Tết.

Sở yêu cầu các trường phải có phòng cách ly tạm thời, phòng dự trữ, có thể huy động cả phòng chức năng, hội trường để có thể xử lý ngay ca nhiễm hay nghi nhiễm, cách ly tạm thời học sinh.

Qua kiểm tra một số trường, ông Dũng cho hay nhiều cơ sở chuẩn bị tốt theo quy định của thành phố và hướng dẫn của sở. Sự đồng thuận của phụ huynh cho con em đi học trở lại cũng đã đạt tỷ lệ khá cao, kể cả ở những học sinh lớp nhỏ.

Thời gian tới, sở yêu cầu các trường cần quan tâm đội ngũ giáo viên, nhân viên trong trường học. Khi xảy ra các tình huống liên quan dịch bệnh, nhà trường xử lý và khoanh vùng nhỏ, nhanh nhất, ít ảnh hưởng nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K theo quy định và chia các hoạt động của trường theo nhóm nhỏ.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường cần phối hợp chặt chẽ với y tế của địa phương nhưng không làm thay nhiệm vụ chuyên môn của ngành y tế. Về vấn đề kit test xét nghiệm cho trường học, ngành y tế sẽ cung cấp theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Từ ngày 14/2, toàn bộ học sinh khối phổ thông, trẻ em 3-6 tuổi của TP.HCM đến trường bình thường. Dự kiến, đầu tháng ba, TP.HCM mở rộng việc đến trường cho các độ tuổi còn lại của bậc mầm non.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoc-sinh-mam-non-tieu-hoc-o-tphcm-den-truong-post1295513.html