Học sinh nâng cao năng lực nói tiếng Anh thông qua ứng dụng ICorrect
Sau một thời gian luyện nói tiếng Anh bằng ứng dụng ICorrect, các em học sinh trường THCS Nguyễn Huy Tưởng đã có những tiến bộ rõ rệt.
Vừa qua, tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, Hà Nội, Công ty cổ phần CSuppoter phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá việc triển khai thí điểm Đề án “Ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực nói tiếng Anh cho học sinh”.
Tại hội nghị, báo cáo kết quả triển khai đề án giai đoạn I, Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc đào tạo của Công ty cổ phần Csupporter, đánh giá, sau một thời gian ngắn triển khai đề án, nhiều học sinh đã có những tiến bộ rõ rệt.
Về kế hoạch triển khai đề án giai đoạn II, theo ông Sơn, đề án sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT để mở rộng phạm vi triển khai hỗ trợ tất cả các nhà trường trên cả nước ứng dụng phần mềm ICorrect vào giảng dạy theo 2 chương trình chính. Đó là chương trình tài trợ ứng dụng công nghệ vào tổ chức kì thi học kì kĩ năng nói qua phần mềm ICorrect miễn phí; Chương trình xã hội hóa ứng dụng công nghệ vào học tập, rèn luyện kĩ năng nói qua phần mềm ICorrect có thu phí.
Được phân công tham gia triển khai thực hiện đề án, cô Trịnh Thị Phượng, giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, đánh giá, nội dung câu hỏi luyện tập được thiết kế bám rất sát theo chương trình sách giáo khoa đang giảng dạy tại nhà trường theo từng chủ đề, từng tiết học. Điều này vô cùng hữu ích trong việc giúp học sinh ôn tập lại kiến thức đã học trên lớp và ứng dụng vào thực hành kỹ năng nói tiếng Anh.
Bên cạnh đó, giáo viên ảo trong phần mềm phát âm rõ ràng, chuẩn tiếng bản ngữ, giúp học sinh không chỉ cải thiện kỹ năng nghe nói mà còn cải thiện được khả năng phát âm và phản xạ trả lời câu hỏi.
Theo cô Hoàng Thị Bích Vân, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, nhằm hỗ trợ công tác giảng dạy và học tập trong nhà trường. Sau khi tìm hiểu về ứng dụng ICorrect, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức triển khai thí điểm Đề án tại 2 lớp Khối 6 và Khối 8 của trường. Qua thời gian trải nghiệm và được hỗ trợ về chuyên môn, giáo viên bộ môn Tiếng Anh đã nắm bắt và sử dụng thành thạo phần mềm, tổ chức dạy và kiểm tra chất lượng, khả năng nói cho học sinh.
“Đánh giá sơ bộ, các con đã có sự tiến bộ tương đối rõ nét về kỹ năng nói. Trong thời gian tới, các con tích cực rèn luyện với giáo viên bản ngữ ảo thì sẽ tiến bộ rất nhanh. Tuy nhiên, công nghệ và phần mềm chỉ là công cụ để hỗ trợ, còn lại vẫn phải do bản thân nỗ lực học tập, rèn luyện”, cô Vân nhìn nhận.
Cô Vân cho biết thêm, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và học tập là mục tiêu của trường THCS Nguyễn Huy Tưởng nói riêng và của ngành giáo dục nói chung. Tuy mới đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng từng bước đội ngũ giáo viên và học sinh đã nắm bắt và sử dụng được thành thạo. Trong năm học tới đây, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 của đề án nhằm lan tỏa đến tất cả học sinh của nhà trường.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số giáo dục IC EDU, cho biết, với sức mạnh của chuyển đổi số, khoảng cách địa lý giữa các quốc gia đã bị xóa bỏ và chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Để học sinh có thể trở thành những công dân toàn cầu thì việc có khả năng giao tiếp bằng Tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc.
Chính vì vậy trung tâm chuyển đổi số giáo dục IC EDU đã phối hợp với Công ty Cổ phần CSUPPORTER triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ vào việc nâng cao năng lực nói tiếng Anh cho học sinh". Đây là chương trình giúp học sinh có thể luyện nói Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài nhân tạo qua ứng dụng ICorrect mọi lúc mọi nơi, từ đó nâng cao phản xạ nghe nói và tự tin giao tiếp Tiếng Anh.